Một góc Việt phủ Thành Chương.
“Hôm nay nhìn thấy Việt phủ vô giá với bao nhiêu tiền của công sức, người ta không biết rằng, có những thời đoạn người chủ Thành Chương đôn đáo chạy vạy từng đồng để trả tiền công thợ, để sửa chữa và xây mới, có những thời đoạn ngày lăn lộn trên phủ, đêm đêm lại về nằm bò ra vẽ tranh, minh họa…”. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết về người bạn thân của mình - họa sĩ Thành Chương, người đã tạo ra Việt phủ, quần thể kiến trúc lưu giữ vẻ đẹp văn hóa vô giá của người Việt trong 15 năm qua.
Tôi là một trong số hiếm hoi những người bạn thân thiết sớm có mặt trên Việt phủ Thành Chương từ những ngày đầu tiên, khi Thành Chương đặt những viên gạch phồng quá lửa xây tường bao quanh gần 1.000 m2, nơi chỉ toàn đá sỏi và leo pheo vài cây nhãn gầy guộc. Quyết định biến cái nơi khó thể có cây cối nào sinh lời, đất giáp ranh rừng phân bổ cho nông dân, mà chính họ, những người Sóc Sơn còn thấy khó, thành một nơi tồn lưu những vẻ đẹp của văn hóa Việt trong không gian sống Việt bắt nguồn từ nền kinh tế lúa nước.
15 năm qua rồi, bây giờ Việt phủ đã là một địa chỉ văn hóa nổi tiếng của Hà Nội, được chọn là một địa điểm văn hóa trong Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế, các chính khách cao cấp của nhiều nước, khi đến Hà Nội thường được giới thiệu đến nơi đây, để chiêm ngưỡng một tầng văn hóa Việt ẩn giấu trong nhiều thể loại kiến trúc, tượng đài, vật dụng truyền thống cổ kính và linh thiêng của Việt Nam.
Có thể nói cuộc đời của Thành Chương có hai đóng góp lớn cho đất nước. Nếu như với vai trò một họa sĩ, Thành Chương đã là một họa sĩ lớn, tạo ra một gương mặt họa sĩ Việt Nam vừa hiện đại vừa dân tộc nhất, tên tuổi đến với thế giới, (UNESCO năm 2001 đã chọn tranh Thành Chương để in tem) thì khu bảo tồn Việt phủ Thành Chương là thành công thứ hai của đời anh, trong việc bảo tồn và sáng tạo thêm một địa chỉ văn hóa lớn, làm vinh danh cho thủ đô Hà Nội.
Bây giờ nhìn lại 15 năm tôi không khỏi khâm phục ý chí của người bạn thân để tạo nên Việt phủ như hôm nay. Người ta nói Thành Chương rất giàu cũng đúng, khi nhìn vào cơ ngơi này, cơ ngơi mà nếu nhà nước muốn tạo dựng phải hàng nghìn tỷ. Nhưng ít ai biết, để có ở đây rất nhiều hiện vật đã được Thành Chương sưu tầm từ thuở ấu thơ tới ba bốn chục năm trưởng thành. Có tượng đài đá nhỏ, anh cõng suốt trong ba lô, mang từ chiến tranh, trên Trường Sơn về. Ở đây với tình yêu cổ vật Việt và ý thức dân tộc cao, hàng nghìn linh vật trong tứ linh Việt đã được thu gom, lưu giữ mà không lai tạp bất cứ một linh vật ngoại lai nào. Cũng ở đây tồn dựng khá nhiều nguyên mẫu nhà cổ như nhà ba gian, năm gian, bảy gian hai chái, nhà sàn, giếng cổ, cầu đá, tháp và tượng đài...
Tất cả mọi công trình lớn nhỏ ấy, được chủ nhân mua về, gom góp bằng hầu hết số tiền bán tranh trong vòng 30, 40 năm qua. Nhưng những điều trên bất cứ một đại gia giàu có đều có thể dùng tiền làm được. Điều khác họ là ở đây, nghệ sĩ Thành Chương, với vốn văn hóa dày dặn của mình không chỉ phục dựng lại các kiến trúc cổ một cách máy móc. Nghệ sĩ tài ba Thành Chương đã tạo nên một quần thể kiến trúc có nội dung, từng kỳ quan nguyên thủy của ông cha, mang từng cốt lõi tâm hồn Việt. Để như vậy, trên Việt phủ Thành Chương có lúc cả chục tốp thợ lành nghề, hàng trăm lao động thủ công và Thành Chương tự mình quan tâm tới từng chi tiết, từng viên gạch, từng nhát bay hay nét tạo dáng của các phù điêu.
Tôi từng chứng kiến anh tự tay uốn nắn thợ thuyền, chỉ bảo cho họ rằng, kiến trúc và điêu khắc của cha ông ta không quá tinh vi cầu kỳ như người Trung Hoa, anh em phải làm sao cho nó mộc mạc, ấm áp, mang cái tinh thần của người Việt ta. Chính vì vậy khi bước vào khu văn hóa di chỉ của Việt phủ, nhiều khách tham quan ngỡ ngàng bởi tính chân thực của không gian, bởi sự gần gũi, ấm áp, gợi nhớ một không gian sống đã gắn bó hàng nghìn năm với từng con người Việt. Nó là một quần thể mà trong nó từng nếp nhà hay tháp, đền đài đều hòa nhập với từng loài cây quen thuộc bấy nay trong không gian sống văn hóa làng xã Việt cổ kính.
Một nhà ngoại giao cao cấp Mỹ, ngài cựu đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt khi lên đây đã trịnh trọng ghi vào sổ lưu niệm: “Người ta thường nói, biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng với công trình này, ông là người đã biến hiện thực thành giấc mơ”. Để làm được điều này, bằng cả tình yêu và tài năng phát rộ của mình, Thành Chương không chỉ tái tạo một không gian xưa mà còn sáng tạo thêm ở vài công trình vừa có giá trị nghệ thuật cao vừa đầy giá trị sử dụng hiện đại. Cái sự sáng tạo của một tâm hồn nghệ sĩ khác hẳn một trọc phú còn ở việc, anh tự tay mình tạo nên nhiều chi tiết mà nếu ở tay người chủ khác phải chi hàng chục tỷ mới có thể có.
Theo thời gian suốt 15 năm trời đằng đẵng, Việt phủ Thành Chương đã ngay ngắn nghiêm chỉnh và bề thế phô bày vẻ đẹp của một phủ làng như hôm nay, cũng là thời gian nơi đây đã làm nên sự nghiệp cho nhiều nghệ nhân cao cấp. Có cậu bé từ một thợ hồ phụ việc đắp phù điêu nay đã trở thành một nghệ nhân có tay nghề rất cao trong làng xây dựng phục chế đền chùa miếu mạo.
Chứng kiến cả quá trình lao tâm khổ tứ, vừa làm báo, vẽ tranh cho sự nghiệp hội họa, lại đầu tư cho Việt phủ, không ai hiểu rằng Việt phủ Thành Chương là sự gom góp cả cuộc đời một con người dám yêu hết lòng và biết yêu văn hóa Việt.
Hôm nay người ta chỉ nhìn thấy cả Việt phủ vô giá với bao nhiêu tiền của công sức, người ta không biết rằng, có những thời đoạn người chủ Thành Chương đôn đáo chạy vạy từng đồng để trả tiền công thợ, để sửa chữa và xây mới, có những thời đoạn ngày lăn lộn trên phủ, đêm đêm lại về nằm bò ra vẽ tranh, minh họa trong một căn hộ rất khiêm nhường ở Hà Nội. Thành Chương từng tâm sự với tôi rằng, muốn một khu bảo tồn có thể sống, thì phải tạo ra sự sống ngay trong mỗi công trình. Phải có con người sinh hoạt ăn ở thực sự trong đó, cho nó có hơi người. Đấy cũng là một nguyên nhân để giải đáp cho sự thất bại của những khu bảo tồn chi tới vài nghìn tỷ mà vẫn hoang lạnh, thiếu sự hoạt động thực tế.
Khu Việt phủ Thành Chương ngay từ khi chưa hoạt động đã thu hút những vị khách tò mò người Việt. Những người nông dân già tò mò đến lật cả tờ báo xem mặt gã đầu trọc, khi Thành Chương nghỉ trưa trên ghế tre dài. Họ tò mò muốn biết mặt cái ông dở hơi bỏ bao nhiêu tiền xây dựng cái gì trên cái mảnh đất mà họ đã bán đi vì không thể thu lợi. Khi chiêm ngưỡng tất cả các công trình thân quen với họ ngay thời gian đầu ấy, từ cái điếm canh đê, tới gian nhà ba gian, cả chiếc cầu đá hay cái giếng đá cổ, làm họ tìm thấy sự thiêng liêng trong từng vật dụng. Họ biết ơn họa sĩ Thành Chương khi chứng kiến tận mắt hàng trăm công trình lớn nhỏ ở đây, thấy mảnh đất hoang dại của họ nay đã phủ kín bóng xanh, cho họ lại thấy một làng phủ trù phú như cổ tích.
Khó có thể hình dung ra, để có được như vậy, trên cái mảnh đất toàn đá sỏi này họa sĩ Thành Chương đã đổ về đây hàng nghìn mét khối đất phù sa trĩu nặng lòng kính trọng và thương yêu của anh với mảnh đất mà anh muốn ở đó có tâm hồn Việt.
Mười lăm năm Việt phủ Thành Chương chiếm phần lớn thời gian sống đã đến nửa sau sắp muộn của một họa sĩ 68 xuân. Nhớ lại và suy nghĩ, Thành Chương bằng giọng trầm nói với tôi rằng:
- Là bạn thân, chắc ông cũng như tôi, hiểu rằng ở cái tuổi này, chúng ta đã trải qua tất cả cái gì con người phải trải qua, thì cả ông và tôi chắc không còn tham vọng ham hố gì nữa. Cái công trình Việt phủ này nói là của cá nhân tôi thì cũng đúng một nửa về tài sản vật chất, cá nhân tôi đã tạo ra nó bằng tình cảm của tôi với những gì mà tôi kính trọng, yêu quý, muốn lưu giữ cho tất cả mọi người. Nhưng khi nó thành công thì như ông thấy, giá trị tinh thần là của muôn người.
Không một ai thông minh lại bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức tâm trí mà thực chất không bao giờ thu hồi vốn được. Nhưng có một giá trị rất lớn làm cho tôi và chắc là cả ông thấy hạnh phúc, là khi Việt phủ trở thành địa chỉ văn hóa, tinh thần cho tất cả mọi người, tất cả những ai yêu quý trân trọng văn hóa bản sắc của đất nước. Và, đó chính là lý do duy nhất để ông thấy, tôi vẫn hết lòng cống hiến cho Việt phủ Thành Chương ngày hôm nay.
Một số hình ảnh về Việt phủ Thành Chương:
Theo nhandan.com.vn