Nỗi lo là tình trạng thất nghiệp dẫn đến việc trả các khoản nợ bố mẹ vay mượn đầu tư cho con trong bao năm học không lối thoát, càng học càng nghèo.
Sinh viên tốt nghiệp sư phạm loại giỏi Lê Văn Mạo làm công thuê tại xưởng bóc ván gỗ
Với các em học sinh vùng cao, việc học chữ không chỉ để có thêm tri thức mà còn mang trong đó bao hoài bão, ước mơ vượt núi, tìm một cuộc sống tốt đẹp, bớt nghèo khó hơn.
Ấy vậy mà gần đây ước mơ của những học trò nghèo nơi rẻo cao Tây Bắc vẫn mãi chỉ là ước mơ, khi những đứa con xuất sắc nhất bản làng cầm tấm bằng đại học, cao đẳng về trong tình trạng thất nghiệp.
Ngược núi quay trở lại bản làng để tiếp tục “bán mặt” cho nương đồi khiến những con chữ và cả tri thức rơi rụng dần theo năm tháng. Nỗi buồn lo là tình trạng thất nghiệp dẫn đến việc trả các khoản nợ bố mẹ vay mượn đầu tư cho con trong bao năm học không lối thoát. Nhiều em gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Vậy thực tế này ở các tỉnh Tây Bắc ra sao, vấn đề tuyển sinh hiện nay và giải pháp nào khắc phục cho tình trạng này? Tại xưởng bóc ván gỗ nhỏ của thôn Liên Tiến, xã Thái Niên, tỉnh Lào Cai, thanh niên Lê Văn Mạo khoác bên ngoài chiếc áo lao động sờn rách, mồ hôi nhễ nhại đang hăng say với công việc của mình.
2 năm trước, Mạo tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành sư phạm Địa lý của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Dừng tay, gạt mồ hôi trên mặt, Mạo khoe: “Em mới chuyển về đây làm thuê cùng với bố, chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được trăm rưỡi tiền công, vất vả nhưng được cái gần nhà, chờ bao giờ có đợt tuyển viên chức thì em lại nộp hồ sơ thi tiếp”.
Hai năm qua, ngoài nộp hồ sơ thi tuyển vào nhà nước mấy lần không đỗ, Mạo cũng lặn lội đi ngược về xuôi, ra thành phố, sang cả Trung Quốc làm đủ công việc như tiếp thị, bán hàng, chuyển phát nhanh và giờ đây quay trở lại quê nhà cùng bố làm thuê theo công lấy tiền mỗi ngày. Mạo vẫn chưa thể thực hiện ước vọng được đứng trên bục giảng của mình.
Mạo tâm sự: Từ lúc ra trường em cũng qua khoảng ba bốn công việc và thu nhập bình thường, rất vất vả. Và em cảm thấy không phù hợp với mình. Mong muốn đầu tiên của em là tìm được công việc đúng với ngành học của mình, nếu không xin được thì thời gian tới phải ra thành phố tìm một công việc khác.
Ông Lê Văn Thanh, bố đẻ của Mạo chia sẻ, Mạo thi đỗ đại học, cả nhà vui lắm, ai cũng động viên em tiếp tục cố gắng học giỏi để thoát cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”, cho bố mẹ được mở mày mở mặt. Rồi đến lúc ra trường Mạo mang được tấm bằng giỏi về, cả họ ăn mừng. Thế nhưng cứ lận đận mãi không xin được việc.
Dưới Mạo còn một em trai cũng đang học công nghệ thông tin ở Đại học Thái Nguyên, để lo cho hai anh em ăn học, ngoài vay ngân hàng theo chính sách Nhà nước, gia đình còn phải chạy vạy vay mượn hết anh em bạn bè đến các tổ chức hội trong thôn, xã; trong nhà có gì quy được ra tiền cũng đem bán hết.
Với mức thu nhập ít ỏi ở nông thôn, hai vợ chồng ông Thanh đến giờ vẫn còn gánh số nợ gần 200 triệu đồng tiền đầu tư cho con đi học, riêng xoay sở trả lãi hàng tháng chưa kể trả gốc cũng đã mệt mỏi lắm rồi.
Ông Thanh ngậm ngùi chia sẻ: “Gia đình cũng tạo mọi điều kiện để cho con em học hành. Đến khi học xong mang được tấm bằng giỏi về, cả gia đình từ ông bà, các bác đều vui mừng, phấn khởi. Thế nhưng đến các kỳ thi tuyển công chức, xin việc đều không được nên giờ cảm thấy rất thất vọng, trong khi đó vốn vay của ngân hàng gia đình vẫn phải trả lãi hàng tháng nên rất khó khăn. Giờ chỉ mong sao em nó có được việc làm để hỗ trợ gia đình trả hết vốn vay của ngân hàng và mọi người”.
Bàn Tiến Sang, dân tộc Dao, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái giúp bố mẹ làm nông.
Câu chuyện dài của em Bàn Tiến Sang, dân tộc Dao, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng thực sự rất buồn. Tốt nghiệp cấp 3, cũng như bao cậu bé muốn thoát nghèo nhờ con chữ, Sang quyết tâm thi đỗ đại học. Nhưng kết quả chỉ đỗ trung cấp Phát thanh - Truyền hình.
Sau 3 năm, cầm tấm bằng đi gõ cửa khắp nơi đều không được, Sang quyết tâm học liên thông lên cao đẳng. Rồi bằng cao đẳng cũng vô ích, em buộc phải học lên đại học. Giờ thì đại học cũng đã xong nhưng xem ra cũng vẫn thất nghiệp. Đôi khi Sang nghĩ sẽ học lên thạc sỹ nếu lại không xin được việc. Thế nhưng, mẹ cha nào còn sức nuôi nổi. 6 năm ròng rã, cặp vợ chồng người nông dân vùng cao đã chạy vạy lo cho con hơn 400 triệu đồng rồi. Nếu biết, mỗi tháng họ chỉ thu nhập không quá 3 triệu đồng thì con số ấy thực sự là một tài sản khổng lồ mà nhiều lúc ngồi nghĩ lại họ cũng không tin mình lo được.
Bàn Tiến Sang buồn bã nói: “Giờ em thấy hoang mang quá chưa biết sẽ phải như thế nào. Chắc em sẽ cố tìm việc thôi chứ cứ thế này bố mẹ em không thể lo nổi. Biết trước là khó thế này em đã tìm việc ngay khi học xong cấp 3, việc chân tay cũng được”.
Những món nợ khổng lồ với bà con vùng cao như thắt chặt tương lai của họ. Theo ông Trần Duy Đông, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai, chính sách vay vốn tín dụng học sinh sinh viên được Chính phủ quy định mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên đi học với thời hạn cho vay dài, thời gian trả nợ dài theo phân kỳ 6 tháng/lần với lãi suất thấp.
Lấy ví dụ một sinh viên đi học đại học 5 năm, thời hạn cho vay tối đa là 11 năm, nếu hết thời hạn vay mà gia đình vẫn khó khăn lại được gia hạn thêm 2,5 năm tổng thời gian cho vay lên đến 13,5 năm. Mặc dù thời gian gia hạn khá dài như vậy, xong tính đến nay, trên địa bàn Lào Cai vẫn còn khoảng 400 gia đình sinh viên khó khăn phải xin thêm thời gian gia hạn nợ.
Ông Trần Duy Đông nói: “Đối với một số hộ gia đình gặp khó khăn khi có con em sinh viên ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, chưa có thu nhập, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ áp dụng biện pháp gia hạn nợ với mức tối đa không quá 1/2 thời gian trả nợ. Đây là một chính sách đã giúp cho các gia đình này rất nhiều trong việc tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trả lãi đối với Nhà nước. Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội cũng rất mong muốn các cấp các ngành làm tốt hơn công tác dự báo về nhu cầu lao động và có sự gắn kết giữa đơn vị sử dụng lao động với đơn vị đào đạo; ngoài ra cần làm tốt công tác tuyên truyền để cho các hộ gia đình và học sinh sinh viên ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp”.
Không có định hướng và quy hoạch khi đào tạo, hàng nghìn kỹ sư, cử nhân trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc sau khi tốt nghiệp đại học và cao đẳng hiện nay không tìm kiếm được việc làm. Điều này, đồng nghĩa với việc lãng phí chất xám và công sức đào tạo của nhà nước, cũng như tiền bạc của người dân. Hệ lụy là đang có rất nhiều gia đình, nhất là các hộ nghèo là đồng bào các dân tộc địa phương lâm vào cảnh mang nợ sau khi cho con em đi học./.
Theo PV/VOV.VN