Cập nhật: 21/07/2016 09:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam kiểm soát hướng dẫn viên hoạt động ở TP Hội An.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng gần 1,5 lần so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng phải đối mặt với nhiều phức tạp nảy sinh từ sức tăng quá “nóng” này, nhất là tình trạng loạn hướng dẫn viên (HDV) du lịch trái phép ở một số thị trường đông khách Trung Quốc như Đà Nẵng, Nha Trang…

Loạn hướng dẫn viên du lịch “chui”

Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng và các HDV du lịch tiếng Trung Quốc diễn ra gần đây, HDV của ta liên tiếp phản ánh hiện tượng HDV người Trung Quốc hoạt động “chui” trên các địa bàn du lịch Việt Nam. Với mức giá siêu rẻ, thậm chí không thu phí, các công ty Trung Quốc đã tự tổ chức những tua du lịch trọn gói theo hệ thống khép kín tại Việt Nam. Họ sử dụng những HDV nước mình dẫn khách theo hành trình trọn gói, từ đặt khách sạn, nhà hàng tới lựa chọn các điểm mua sắm, vui chơi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Họ hạ thấp giá tua nhưng lại đẩy giá các dịch vụ khác ở Việt Nam tăng cao nhiều lần để bù chi phí. Vô hình trung, điều này không chỉ khiến người dân địa phương nước ta không được hưởng lợi từ du lịch, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng dịch vụ và hình ảnh điểm đến Việt Nam, khiến những doanh nghiệp lữ hành chân chính trong nước “lao đao” ngay trên sân nhà.

Để qua mặt cơ quan chức năng, họ sẵn sàng thuê người Việt Nam có thẻ HDV làm “sitting guide” (HDV ngồi không) đi cùng đoàn. Nhiệm vụ của sitting guide là ngồi một chỗ, không cần làm gì, chỉ cần xuất trình thẻ để đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra, còn mọi việc từ thuyết minh tới mua bán đã có HDV người Trung Quốc đảm nhiệm. Điều đáng nói là dù biết phạm luật nhưng vẫn không ít HDV của ta sẵn sàng làm sitting guide. Phần lớn đều là những HDV trẻ mới ra trường, chấp nhận làm để có thu nhập. Có một số trường hợp sau khi đồng ý làm mới biết mình chỉ là “bình phong”, song vì tâm lý lo sợ cho nên cũng không dám phản kháng.

Gọi là “chui” nhưng những HDV Trung Quốc lại ngang nhiên hoạt động. Thủ đoạn thông thường là giả dạng làm du khách, có những người khi phát hiện bị trục xuất về nước, một thời gian sau lại quay trở lại hành nghề. Không ít công ty sử dụng người Trung Quốc hướng dẫn nhưng khi được kiểm tra thì báo cáo là phiên dịch. Tình trạng này không chỉ khiến những người Việt Nam làm HDV tiếng Trung Quốc bị mất công ăn việc làm ngay trên đất nước mình, mà nghiêm trọng hơn, họ bị mạo nhận là những HDV bản địa để thuyết minh về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Lâu nay, việc giới thiệu danh lam thắng cảnh, lịch sử, văn hóa Việt Nam cho du khách quốc tế vốn là trách nhiệm được giao cho đội ngũ HDV trong nước thì nay ở một số nơi việc này đã gần như thuộc về HDV người Trung Quốc. Thế nên mới có những thuyết minh xuyên tạc kiểu như biển Mỹ Khê thuộc về Trung Quốc như thời gian qua, gây bức xúc dư luận.

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện HDV du lịch người nước ngoài hoạt động chui. Vài năm trước, báo giới và công luận đã nhiều lần phản ánh tình trạng các công ty du lịch Hàn Quốc tổ chức tua khép kín, sử dụng HDV là người Hàn Quốc và cuối cùng, phần lớn lợi nhuận lại quay về Hàn Quốc khiến chúng ta bị thất thu. Bên cạnh đó là tình trạng tiếp tay của một số công ty du lịch và một số HDV người Việt Nam cho hoạt động trái phép này. Thực tế này cho thấy, công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập.

Trung bình mỗi ngày, Nha Trang (Khánh Hòa) đón khoảng một nghìn khách Trung Quốc, nhưng số lượng HDV biết tiếng Trung Quốc chỉ có khoảng mươi người. Có ý kiến cho rằng, sự thiếu hụt HDV khiến hoạt động hướng dẫn du lịch “chui” trở nên thuận lợi. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng đón lượng khách tương đương, có số lượng HDV tiếng Trung Quốc được cấp thẻ lên tới 360 người, đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu của các tua, nhưng vẫn tồn tại những HDV “chui”. Điều này chứng tỏ, vấn đề không chỉ ở sự thiếu hụt đội ngũ HDV, mà là sự xuất hiện một xu hướng làm du lịch bất hợp pháp ở nước ta. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ gây những hậu quả đáng tiếc cả về kinh tế và chính trị.

Trục xuất, cấm nhập cảnh

HDV hoạt động trái phép Để xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trước tiên, phải xử lý nghiêm bằng cách tước giấy phép hoạt động của những công ty du lịch Việt Nam đang tiếp tay cho công ty và HDV du lịch người Trung Quốc hoạt động trái phép. Đối với những HDV đi theo tua nhưng để người Trung Quốc hướng dẫn thì phải bị xử phạt, rút thẻ hành nghề. Các địa phương có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, do đó cần tăng cường thanh, kiểm tra, tái thành lập thanh tra du lịch để ngành du lịch có công cụ xử lý từng trường hợp cụ thể.

Đây phải là lực lượng chuyên ngành, có tư cách để xử lý tại chỗ những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, khi lượng khách đến từ một thị trường có nguồn tăng trưởng ồ ạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị lũng đoạn. Do đó, không nên đón khách từ những thị trường này bằng mọi giá. Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, một chức danh còn mới ở Việt Nam nhưng đã phổ biến ở một số nước láng giềng như Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po… Họ không chỉ hỗ trợ du khách về luật pháp, văn hóa địa phương mà còn bảo đảm an ninh và có thẩm quyền xử lý ngay những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Chia sẻ với nhà báo, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế cho biết, tình trạng HDV người Trung Quốc hoạt động "chui" từng xảy ra trước đây ở tỉnh Lạng Sơn vào năm 2004, khi cửa khẩu Hữu Nghị mở đón khách Trung Quốc sử dụng giấy thông hành đến Việt Nam bằng đường bộ. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, mô hình đón khách Trung Quốc theo Quy chế 849 (về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy phép nhập, xuất cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan, du lịch) đã ra đời và được thực hiện thí điểm từ năm 2009. Theo đó, các công ty du lịch Trung Quốc phải chấp nhận mức giá sàn cho các tua du lịch. Các công ty đón khách ở Việt Nam cũng phải cam kết những dịch vụ đi kèm, nếu không sẽ bị xử phạt. Các điểm mua sắm có trong lịch trình phải cam kết về mức giá, nếu bán phá giá sẽ bị phạt… Do đó, đã từng bước hạn chế được tình trạng người Trung Quốc thao túng du lịch ở Lạng Sơn. Đây là giải pháp có thể tham khảo để giải quyết hoạt động du lịch trái phép của người nước ngoài tại nước ta.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng, phải xử lý thật nghiêm những công ty Việt Nam tiếp tay, dung túng cho hoạt động du lịch bất hợp pháp của người nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương các tỉnh có tình trạng này để phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm. Những người nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam phải bị trục xuất về nước và không cho quay trở lại Việt Nam làm việc. Các bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ và quyết liệt mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Trước những sự việc đáng tiếc do du khách Trung Quốc gây ra tại Việt Nam, ngày 6-7, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng đã có công văn gửi Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc Lý Kim Tảo, đề nghị Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và thường xuyên phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam quản lý tốt khách du lịch hai nước nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, thúc đẩy hợp tác du lịch nói chung và trao đổi khách du lịch nói riêng giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc.

 

ST

Tệp đính kèm