Dị ứng sữa bò ở trẻ em có thể gây ra nhiều lúng túng cho các bậc cha mẹ khi chăm sóc con. Bài viết dưới đây sẽ đem lại các thông tin hữu ích cho bạn về vấn đề này.
Dị ứng sữa bò là gì?
Dị ứng sữa bò xảy ra khi hệ thống miễn dịch của con bạn phản ứng lại với những protein trong sữa và các sản phẩm từ sữ bò. Những loại protein này cũng có thể có trong sữa công thức hoặc sữa mẹ nếu mẹ ăn các thức ăn có sữa bò.
Dấu hiệu
Dị ứng sữa bò là loại dị ứng thức ăn thường gặp nhất ở trẻ em và ảnh hưởng tới 7% trẻ nhỏ ở Mỹ. Bé có nguy cơ cao bị dị ứng sữa bò nếu tiền sử gia đình có người dị ứng sữa bò. Nhiều trẻ bị dị ứng với protein trong sữa bò cũng sẽ phản ứng với các loại protein trong sữa cừu và sữa dê. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
Mẩn đỏ hoặc phát ban xung quanh miệng
Ngứa hoặc sưng phù khắp người
Phù mặt
Khò khè
Nôn
Tiêu chảy
Phản ứng chậm
Nhiều trẻ cũng có thể có những phản ứng với sữa bò một cách từ từ, bao gồm:
Nôn ra sữa
Quấy khóc
Táo bón
Tiêu chảy
Biếng ăn
Eczema
Sốc phản vệ
Hiếm khi sữa bò có thể gây ra phản ứng nặng, gọi là sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng. Những triệu chứng của sốc phản vệ có thể xảy ra ngay lập tức sau khi trẻ sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Bạn cần gọi cấp cứ ngay lập tức nếu trẻ có các biểu hiện:
Phát ban, phù da
Khò khè hoặc khó thở
Phù môi, miệng, lưỡi hoặc họng
Cơ thể hoặc chân tay mềm nhũn
Bất tỉnh
Sốc phản vệ có thể diễn biến rất nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy, đừng quên gọi cấp cứu ngay lập tức.
Chẩn đoán
Con của bạn sẽ được bác sĩ chẩn đoán dị ứng sữa thông qua các triệu chứng lâm sàng và làm xét nghiệm máu, thử phản ứng dị ứng trên da.
Một chế độ ăn hạn chế sữa bò có thể được khuyến cáo và sau đó đánh giá lại. Đôi khi, phản ứng dị ứng chậm có thể khó chẩn đoán, vì vậy, con bạn cần có một chế độ ăn đặc biệt theo sự khuyến cáo và giám sát của chuyên gia dinh dưỡng.
Những thực phẩm cần tránh
Khi con bạn bị dị ứng với protein trong sữa bò, chúng cũng sẽ có khả năng bị dị ứng với sữa dê và sữa cừu. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn thay đổi chế độ ăn. Những thực phẩm cần tránh bao gồm: sữa, sữa chua, kem, bơ và phomat.
Sữa cũng có thể “ẩn” trong rất nhiều sản phẩm khác, vì vậy, bạn nên kiểm tra nhãn các sản phẩm này xem có thành phần của sữa hay không:
Đường sữa, lactose, sữa đặc, protein sữa, sữa pha chế
Casein và các muối của casein, đạm thủy phân
Lactabumin
Sữa bột tách kem, sữa đặc không béo, chất béo làm từ bơ
Theo quy định về nhãn thực phẩm, những thực phẩm chứa sữa phải được in đậm danh sách các thành phần.
Không dung nạp lactose
Một vài triệu chứng có thể xuất hiện giống như dị ứng sữa bò nhưng thực sự nó là các dấu hiệu của chứng không dung nạp lactose, khi đường sữa tự nhiên không được phá vỡ. Không dung nạp lactose ít phổ biến ở trẻ nhỏ. Nó có thể tiêu chảy, co thắt dạ dày và đầy bụng.
Chứng quấy khóc ở trẻ nhỏ hay dị ứng sữa bò?
Những triệu chứng của chứng quấy khóc ở trẻ nhỏ và dị ứng sữa khá giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò cũng có thể gây ra chứng quấy khóc. Khi con bạn bị dị ứng sữa bò, bên cạnh các triệu chứng đau bụng dữ dội như khóc, nắm bàn tay lại, ưỡn cong lưng, thường kèm theo:
Eczema
Tiêu chảy
Nôn
Nếu bạn nghi ngờ hay phân vân, bạn nên cho con đến gặp bác sĩ để xác định chính xác.
Nuôi con bằng sữa mẹ và dị ứng sữa bò
Cho con bú và có một chế độ ăn lành mạnh, đa dạng là tốt nhất cho bạn và bé. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu nhận thấy phản ứng của bé sau khi bạn đã ăn các loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như sữa. Protein của sữa bò đi vào sữa của bạn, và nó gây ra triệu chứng ở những trẻ bị dị ứng sữa, bao gồm:
Quấy khóc
Khó chịu sau khi bú
Khó ngủ
Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón
Các triệu chứng giống như cảm lạnh, thở khò khè
Ngứa, đỏ mắt
Khô da
Thay đổi chế độ ăn của mẹ
Nếu bạn nhận thấy trẻ đang bú mẹ và có phản ứng với những sản phẩm từ sữa mà bạn ăn, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Họ có thể khuyên bạn tránh sử dụng các thức ăn này trong ít nhất 2-3 tuần và theo dõi sự cải thiện các triệu chứng ở trẻ. Nếu chúng là nguyên nhân thì các triệu chứng của trẻ sẽ tốt lên trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên, bạn cũng không cần kiêng hoàn toàn các sản phẩm từ sữa. Tùy thuộc vào mức độ phản ứng của bé mà bác sĩ sẽ giúp bạn có điều chỉnh phù hợp trong chế độ ăn.
Thay đổi sữa công thức
Bác sĩ có thể khuyên bạn thay thế loại sữa công thức nếu em bé của bạn có dấu hiệu dị ứng sữa bò. Các loại sữa có thể được sử dụng bao gồm sữa thủy phân, khi đó các protein sữa đã được phân cắt thành các phần nhỏ hơn, dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng hơn. Ngoài ra, các loại sữa công thức amino acid, không chứa bất kì một chuỗi protein nào, có thể được sử dụng nếu trẻ khó sử dụng sữa thủy phân hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng.
Mối nguy hiểm khi chơi đùa
Hãy tăng cường cảnh giác nếu con của bạn bị dị ứng sữa bò khi chúng chơi với những trẻ khác. Chúng có thể tiếp xúc với các sản phẩm từ sữa của trẻ khác. Hãy thông báo cho những người chăm sóc trẻ biết được tình trạng dị ứng sữa của trẻ khi bạn không có thời gian bên con.
Đi khám bác sĩ
bác sĩ có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhất, bạn nên lưu ý ghi lại các thông tin:
Phản ứng của con bạn xảy ra khi nào và ở đâu?
Danh sách những loại thức ăn gây ra phản ứng cho trẻ
Các triệu chứng của con bạn là gì: phát ban, khò khè…
Những triệu chứng này kéo dài bao lâu?
Những gì làm giảm triệu chứng của con?
Kiểm soát tình trạng dị ứng sữa bò
Biện pháp tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng dị ứng sữa bò ở trẻ là đảm bảo cho con bạn hoàn toàn không sử dụng các protein từ sữa bò. Nếu bạn cho con bú, hãy thảo luận với bác sĩ để cắt giảm hoặc hạn chế những sản phẩm sữa trong chế độ ăn của mình. Nếu bạn nuôi con bằng sữa công thức, bạn sẽ được tư vấn thay đổi sang những loại sữa phù hợp cho con.
Nhiều trường hợp phức tạp như dị ứng với nhiều loại khác nhau, khó chẩn đoán, phản ứng nghiêm trọng hoặc chậm phát triển cần được chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Tiên lượng
Rất may là hầu hết những đứa trẻ bị dị ứng sữa bò sẽ hết sau 15 tuổi, nhưng một số trường hợp vẫn bị phản ứng khi trưởng thành. Đừng cố gắng thực hiện một mình hoặc cắt giảm những thực phẩm thiết yếu ra khỏi chế độ ăn của trẻ. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng của bạn để có được một chế độ ăn hợp lí nhất.
Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Theo suckhoedoisong.vn