Cập nhật: 22/07/2016 08:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Giáo sư Kurihara Hirohide - chuyên gia về quan hệ Việt - Trung tại Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Á - Phi, thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo - cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. 

Giáo sư Kurihara Hirohide. (Ảnh: Cẩm Tuyến/Vietnam+)

Theo ông, phán quyết đã bám sát luật pháp quốc tế và được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử và hiện trạng Biển Đông.

Theo Giáo sư Hirohide, việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông là hành động không thể chấp nhận được. Trung Quốc thường phân biệt “các nước có liên quan” và “các nước không liên quan” để ngăn cản các quốc gia mà Bắc Kinh gọi là “ngoài khu vực” như Mỹ, Nhật Bản,… can thiệp vào vấn đề Biển Đông.

Biển Đông là lộ trình hàng hải quốc tế quan trọng nên việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) ở thủ đô Ulan Bator vừa qua ở Mông Cổ là đúng đắn và cần thiết.

Về việc Tòa Trọng tài kết luận rằng không có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, giáo sư Hirohide nhấn mạnh theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ không có tác dụng.

Mọi hòn đảo Trung Quốc xây dựng sẽ không được công nhận và không làm thay đổi được nguyên trạng của Biển Đông.

Trung Quốc nói rằng Biển Đông là biển của Trung Quốc từ 2.000 năm trước, là chủ quyền có căn cứ lịch sử lâu đời, nhưng trên thực tế chính hành động bồi đắp xây dựng các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông đã phá vỡ lập luận của Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền lịch sử, đồng thời chứng tỏ rằng hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông chỉ mới có từ vài chục năm nay và Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt các yêu sách của mình tại vùng biển này.

Theo phán quyết của Tòa Trọng tài, các hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông đã phá hoại môi trường thiên nhiên ở vùng biển này.

Giáo sư Hirohide cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thể hiện thái độ không tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó sẽ khiến Bắc Kinh bị mất uy tín trên trường quốc tế./.

Theo (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-nhat-ban-phan-quyet-cua-pca-co-y-nghia-quan-trong/397106.vnp

Tệp đính kèm