"Giờ đây, khi phán quyết đã sáng tỏ, Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục giữ thái độ như chưa từng có sự xét xử", Thượng nghị sỹ Hélèn Luc cho biết.
Bà Hélèn Luc, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt.
Nhân sự kiện Tòa Trọng tài thường trực La Haye (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về "Đường lưỡi bò" ở Biển Đông, Phóng viên VOV tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn bà Hélèn Luc, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt.
PV: Xin chào bà Hélèn Luc, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt. Cám ơn bà đã dành cho phóng viên VOV-Paris cuộc trả lời phỏng vấn này.
Thưa bà, ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài thường trực La Haye (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về "Đường lưỡi bò" ở Biển Đông, bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc với đa số diện tích Biển Đông và xác định Trung Quốc đã "vi phạm quyền chủ quyền" của Philippines. Là một chính trị gia, bà nghĩ thế nào về vụ việc này?
Bà Hélèn Luc: Tôi rất quan tâm đến phán quyết của PCA, cơ quan này vào năm 2013 đã từng được tham vấn sau vụ ngư dân Philippines bị cản trở đánh cá trong vùng biển thuộc thẩm quyền của nước này. Và phán quyết đó kết luận rằng yêu sách "Đường 9 đoạn" mà Trung Quốc toan tính áp dụng không có cơ sở pháp lý nào. Điều đó khẳng định Công ước Montego By năm 1982 (công ước về các vùng đặc quyền biển) phải được Trung Quốc tôn trọng.
Người ta cũng có thể nói rằng, phán quyết là sự khẳng định của cơ quan trọng tài với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đòi hỏi mỗi bên phải tôn trọng công ước đã được ký kết tại Liên Hợp Quốc.
Theo tôi, đó là cơ sở cần được tôn trọng, và việc mà Trung Quốc đang tiến hành trên các đảo, để biến đổi chúng thành những đường băng là một trò chơi nguy hiểm. Bởi điều này dẫn tới những khó khăn lớn hơn, những vấn đề nghiêm trọng hơn trên bình diện quốc tế, dẫn tới sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ.
Tôi thấy phản ứng của Philippines lúc này là làm sao để phán quyết đối với họ là một thắng lợi rõ ràng, một thắng lợi trên hầu hết các điểm mà chính phủ Philippines khám phá được.
Cá nhân tôi đánh giá cao việc Chính phủ Philippines nói cần đón nhận phán quyết này với thái độ khiêm nhường, cần thể hiện sự kiềm chế, và thậm chí đưa ra thuật ngữ "thận trọng". Bởi lẽ, tôi cho rằng Chính phủ Philippines có mối quan tâm làm sao không đầu độc những mối quan hệ.
Những gì đã diễn ra với Tổng thống cũ, người đã xích lại gần rất nhiều với Mỹ, dường như khác Tổng thống mới - ông Rodrigo Duterne, người cho rằng cần phải nỗ lực để có sự hiểu biết hơn, có sự kiềm chế hơn..., những điều này rất quan trọng.
Giám đốc một trường đại học có nói: Nếu phán quyết không thuận lợi cho chúng ta, khi ấy chúng ta cần phải đàm phán. Tôi thấy đó là một thái độ rất đẹp, rất có trách nhiệm của ban lãnh đạo Philippines. Tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đi tới chỗ phải suy nghĩ.
PV: Bà có thể nêu dự đoán về những phản ứng và hành động của Trung Quốc; dư luận châu Âu và quốc tế trước phán quyết này.
Bà Hélèn Luc: Về dư luận và những phản ứng của Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã tự cho mình các quyền mà họ không có. Và tôi cho rằng Trung Quốc không thể nói họ sẽ tiếp tục phớt lờ phán quyết (họ đã tuyên bố như vậy trước khi phán quyết được đưa ra). Giờ đây, khi phán quyết đã sáng tỏ, Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục giữ thái độ như chưa từng có sự xét xử.
Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ cần phản ứng như vậy, chứ không phải theo cách mà họ đã cho mọi người thấy. Việc họ sẵn sàng tự bảo vệ bằng lực lượng không quân các hòn đảo mà cho là thuộc về mình, là một trò chơi nguy hiểm. Trung Quốc không thể viện vào lý do này.
Rõ ràng, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ trên lĩnh vực kinh tế, nhưng họ không thể đưa vấn đề trên vào cuộc cạnh tranh này. Trung Quốc đang lao vào các cuộc cải cách quan trọng trong nước, có thể nói giải quyết những vấn đề nội bộ vẫn là những ưu tiên của nước này. Và đó là những thứ họ đặt niềm tin, chứ không phải là việc gây nên những vấn đề với những nước láng giềng.
Trung Quốc đang tìm kiếm một vị thế tương ứng với sự phát triển mạnh mẽ của họ, họ muốn tiếp tục cuộc cạnh tranh địa - chính trị với Mỹ. Tuy nhiên, họ phải thực hiện điều đó với tinh thần xây dựng cao nhất, chứ không phải bằng việc tạo nên những vấn đề, ví dụ những vấn đề các hòn đảo.
Dư luận châu Âu thì tôi chưa rõ, nhưng dư luận Pháp cũng như những điều tôi đã đề cập lúc trước. Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault đã có dịp nói rằng cần phải giải quyết vấn đề bằng quan điểm hòa bình. Trung Quốc và Việt Nam cần giải quyết vấn đề theo quan điểm hòa bình. Tôi nghĩ rằng điều đó cần được duy trì trong cách thức nhìn nhận các vấn đề, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Pháp sẽ khẳng định quan điểm này và vui mừng trước phán quyết của PCA.
Sắp tới, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ đi thăm Việt Nam, và tôi cho rằng đó sẽ là cơ hội để khẳng định quan điểm này, rằng mọi điều phải được thực hiện để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Pháp đã ký với Việt Nam Hiệp định đối tác chiến lược năm 2013, trong đó có thỏa thuận về quốc phòng với Việt Nam. Vậy là chúng ta đã có định hướng rõ ràng. Nhưng tôi nghĩ rằng, với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande, mọi việc sẽ được xác định cụ thể hơn và được khẳng định. Dẫu sao, đây là vấn đề khó khi đưa ra dự đoán ấn định, có thể rất nghiêm trọng khi xảy ra va chạm. Giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta thấy rõ những điều có thể xảy ra, và Việt Nam tập trung vào việc cải thiện đời sống dân chúng sau 50 năm chiến tranh, hoàn toàn không muốn xảy ra những đụng độ, chiến tranh.
Tôi muốn nói rằng, Hội Hữu nghị Pháp -Việt và Chủ tịch Hội, ông Gérard Davio, với tờ báo của chúng tôi "Perspective" (Viễn cảnh), đã ra một thông báo đánh giá cao quan điểm của Việt Nam kêu gọi tôn trọng luật quốc tế, nhưng rất kiên quyết trước việc Trung Quốc toan tính vi phạm chủ quyền của mình. Do vậy, chỉ có một giải pháp duy nhất là giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
Vào tháng 9 tới, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ họp. Tôi hy vọng đó sẽ là dịp để Liên Hợp Quốc nắm sâu hơn vấn đề luật biển, và điều cần thiết cơ quan này buộc mọi người phải tôn trọng Công ước về luật biển đã được ký vào năm 1982.
PV: Bà có thể nêu những dự đoán về diễn biến của tình hình khu vực sau phán quyết này cùng những hệ quả và tác động của nó?
Bà Hélèn Luc: Hiển nhiên là tôi rất quan tâm. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nói: phán quyết trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ và biển của nước ông. Nhưng ở đây, không thể duy trì quan điểm đó, bởi điều đó có nghĩa là ông ta muốn áp đặt bằng sức mạnh và điều đó là không ổn.
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc là một nước lớn, về mặt kinh tế. Họ nói có quan hệ rất tốt với Việt Nam, với tất cả các nước ASEAN. Như vậy, với Philippines họ không thể giữ thái độ như vậy. Do vậy, Trung Quốc cần phải xem lại cách thức ứng xử. Bởi họ không thể duy trì thái độ cũ sau phán quyết của PCA. Quan điểm của Chính phủ Philippines cho phép tiếp tục cuộc tranh luận, nhưng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề theo cách khác. Tôi cho rằng Trung Quốc phải ngồi vào đàm phán.
PV: Xin cám ơn Bà về cuộc trao đổi này./.
Theo Thái Dương /VOV.VN - Paris