Một góc Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Hà Nội không chỉ là một trung tâm văn hóa-chính trị-kinh tế lớn của cả nước mà còn là một Thủ đô đẹp, thơ mộng với hệ thống sông, hồ bao quanh.
Hồ Tây - hồ lớn nhất, nằm ngay trung tâm thành phố như một minh chứng sống động về một Hà Nội ngàn năm văn hiến với những giá trị di sản vô giá.
Đây cũng được xem là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu vực Hồ Tây thời gian qua vẫn còn những tồn tại cần được xem xét để khu vực này xứng tầm với giá trị vốn có của nó.
Hồ Tây - một vùng di sản
Khu vực Hồ Tây là một danh lam thắng cảnh đặc thù mang đậm dấu ấn của ngàn năm xây dựng và phát triển Thủ đô mà hiếm thấy đô thị nào trên thế giới có được.
Vốn là một đoạn sông Hồng cổ còn sót lại sau khi đã đổi dòng. Hồ rộng khoảng 500ha, xung quanh là hệ thống di tích dày đặc với 40 điểm, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên… cùng các làng nghề cổ đã được lưu truyền trong sử sách như đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cá cảnh Yên Phụ, trồng sen và ướp sen Quảng Bá, giấy dó Bưởi...
Quanh Hồ Tây còn có rất nhiều làng cổ với bề dày văn hóa đặc sắc (làng cổ Nghi Tàm, cụm làng Kẻ Bưởi), những con đường đẹp (đường Thanh Niên, đường Vệ Hồ, phố Nhật Chiêu, phố Yên Hoa, Trích Sài, Quảng Bá…) cùng với những nét văn hóa đặc trưng (trường Chu Văn An, hồ Trúc Bạch, ẩm thực Hồ Tây…) tạo nên một “không gian văn hóa Hồ Tây” - một điểm nhấn đặc sắc trong lòng Thủ đô.
Thực trạng khai thác
Theo báo cáo của các cơ quan quản lý, trong tổng số 63 di tích trên địa bàn quận Tây Hồ, hiện có 24 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia.
Nhiều năm qua, quận và thành phố đã phân loại, đánh giá các hiện vật trong di tích nhằm tăng hiệu quả quản lý, phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn.
Một số tour du lịch tâm linh được đưa vào khai thác nhưng mới chỉ đến được một số danh thắng lớn như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ…; trong đó, hệ thống xe điện đã được triển khai từ năm 2010, xuất phát từ 4 bến chính gồm chùa Trấn Quốc, vườn hoa làng Hồ, công viên nước Hồ Tây, vườn hoa Quảng An, vườn hoa Lạc Long Quân, với 10 điểm bán vé đón, trả khách trong chặng hành trình 31 điểm dừng-đỗ.
Với 18km di chuyển, du khách được tham quan, tìm hiểu 21 di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học nhiều năm tâm huyết với Hà Nội, với Hồ Tây, như phó giáo sư Hà Đình Đức, giáo sư-tiến sỹ Vũ Hoan, giáo sư Mai Đình Yên, tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm…, thì việc khai thác các di sản Hồ Tây vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần được tháo gỡ, khắc phục để bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây.
Các ý kiến cho rằng, một số di tích tại khu vực Hồ Tây đã xuống cấp, hiện đang bị "hiện đại hóa" trong quá trình tu sửa.
Nếu không có một tầm nhìn xa trong bảo vệ, giữ gìn những giá trị di sản này thì khó tránh khỏi việc bị biến dạng ít nhiều. Trong khi đó, trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các di sản không rõ ràng, thiếu sự phối hợp giữa nhà chức trách với người sử dụng, khai thác.
Bên cạnh đó, việc khai thác các làng nghề truyền thống vào hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; việc phát triển các làng nghề cổ với những nghề truyền thống và những giá trị văn hóa cần đẩy mạnh hơn nữa.
Bởi theo các nhà nghiên cứu khoa học, việc đầu tư nâng cấp các di tích với tư cách là một sản phẩm du lịch chưa được triển khai đồng bộ.
Các di sản, đặc biệt là những di sản như làng nghề, làng cổ hay lễ hội, ẩm thực… mới chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, chưa thể hiện được dấu ấn của một vùng văn hóa Hồ Tây hấp dẫn trong lòng du khách.
Tiến sỹ Vũ Thuý Anh, Trưởng phòng nghiên cứu văn hóa-xã hội (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội) cho biết thực tế đang tồn tại mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội nói chung, Hồ Tây nói riêng và yêu cầu bảo tồn các giá trị di sản.
Nhận thức về giá trị của di sản văn hóa chưa thật sâu sắc nên trong nhiều trường hợp người ta lại hy sinh văn hóa cho nhu cầu kinh tế.
“Vậy vấn đề ở đây cần khai thác các giá trị di sản Hồ Tây một cách chọn lọc, tinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tạo hình ảnh đặc trưng cho vùng hồ này và điều đó chỉ có thể thực hiện khi phát triển du lịch,” tiến sỹ Vũ Thúy Anh nhấn mạnh.
Đánh thức tiềm năng
Đề cập đến các giải pháp để khai thác hiệu quả di sản văn hóa Hồ Tây phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, nhiều ý kiến đề xuất cần phải thực hiện đánh giá nghiên cứu khoa học toàn diện về Hồ Tây (bao gồm cả giá trị các di sản vật thể và phi vật thể, những nét đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, những giá trị mới…) trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Trên cơ sở đó, tập trung quảng bá, giới thiệu rộng rãi các di sản văn hóa dưới góc độ tài nguyên du lịch văn hóa, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn các giá trị di sản, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa.
Theo tiến sỹ Nguyễn Doãn Tuân, để đánh thức tiềm năng du lịch của khu di tích thắng cảnh Hồ Tây, cần có sự quản lý và phối hợp đồng bộ giữa các di tích là điểm đến hiện nay của du lịch trên tàu; cần có quỹ đất nhất định để bảo tồn các loại hoa truyền thồng, các làng nghề; cần có nơi giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng…
Tuy nhiên, những vấn đề này đòi hỏi phải có một tổ chức thống nhất đồng bộ và đội ngũ chuyên viên đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch khu vực Hồ Tây, các chuyên gia quy hoạch cho rằng Hà Nội cần thực hiện tốt quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6).
Đây là điều kiện thuận lợi để Hồ Tây phát triển theo hướng khai thác giá trị di sản, bản sắc văn hóa nhằm tạo hình ảnh riêng trong quá trình phát triển chung của thành phố.
Trước mắt, tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cây xanh xung quanh hồ; đầu tư hệ thống xử lý nước Hồ Tây và kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải đổ vào hồ.
Cũng theo một số ý kiến, cần phát triển các không gian hiện đại ở những vị trí thích hợp khu vực xung quanh Hồ Tây, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Chẳng hạn như nghiên cứu, tạo lập một khu vực quảng trường ở cuối đường Văn Cao, tiếp giáp với Hồ Tây; cải tạo, xây dựng các công viên, vườn hoa bao quanh hồ; phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, mở thêm tuyến du lịch bằng thuyền; tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí trên hồ…
Với tổng thể những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa và cơ sở vật chất du lịch hiện đại, để khai thác hiệu quả hơn giá trị độc đáo và tiềm năng to lớn khu vực Hồ Tây nhằm phát triển kinh tế du lịch, thành phố Hà Nội cần sớm giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu tập hợp tư liệu, lập hồ sơ trình Nhà nước công nhận Hồ Tây trở thành một Danh thắng quốc gia./.
Theo Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)
http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Danh-thang-Ho-Tay--tiem-nang-kinh-te-du-lich-con-ngu-quen/201410/12436.vnplus