Hương Canh từ lâu đã đi vào tâm thức của người Việt Nam trên một miền quê đất Việt, bởi câu thơ man mắc trữ tình của nhà thơ Tố Hữu:
“… Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng…”
Cùng với gốm – sành, Hương Canh còn được biết tới bởi trận quyết chiến của quân dân ta thời Trần (thế kỷ XIII) trên cánh đồng Bình Lệ, và đặc biệt, là một trong rất ít nơi trong tỉnh còn lưu giữ khá nguyên vẹn một tổ hợp, quần thể di tích, kiến trúc văn hóa được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII. Đó là tổ hợp Đình Hương – Ngọc – Tiên, 3 ngôi đình lớn đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Bên cạnh cụm đình này, còn một ngôi chùa cổ: chùa Kính Phúc (tên chữ là Kính Phúc Tự). Chùa nhìn theo hướng Tây – Nam, trong khuôn viên có diện tích 1.352m2, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ công (I) và có cùng khoảng thời gian xây dựng với 3 ngôi đình nêu trên. Cổng chùa có tường bao với hàng trụ biểu cao vút với các ô trang trí hình vuông, trên đỉnh trụ đắp nổi hình 4 chim Phượng xòe đuôi, uốn vút cong, nổi bật trên một khoảng không gian mênh mông, tạo nên ấn tượng khó quên về một mô típ nghệ thuật dân gian truyền thống. Bốn cột trụ và hai bức cánh phong đắp nổi hình long chầu hổ phục tạo ra cổng chính và hai cổng phụ. Ngay sau cổng là Sở môn tự với lối kiến trúc 2 tầng 8 mái, như gợi lên một vũ trụ quan dịch học. Các lớp mái với đầu đao vươn cao thanh thoát, nhẹ nhàng, bay bổng tượng trưng cho dương, đặt trên thế kiến trúc vững chắc tượng trưng cho âm. Âm dương điều hoà (lưỡng nghi) sinh tứ tượng, tượng trưng cho 4 phía mái, rồi tứ tượng vận hành mà sinh bát quái (Kiền: trời; khảm: nước; cấn: núi; chấn: sấm; tốn: gió; ly: lửa; khôn: đất; đoài: đầm, hồ) là biểu trưng của 8 lá mái để rồi vận động, biến đổi mà thành muôn loài…
Rõ ràng, vẻ đẹp của kiến trúc vừa tạo giá trị mỹ thuật của công trình, vừa chuyển tải giá trị cao cả - là ý nghĩa tâm linh sâu nặng, là tư duy biện chứng của nền triết học phương Đông, tâm tư nguyện vọng của cư dân nông nghiệp, cầu mong sự thuận hòa giữa Đất – Trời, thuận hòa giữa con người làm yếu tố căn bản của triết lý sinh tồn.
Sở môn tự gồm 3 gian, 2 dĩ, với lối kết cấu kiểu “Chồng bồn con sơn” và “Thượng rường hạ kẻ”. Nơi đây còn lưu lại nhiều bức chạm khắc gỗ đẹp với đề tài chủ yếu là “Tứ Linh” (Long, Ly, Qui, Phượng) là biểu tượng của thần quyền, Thượng cung của Sở môn tự là nơi đặt bài vị thờ Hùng Vương. Phía ngoài Thượng cung là cửa võng, được bố cục gồm 3 lớp, với trình độ chạm trổ rất tinh luyện, đề tài chủ đạo là sự hòa quyện của thiên nhiên. Những hình rồng cách điệu ẩn hiện trong mây, lá, hoa, cành, những hình rùa trong lao xao sóng nước với những búp sen e ấp gợi tả sự bình yên, tao nhã, thuận hòa.
Qua Sở môn tự đến khoảng sân gạch với cây hương đá cao 2,3m có khắc ghi rõ danh tính của những người giàu lòng tích thiện, góp của, hưng công, xây dựng nên Kính Phúc Tự trang nghiêm, bề thế và có niên đại khởi dựng ghi rõ là vào năm Vĩnh Thịnh thứ hai (tức năm 1706).
Qua sân đến toà Tiền đường gồm 5 gian, 2 dĩ, được nối với toà Thượng Điện song song bằng 3 gian kiểu “ống muống” để tạo nên mặt bằng kết cấu ngôi chùa theo kiểu chữ công, có hệ thống chịu lực gồm 52 cây cột gỗ, 14 bộ vì kèo, có dạng thức “Chồng Rường” và “Kèo chống nóc”. Trên Thượng lương còn ghi rõ năm trùng tu: “Lê Triều Cảnh Hưng ức vạn niên chi nhị thập nhị tuế tại tân tỵ nguyệt trọng xuân thập tam nhật mão thời trùng tu vũ thụ trụ thượng lương đại cát vượng” – “Nghĩa là: năm thứ 22 - triều Lê Cảnh Hưng (1761), giờ Mão ngày 13 tháng 2 giữa xuân thì trùng tu sửa nền, giáp cột thượng lương).
Nghệ thuật ddieu khắc ở phần kiến trúc chùa không nhiều, chủ yếu là tập trung ở hệ thống tượng với 32 pho tượng cổ sơn son thiếp vàng đẹp, phản ánh khả năng tư duy, trình độ nghệ thuật tạo hình của nghệ nhân xưa.
Điểm kết cho toàn bộ mặt bằng kiến trúc không gian của chùa Kính Phúc là một gác chuông nổi bật lên trong toàn cảnh không gian chùa. Gác chuông này được phục dựng theo mặt bằng nguyên gốc, và từ đây, tiếng chuông chùa vẫn vang lên trong những dịp sóc, vọng, kết hạ, khai nguyên… hằng thức tỉnh cõi tâm, tích thiện với mỗi con người, trong mỗi cuộc đời, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, thuận hòa, hạnh phúc.
Chùa Kính Phúc đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định công nhận là di tích Lch sử - Văn hóa năm 2000
ST