Dự kiến điểm sàn, điểm chuẩn, phổ điểm thi THPT Quốc gia sẽ có sự thay đổi nên thí sinh cần cân nhắc chọn trường trước khi đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
Phổ điểm năm nay dự kiến thấp hơn năm 2015
Nhìn vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, phổ điểm thi chủ yếu tập trung ở thí sinh đạt từ 13 đến 18 điểm. Điểm thi của thí sinh đa phần thấp hơn năm 2015. Vì thế, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có thể sẽ thấp hơn năm ngoái.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy Lợi Hà Nội cho biết, ở cụm thi số 3 do ĐH Thủy Lợi chủ trì, phổ điểm thí sinh thi khối A, A1, A2, D chiếm đa số, với số lượng từ hơn 4.500 đến trên 6.700 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Nhìn chung phổ điểm của cụm thi số 3 nói riêng và điểm thi THPT Quốc gia năm 2016 thấp hơn so với năm 2016.
Ngay sau khi công bố kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm 2016, PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội - đơn vị tổ chức thi THPT Quốc gia tại cụm số 17 ở tỉnh Lạng Sơn cho biết, kết quả điểm thi năm nay thấp hơn năm 2015. Vì vậy, dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ thấp hơn năm 2015 từ 1 đến 2 điểm (tùy theo từng ngành đào tạo).
Cũng chung đánh giá điểm thi THPT Quốc gia năm 2016 thấp hơn năm ngoái, Tiến sĩ Lê Việt Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện chưa có số liệu thống kê tổng thể điểm thi trên toàn quốc.
Tuy nhiên, qua số điểm thí sinh đạt được ở các cụm thi cho thấy, điểm thi năm nay của thí sinh không cao như năm 2015. Vì vậy, có thể điểm chuẩn vào ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thấp hơn năm ngoái từ 0,5 đến 1 điểm.
Thí sinh nên chọn ngành, trường học phù hợp và có thể xin được việc làm
Với kết quả thi, phổ điểm THPT Quốc gia năm 2016, các trường ĐH, CĐ sẽ dựa vào đó để xét tuyển thí sinh vào trường. Việc chọn lựa ngành nghề, trường học phù hợp cũng rất quan trọng đối với thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái cho rằng, trong việc chọn ngành nghề, thí sinh cần chú trọng đến việc lựa chọn ngành, trường học phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân và có khả năng xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo một ngành giống nhau nên khi chọn trường, ngành học, thí sinh cần cân nhắc điểm thi của mình thuộc tốp trường nào (tốp trên, trung giữa hay trung bình) để đăng ký xét tuyển. Nếu thí sinh có tổng điểm thi THTP Quốc gia chỉ ở mức trung bình nhưng lại thích đăng ký vào những ngành, trường học thuộc tốp trên thì rất dễ sẽ bị trượt.
Thực tế là hiện nay đang có tình trạng nhiều thí sinh (kể cả đang học ở những trường tốp trên) bỏ dở giữa chừng đã gây tốn kém về kinh phí, thời gian của gia đình và bản thân các em. Do đó, thí sinh cũng cân nhắc kỹ chọn ngành học phù hợp, tránh tình trạng học được một thời gian rồi lại bỏ dở.
Hiện nay, số lượng thí sinh chỉ biết thi THPT Quốc gia mà không biết nên chọn trường, ngành học nào chiếm số lượng khá lớn.
Thí sinh có điểm nhỉnh hơn điểm sàn thì chọn trường như thế nào?
Đối với thí sinh đạt từ mức điểm sàn như năm 2015 là 15 điểm hoặc nhỉnh hơn 1 chút, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái đưa ra nhận định, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng chỉ hơn vênh hơn năm trước từ 1-2 điểm. Để chọn trường, ngành học phù hợp, thí sinh cần xem xét, tham khảo kỹ chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn xét tuyển của trường mà mình định đăng ký ở các năm trước cũng như các ngành liên quan ở các trường khác.
Ở nhiều trường ĐH, CĐ hiện nay đang có những chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp hoặc thông qua website của trường, thí sinh có thể theo dõi thông tin những những kênh thông tin này để chọn trường, ngành học phù hợp. Các em có thể liên hệ qua điện thoại hoặc đến trường tìm hiểu việc tuyển sinh của trường mà bản thân đang quan tâm.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của các thầy cô giáo, gia đình để biết được năng lực của mình đến đâu, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao trước khi quyết định chọn ngành, trường học phù hợp với số điểm đạt được.
Cùng chung nhận định trên, PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội nêu ý kiến: Thí sinh sau khi có kết quả thi THPT quốc gia cần cân nhắc lựa chọn đăng ký xét tuyển căn cứ vào nguyện vọng bản thân, kết quả thi THPT để có sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp.
Ngoài việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với sự yêu thích, niềm đam mê của bản thân và nhu cầu về nhân lực của ngành, gắn với xu hướng phát triển của nền kinh tế- xã hội, thí sinh cần quan tâm đến kết quả dự thi. Thí sinh có thể căn cứ vào kết quả xét tuyển của năm 2015 làm tài liệu tham khảo cho việc chọn ngành, chuyên ngành phù hợp.
Sáng suốt lựa chọn; tham khảo ý kiến gia đình, thầy cô giáo
Đối với việc xét tuyển vào ĐH, CĐ, năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định mới là thí sinh không được rút - nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng đăng ký.
Ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các em sẽ nhận được 1 giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không dùng giấy chứng nhận kết quả này để đăng ký xét tuyển mà dùng để nộp vào trường nhập học. Chính vì thế, theo PGS.TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo (ĐH Giao thông Vận tải), thí sinh cần cân nhắc kỹ trong việc chọn lựa ngành nghề, trường học phù hợp vì chỉ có một giấy chứng nhận kết quả, không có cái thứ 2 để thí sinh nộp vào trường đã trúng tuyển.
Mặt khác, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và rút - nộp hồ sơ nên các em cần tham khảo ý kiến gia đình, cân nhắc kỹ lưỡng, sáng suốt lựa chọn trường học, ngành học đó có xin được việc làm sau khi tốt nghiệp không.
Không nên để xảy ra tình trạng vào học được một thời gian rồi nhưng thấy trường học, ngành nghề mình đã chọn không phù hợp thì lại xin thôi không học nữa hoặc bỏ dỡ giữa chừng. Như vậy, các em sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém về kinh phí học tập…/.
Theo Bích Lan/VOV.VN