Với tiêu đề "Yêu sách của Trung Quốc được xây dựng trên cát," báo Die Zeit (Thời đại) của Đức ngày 20/7 đăng bài viết phê phán việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế trong tham vọng chủ quyền lãnh thổ của mình. Bài báo khẳng định luật pháp quốc tế phải được áp dụng với cả Trung Quốc, đồng thời cho rằng châu Âu không thể cứ trung lập trong cuộc tranh chấp chủ quyền này.
Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc
vẫn đang tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông (Nguồn: WSJ)
Mở đầu bài viết, tác giả cho rằng đằng sau những thông tin kinh hoàng những ngày qua đến từ Nice, Istanbul hay Baton Rouge là cuộc xung đột lớn mang tính địa chiến lược bị chìm đi, đó là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Theo tác giả, ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay đã ra một phán quyết rất cứng rắn đối với Trung Quốc, khẳng định: Không có cơ sở pháp lý cho yêu sách (về chủ quyền) của Bắc Kinh đối với các đảo trên Biển Đông.
Theo phán quyết, 5 thẩm phán của PCA cho rằng Philippines - quốc gia theo vụ kiện từ năm 2013, là hoàn toàn đúng, rằng Trung Quốc đã không chỉ xâm phạm các quyền của Philippines mà còn gây tổn hại không thể bù đắp đối với hệ sinh thái thông qua các hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo.
Báo trên cho biết Trung Quốc chưa bao giờ công nhận thẩm quyền của PCA và cũng không tham gia vụ kiện nêu trên. Tuy nhiên, giờ đây khi phán quyết của PCA được đưa ra, chính quyền Bắc Kinh đã có những phản ứng đầy tức giận, cho rằng phán quyết của tòa là "vô hiệu."
Bài báo nhận định, rõ ràng Trung Quốc đã đi ngược lại Công ước về Luật Biển năm 1982 mà họ cũng đã ký kết. Hay nói cách khác "Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế."
Biển Đông nằm trong số những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới. Hàng năm có trên 60.000 tàu hàng trị giá trên 5 tỷ USD, tương đương 1/3 giá trị giao thương quốc tế, qua lại tuyến đường biển này. Người dân châu Á, người Mỹ và châu Âu đều có lợi ích sống còn đối với tự do hàng hải trên tuyến đường huyết mạch này.
Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đòi gần 90% diện tích Biển Đông luôn là vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh năm 2012, cựu Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle từng hết sức nhã nhặn nói rằng Đức hy vọng vào một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, phát biểu này đã bị người đồng cấp Trung Quốc phản bác lại rằng chủ đề này không liên quan tới châu Âu. Theo các nhà ngoại giao, sau những cánh cửa kín, ông Westerwelle thậm chí còn bị hỏi rằng liệu Đức còn muốn bán xe ôtô ở Trung Quốc nữa hay không?
Theo bài báo, vấn đề chủ quyền không phải là chuyện phiếm với Trung Quốc. Trung Quốc đã xác định những lợi ích cốt lõi của họ, rằng chủ quyền ở Biển Đông trên nguyên tắc có ý nghĩa tương tự như mối liên kết của Trung Quốc với Tây Tạng hay Đài Loan. Báo trên cho rằng, do vậy sẽ không dễ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp hiện nay.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng rằng ngay cả khi châu Âu cùng có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc cũng như với các nước Đông Nam Á, thì họ cũng không thể trung lập trong cuộc tranh chấp này, mà cần "nêu rõ và lên án sự xâm phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh" bởi đây thực sự là vấn đề lòng tin./.
Theo MẠNH HÙNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-bat-chap-luat-quoc-te-trong-tham-vong-chu-quyen/397281.vnp