Xả thải xuống biển, chôn lấp rác trái phép trong rừng, giờ đây việc kiểm soát chất thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh trở nên vô cùng cấp bách!
Bốc dỡ hàng trăm tấn chất thải của Công ty Formosa chôn lấp trái phép.
Thảm họa hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung chưa kịp lắng xuống, thì gần đây dư luận không khỏi bàng hoàng lo lắng khi ở Hà Tĩnh liên tục phát hiện, phanh phui nhiều điểm chôn lấp chất thải trái phép của Công ty Formosa.
Chất thải được chôn lấp một cách mờ ám tại trang trại của Giám đốc Công ty Môi trường- Đô thị Kỳ Anh, trong Công viên giải trí và thậm chí cả ở khu du lịch biển Thiên Cầm... Khối lượng chất thải chính xác là bao nhiêu? mức độ nguy hại đến thế nào? thì chưa rõ, nhưng một điều có thể nhận thấy là môi trường đang bị tác động theo hướng bất lợi.
Tận mắt chứng kiến những địa điểm chôn lấp chất thải của Công ty Formosa, nhiều người không khỏi rùng mình. Bởi chất thải có loại thì ở dạng bùn bánh, nhầy nhụa bốc mùi hôi hắc, lại có không ít nơi là phế thải xây dựng như: thùng phuy, hộp nhựa, hộp catton, túi ni long.... được in bằng chữ Trung Quốc.
Còn nhớ, cách đây gần 1 tháng lãnh đạo Công ty Formosa từng xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự cố xả thải, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường biển. Phía công ty này đã cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường đồng thời đền bù thiệt hại kinh tế cho ngư dân nên đã phần nào trấn an dư luận.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là gần đây một lần nữa nhân dân Hà Tĩnh lại cảm thấy bất an trước việc chất thải liên tục được phát hiện chôn lấp trái phép ở nhiều nơi, trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn chưa có được kết luận chính thức và thoả đáng.
Số chất thải này được chôn tại trang trại của ông Lê Quang Hoà- Giám đốc Công ty Môi trường- Đô thị Kỳ Anh.
Chất thải chôn lấp ở nhiều nơi sẽ tác đối với môi trường và sức khoẻ của người dân như thế nào? Những tổ chức, cá nhân gây ra thảm hoạ đó sẽ bị xử lý đến đâu? Đây thực sự là những câu hỏi lớn chưa tìm ra lời giải.
Không ít ý kiến cho rằng dường như việc kiểm soát chất thải của Công ty Formosa là rất khó và nằm ngoài tầm của các sở, ngành chuyên môn ở Hà Tĩnh. Một nhà máy thép hiện đại cũng đồng nghĩa với lượng chất thải ngồn ngộn tuôn ra, trong đó có không ít chất tẩy rửa chứa độc tố, gây nên những hậu quả khó lường. Và nếu như cơ quan chuyên môn sở tại không đủ điều kiện, năng lực kiểm soát thì có lẽ phải đợi đến khi sự việc vỡ lở mới đôn đáo cầu cạnh ngược xuôi lên bộ này, ngành nọ.
Đành rằng phát triển công nghiệp là phải có chất thải, nhưng việc kiểm soát, xử lý chất thải đó như thế nào? là vấn đề vấn đề vô cùng quan trọng. Đã đến lúc công tác kiểm tra quá trình nhập hàng vào nội địa, rồi giám sát xử lý chất thải xem có đúng quy trình hay không? trở nên cấp bách, thường xuyên và không thể lơ là, chủ quan dù chỉ trong giây lát. Có như vậy mới có thể hạn chế được những bất cập, hệ luỵ phát sinh để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.
Công bằng mà nói, thời gian qua trước thảm hoạ môi trường mà Formosa gây ra cấp uỷ, chính quyền và người dân Hà Tĩnh đã nhận được sự quan tâm vào cuộc rất tích cực, đầy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương. Tuy nhiên, điều ngược lại là không ít người dân vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa bằng lòng với một số sở nọ, ngành kia ở Hà Tĩnh còn có biển hiện đùn đẩy, né tránh hay nói đúng hơn là vào cuộc theo kiểu cầm chừng?
Những ý kiến phản ánh của người dân về mối lo ngại từ chất thải của Công ty Formosa là có cơ sở, những thông tin mà các phương tiện truyền thông đưa ra là điều kiện cần để các cấp, các ngành chức năng tiếp tục vào cuộc xem xét, xử lý một cách nghiêm minh.
Một ngày, hai ngày và nhiều ngày nữa trôi qua… chất thải của Công ty Formosa chôn lấp trái phép đã, đang và có thể sẽ tiếp tục được phát hiện. Bởi vậy việc kiểm soát chất thải của công ty này đã thực sự trở nên cấp bách hơn bao giờ hết!./.
Theo CTV Văn Chương/VOV.VN