Bệnh khô mắt thường xảy ra khi cơ thể trẻ bị thiếu hụt vitamin A do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trẻ nhỏ phải được uống vitamin A để phòng ngừa bệnh khô mắt
Bệnh khô mắt thường xảy ra khi cơ thể trẻ bị thiếu hụt vitamin A do nhiều nguyên nhân khác nhau. Lúc đầu bệnh lý có biểu hiện kết mạc mắt mất vẻ bóng bình thường, trở nên khô, có khi gợn các nếp nhăn hoặc dày lên từng đám. Nếu để muộn, không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ lan tới giác mạc làm giác mạc có nguy cơ bị loét, nhũn mà hậu quả có thể dẫn đến mù lòa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng hàng trăm ngàn trẻ em bị mù lòa do bệnh khô mắt; ngoài ra cũng có tới hàng triệu trẻ em bị thiếu vitamin A thể nhẹ hoặc thể vừa làm cho trẻ dễ bị cảm nhiễm với các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Ở nước ta tình trạng thiếu vitamin A và bệnh khô mắt cũng đang là một vấn đề được xem như một bệnh thiếu dinh dưỡng hay gặp ở trẻ em; đặc biệt đối với các trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, sau khi mắc bệnh tiêu chảy, bệnh sởi... Lúc đầu bệnh lý có biểu hiện kết mạc mắt mất vẻ bóng bình thường, trở nên khô, có khi gợn các nếp nhăn hoặc dày lên từng đám. Nếu để muộn, không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ lan tới giác mạc làm giác mạc có nguy cơ bị loét, nhũn mà hậu quả có thể dẫn đến mù lòa.
Nguyên nhân và triệu chứng phát hiện
Về nguyên nhân: bệnh khô mắt thường xảy ra khi chế độ ăn thiếu hoặc không có vitamin A. Thực tế vitamin A còn được gọi là retinol, đây là một thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Retinol chỉ có trong các loại thức ăn động vật nhưng trong các loại thức ăn thực vật lại giàu chất tiền vitamin A là các sắc tố dạng caroten, khi vào cơ thể chúng sẽ được chuyển hóa thành vitamin A. Trong các sắc tố đó, chất bêta-caroten có hoạt tính sinh học cao nhất. Các loại rau có màu xanh đậm, các loại củ, quả có màu da cam thường có chứa nhiều chất bêta-caroten. Vitamin A được tích lũy trong mỡ của gan, thường gan của các loài cá biển như cá thu có rất nhiều retinol; sữa và trứng cũng là nguồn thực phẩm có retinol khá phong phú; trong thịt và mỡ của những loại gia súc thì hàm lượng vitamin A không đáng kể. Theo quy định, một đơn vị quốc tế (UI) vitamin A thường có khoảng 0,3mcg retinol.
Về triệu chứng: một chế độ ăn nghèo vitamin A sẽ dẫn tới việc dự trữ vitamin A ở gan thấp và hàm lượng vitamin A trong máu giảm. Tình trạng thiếu vitamin A được ghi nhận khi hàm lượng vitamin A trong huyết thanh dưới 10mcg/100ml. Ở trẻ em, bệnh lý bệnh khô mắt thường tiến triển nhanh vì vitamin A ít dự trữ ở gan và cơ thể thường có nhu cầu cao. Thực tế mặc dù tình trạng thiếu vitamin A có biểu hiện bệnh lý toàn thân nhưng các biểu hiện ở mắt vẫn là tiêu biểu và đặc hiệu hơn cả. Theo WHO, các biểu hiện lâm sàng của bệnh khô mắt bao gồm: quáng gà, khô kết mạc, vệt bitô, khô giác mạc, loét hoặc nhuyễn giác mạc dưới 1/3 diện tích bề mặt giác mạc, loét hoặc nhuyễn giác mạc trên 1/3 diện tích bề mặt giác mạc, sẹo giác mạc sau khô mắt, tổn thương đáy mắt do khô mắt.
Quáng gà là biểu hiện sớm của bệnh khô mắt do tình trạng giảm cung cấp vitamin A đến những tế bào hình que của võng mạc mắt gây giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Khô kết mạc biểu hiện dấu hiệu kết mạc không trong suốt, bóng ướt như kết mạc bình thường, có khi kết mạc dày lên và có những nếp nhăn; trẻ luôn bị chớp mắt, sợ ánh sáng. Kết mạc có thể đổi màu xám nhạt, vàng nhạt hoặc nâu sẫm.
Vệt bitô được xem là triệu chứng đặc hiệu của tổn thương kết mạc do thiếu vitamin A. Đây là các đám tế bào biểu mô kết mạc bị khô, sừng hóa dày lên thành từng đám và bong vảy; thường là những vệt có màu trắng xám, hình tam giác, đáy tam giác quay về phía rìa giác mạc hoặc có thể có hình trái xoan.
Loét hoặc nhuyễn giác mạc dưới 1/3 diện tích bề mặt giác mạc là tổn thương không thể phục hồi được của giác mạc và nhất định sẽ để lại khuyết tật nào đó ở giác mạc gây giảm thị lực. Loét giác mạc là tình trạng mất tổ chức của một phần hay tất cả các lớp của giác mạc, vì vậy khi nhuộm fluorescein giác mạc bắt màu xanh. Khi khô loét giác mạc còn chưa sâu, phải điều trị tích cực và kịp thời thì vết loét sẽ khỏi nhanh, để lại sẹo nhỏ và mỏng, thị lực sẽ bị gảm ít. Nếu vết loét sâu tiến triển có thể gây thủng giác mạc, lòi mống mắt, để lại sẹo dày, dính mống mắt và thị lực bị giảm nhiều.
Sẹo giác mạc sau khô mắt là di chứng của loét giác mạc. Có thể chỉ là những sẹo nhỏ, mỏng, phải quan sát thật kỹ mới phát hiện; cũng có thể là những sẹo to, dày, có nhiều mạch máu mới, thậm chí là những sẹo lồi, sẹo dúm, teo nhãn cầu và gây mù lòa vĩnh viễn cho trẻ. Sẹo giác mạc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, vì vậy khi chẩn đoán cần dựa vào các yếu tố như: trẻ có tiền sử suy dinh dưỡng đã đi điều trị ở bệnh viện và có chẩn đoán khô mắt, ngay trước khi và trong khi xảy ra đau mắt; có tiền sử tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa kéo dài, mắc bệnh sởi, viêm phế quản dai dẳng...; trẻ không có tiền sử sang chấn ở mắt, sẹo giác mạc không có ngay sau khi sinh ra.
Tổn thương đáy mắt do khô mắt là một tổn thương của võng mạc do thiếu vitamin A mạn tính, hiếm gặp ở trẻ nhỏ mà thường gặp ở trẻ lớn ở lứa tuổi đi học, có bệnh lý quáng gà. Chẩn đoán tổn thương đáy mắt do khô mắt được xác định chắc chắn khi có kèm theo triệu chứng khô kết mạc, vệt bitô hay khô giác mạc.
Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh
Chẩn đoán: việc chẩn đoán các tổn thương giác mạc do thiếu vitamin A cần phân biệt với các tổn thương do những nguyên nhân khác như bị sang chấn, nhiễm trùng, mắc bệnh sởi. Cần lưu ý khám mắt cho các trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, mắc bệnh sởi và viêm nhiễm đường hô hấp vì có thể dễ bị bỏ qua các trường hợp khô mắt hoạt tính. Theo WHO, để xác định bệnh khô mắt do thiếu vitamin A có phải là một vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng hay không thường căn cứ vào các chỉ số như: quáng gà trên 1% số trẻ; vệt bitô trên 0,5% số trẻ; khô giác mạc, loét giác mạc, nhuyễn giác mạc trên 0,01% số trẻ; sẹo giác mạc do khô mắt trên 0,05% số trẻ; hàm lượng vitamin A trong huyết thanh dưới 10mcg/100ml trên 5% số trẻ. Nếu tỉ lệ mắc bệnh vượt quá 1 trong 4 chỉ số lâm sàng nói trên thì có thể kết luận bệnh khô mắt là một vấn đề sức khỏe có ảnh hưởng đến cộng đồng; còn chỉ số hóa sinh về hàm lượng vitamin A có giá trị phụ thêm để khẳng định.
Điều trị: phải điều trị cho tất cả các trường hợp mắc bệnh khô mắt hoạt tính từ quáng gà, khô kết mạc, có vệt bitô đến khô giác mạc, loét giác mạc, nhuyễn giác mạc theo khuyến cáo của WHO kịp thời ngay sau khi phát hiện bệnh bằng cách uống vitamin A với liều lượng 200 ngàn đơn vị quốc tế UI. Ngày hôm sau tiếp tục uống 200 ngàn đơn vị quốc tế UI. Từ 1 đến 4 tuần sau đó uống thêm 200 đơn vị quốc tế UI. Lưu ý đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi dùng nửa liều, tương ứng với 100 ngàn đơn vị quốc tế UI. Thực tế cần xem các trường hợp khô giác mạc, loét giác mạc, nhuyễn giác mạc là bệnh cấp cứu nhãn khoa, đòi hỏi yêu cầu trẻ phải được điều trị và chăm sóc tích cực ở bệnh viện.
Phòng bệnh: hiện nay chương trình phòng chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt đã khuyến cáo cộng đồng muốn phòng bệnh tốt phải thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vitamin A trong một số loại thức ăn và uống viên nang vitamin A liều cao. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý trước hết là phải quan tâm việc nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ; vitamin A chỉ có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, sữa, gan, lòng đỏ trứng; bêta-caroten có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm và các loại củ, quả có màu da cam; vì vậy chế độ ăn bổ sung của trẻ từ tháng thứ tư trở đi ngoài sữa mẹ cần có thức ăn từ các loại thực phẩm này; ngoài ra cũng phải cần có đủ chất đạm và chất béo để tăng cường sự hấp thụ và sử dụng vitamin A. Tăng cường vitamin A trong một số thức ăn đã được nhiều quốc gia thực hiện có kết quả bằng cách bổ sung vitamin A vào một số thực phẩm như: bơ thực vật margarin, bột sữa gầy, đường, bột ngọt; các thức ăn bổ sung cho trẻ như sữa hộp, sữa bột, bột dinh dưỡng cũng cần được tăng cường vitamin A đáp ứng với nhu cầu cần thiết của trẻ. Uống viên nang vitamin A liều cao phải được thực hiện ở những nơi đã phát hiện tình trạng thiếu vitamin A; song hành với các biện pháp dài hạn, việc cho uống viên nang vitamin A liều cao là biện pháp trước mắt và cần thiết cho đối tượng trẻ em dưới 3 tuổi với liều 200 ngàn đơn vị quốc tế UI, uống một năm 2 lần; đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi dùng liều 100 ngàn đơn vị quốc tế UI; trong trường hợp số lượng vitamin A không đủ thì nên dành ưu tiên cho những vùng có tỉ lệ mắc bệnh khô mắt cao, các nhóm trẻ dễ bị đe dọa như trẻ suy dinh dưỡng nặng và rất nặng, mắc bệnh sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp dưới; lưu ý người mẹ đang cho con bú ngay sau khi sinh hoặc trong tháng đầu tiên sau sinh nên uống 1 viên nang vitamin A liều 200 ngàn đơn vị quốc tế UI để tăng cường hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Theo suckhoedoisong.vn