Sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và tâm lý của người dân bốn tỉnh miền trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Sau sự cố, nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình đang gấp rút tìm giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập để ổn định đời sống cho người dân các xã nghèo vùng bãi ngang…
Ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ.
Nguy cơ tái đói, tăng nghèo
Năm giờ chiều, tại bãi biển thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hàng chục chiếc thuyền nan nằm chỏng chơ trên bãi cát, dưới cái nắng gay gắt. Dưới vòm phi lao, ngư dân Lê Quang Chính cho biết: “Nhìn biển xanh trong nhưng biển “chết” thật rồi chú à. Dù đói, dù no nhưng đời ngư dân bãi ngang bọn tui quanh năm gắn bó với biển, một tuần biển động không đi biển đã buồn, đã đói rồi, huống chi ba tháng ni thuyền phơi trên cát, nhìn biển mà rớt nước mắt”. Ngư dân Trần Nam ngồi bên nói thêm vào: “Không đói răng được chú ơi, ngư dân bọn tui bao đời ni ít khi cất trữ lương thực, cứ chiều đi biển, sáng sớm vô bờ bán cá mua gạo, nộp tiền học cho con, tích trữ làm nhà, mua xe máy. Hôm ít thì vài trăm nghìn, hôm trúng thì vài triệu là chuyện bình thường. Cũng nhờ nghề biển mà đời sống người dân thôn Bắc Hòa này thay đổi từng ngày”. Ông Nam cho biết thêm, gần ba tháng không ra biển, dù được Nhà nước hỗ trợ gạo nhưng cả nhà vẫn lao đao, tiền đâu để chi tiêu cho cả gia đình, con sắp vào năm học. Không bó gối ngồi chờ, vợ ông tất tả vô nam làm thuê, ông ở nhà trông coi thuyền bè, con cái, rồi ai thuê chi làm nấy. Nhớ biển và để giữ thuyền nan không bị hỏng, cứ vài ba ngày, cha con ông Chính, ông Nam và nhiều ngư dân Bắc Hòa đẩy thuyền xuống biển, nổ máy vài chục phút rồi quay vào, thuyền lại gối bãi trong tiếng thở dài. Cũng theo ông Chính, giờ vẫn có thể ra khơi kiếm được mớ cá tươi nhưng do người dân ngại ăn nên bán không ai mua. Nhiều người đành liều kiếm vài con cá tươi về làm thực phẩm cho gia đình.
Trưởng thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc Trần Văn Lĩnh nói: “Đây là vụ cá nam, vụ chính trong năm của ngư dân. Năm trước vụ cá này, mỗi hộ dân biển bãi ngang cũng kiếm được 30 đến 40 triệu đồng, nhưng năm nay thì không, ngư dân khổ lắm. Cả thôn nháo nhác, lao động trẻ bỏ con cái lại cho ông bà, cửa đóng then cài đi khắp nơi kiếm việc. Tình trạng này sẽ làm cho tỷ lệ hộ nghèo đói tăng cao. Ngư dân kiếm sống bằng nghề biển, không quen tích cốc phòng cơ, không làm các nghề khác nên giờ nói chuyển nghề thì khó quá”. Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) Nguyễn Hữu Hiến tâm sự rằng, từ nhiều đời nay, dù ngư dân chỉ quẩn quanh trong vùng lộng nhưng biển chính là nguồn sống của bà con. Từ sau sự cố môi trường biển, nguồn sống và nghề mưu sinh từ biển gần như bị cắt đứt, đời sống của hơn 670 hộ dân lâm vào khó khăn. Đi làm thuê đang là biện pháp trước mắt để kiếm sống. Hiện, số lao động ở xã này đi làm ăn ở các tỉnh phía nam lên tới hàng trăm người.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài, toàn tỉnh có 18 xã ven biển sống bằng nghề biển với 15 nghìn người trực tiếp đánh bắt hải sản và 45 nghìn người sống bằng dịch vụ nghề cá. Họ mất việc làm, mất thu nhập, bữa cơm của gia đình đã bị vơi đi, nước mắt của người dân đã chảy mặn còn hơn nước biển. Sự cố môi trường biển không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, mà còn tạo ra cú “sang chấn" về tâm lý ghê gớm đối với người dân Quảng Bình. Hai ngành thủy sản và du lịch của tỉnh thật sự bị đình trệ. Ước tính tổng thiệt hại của tỉnh Quảng Bình đến cuối tháng 6 là 2.662 tỷ đồng và đến hết năm 2016 khoảng 4.000 tỷ đồng. Chính vì thế, nhiều khả năng tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo sẽ tăng lên, nhất là tại các xã ven biển.
Người dân xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy
chuyển hướng sang nuôi cá nước ngọt trên cát.
Cách nào tăng thu nhập cho người dân?
Trong số bốn tỉnh miền trung, Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển vừa qua. Và, không phải cho tới bây giờ khi hậu quả của sự cố ô nhiễm môi trường biển tác động trực tiếp đến đời sống của ngư dân nói chung, ngư dân bãi ngang nói riêng thì vấn đề sinh kế cho người dân mới được đề cập, mà ngay từ năm 2011, tỉnh Quảng Bình đã chủ động xây dựng đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho 32 xã nghèo vùng bãi ngang, cồn bãi của tỉnh. Năm 2011, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: Tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân các xã bãi ngang và cồn bãi tỉnh Quảng Bình trên cơ sở chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân khai thác thủy sản gần bờ, bảo đảm cho việc tái tạo nguồn lợi thủy sản; tạo thêm nhiều việc làm mới cho nhân dân... Tuy nhiên, đề án không triển khai được do không có kinh phí.
Trở lại với sự cố ô nhiễm biển hiện nay, bài toán sinh kế để ổn định đời sống cho người dân các xã nghèo vùng bãi ngang tỉnh Quảng Bình đang rất bức thiết, song giải bài toán này không hề dễ. Chủ tịch UBND xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) Phạm Văn Liệu cho biết, ngư dân vốn sống bằng nghề biển, lao động giản đơn, muốn chuyển nghề khác phải có thời gian và hỗ trợ theo cách cầm tay chỉ việc chứ không thể nói là làm ngay được. Đó là chưa nói đến việc nghề được chuyển đổi cũng phải phù hợp lối sống và tập quán sản xuất của ngư dân. Ngư dân Nguyễn Thanh Hải (xã Hải Ninh) nói: “Hải Ninh là xã biển, người dân sống trên triền cát trắng, không có đất nên không thể chuyển sang sản xuất nông nghiệp được. Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng nếu bỏ nghề biển, ngư dân không biết làm gì khác để sống. Biển là nguồn mưu sinh nên chúng tôi sống chết gì cũng phải bám biển”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Phan Văn Khoa thừa nhận, bài toán sinh kế cho người dân ven biển sẽ khó thành công nếu áp đặt và không xuất phát từ nguyện vọng, tâm lý và cả nhận thức của người dân. Hơn nữa, phải thông tin cho người dân biết, hiện trạng biển như thế nào rồi mới triển khai các giải pháp hỗ trợ từng phần như đóng tàu xa bờ, xuất khẩu lao động làm nghề biển, chăn nuôi gia súc trên cát, đào tạo nghề… từ đó mới có thể mang lại hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn, để tạo việc làm và từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ba xã bãi ngang Ngư Thủy (Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam) sau sự cố môi trường biển, mới đây huyện Lệ Thủy đã chủ động khảo sát tình hình và đưa ra các biện pháp trước mắt. Các đồng chí lãnh đạo huyện đã chủ động làm việc với Ban Giám đốc Nhà máy may Lệ Thủy (thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam) đề nghị ưu tiên tuyển lao động biết nghề may tại ba xã biển vào làm việc. Cuối tháng 7 này, Nhà máy may Lệ Thủy chính thức đi vào hoạt động ngay trên vùng cát ven biển. Hiện, doanh nghiệp đã tuyển dụng đợt một 1.300 lao động, trong đó có hàng chục lao động vùng Ngư Thủy. Đồng thời, tại các xã này, huyện Lệ Thủy sẽ triển khai mô hình thí điểm nuôi bò sinh sản. Mô hình này từng mang lại hiệu quả cho nhiều nơi tại vùng ven biển Quảng Bình bởi ở đây có lực lượng lao động, có diện tích đất cát để trồng cỏ. Hơn nữa, nghề nuôi bò không khó và ít bị dịch bệnh, các hộ ngư dân có thể áp dụng ngay được.
Thời gian gần đây, Ngư Thủy được biết đến là vùng nuôi cá lóc trên cát nổi tiếng tại Quảng Bình. Đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả đối với người dân vùng cát trắng này, vì vậy, huyện Lệ Thủy khuyến khích người dân mở rộng diện tích ao nuôi cá kết hợp trồng cây phủ xanh đồi cát. Theo UBND xã Ngư Thủy Nam, trong sáu tháng đầu năm 2016, số ao cá nước ngọt trên địa bàn từ 343 hồ tăng lên 405 hồ (nuôi cá lóc, cá rô-phi, cá trắm); đàn lợn cũng tăng từ 3.000 lên 5.000 con. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Nam Trần Hồng Quảng cho biết, trong “cái khó” lại “ló cái khôn”, sau sự cố môi trường biển, nuôi thủy sản và chăn nuôi là hướng chính mà người dân địa phương lựa chọn để ổn định đời sống. Chị Nguyễn Thị Lớn là chủ cơ sở chế biến cá khô ở thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam. Từ khi xảy ra tình trạng cá biển chết, cơ sở đóng cửa, chị quay sang đầu tư nuôi cá, lợn. Hiện chị nuôi bốn ao cá lóc, rộng 2.000m², cá nuôi được ba tháng, chưa đầy tháng nữa là xuất bán. Mới đầu tháng 7, chị nhập 50 con lợn giống để nuôi sinh sản. Theo chị Nguyễn Thị Lớn, bây giờ bà con cần nhất là nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức” cho việc chuyển đổi ngành nghề và đầu tư các mô hình sản xuất khác để mưu sinh.
Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG
Theo nhandan.com.vn