Nhiều người không vào đại học nhưng vẫn thành công trên con đường nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình.
Người có tay nghề giỏi cũng có thể tìm được việc làm với mức thu nhập cao chứ không nhất thiết phải bằng được vào đại học (ảnh minh họa)
Vượt qua “rào cản” và quan niệm cho rằng, đại học mới là con đường thành công đúng đắn nhất, nhiều người đã khẳng định được bản thân bằng con đường học nghề. Họ thành công trên con đường sự nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, Nguyễn Quang Hùng, sinh năm 1995 đăng ký ngay vào ngành điều khiển điện công nghiệp dân dụng, Trường Trung cấp Kinh tế Bắc Thăng Long mà không đăng ký thi vào đại học.
Đăng ký đúng ngành nghề yêu thích lại vừa sức học nên trong quá trình học ở trường, Hùng đều đạt loại xuất sắc. Tốt nghiệp với tấm bằng nghề loại giỏi, lại cùng thời điểm công ty Denso (Nhật Bản) tổ chức thi tuyển, Hùng đã tham gia thi và đạt số điểm cao nhất. Nhờ vậy, anh đã được Công ty giữ lại, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ để dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 sắp diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Nguyễn Quang Hùng cho biết: “Bí quyết học tập của tôi là cố gắng học. Đam mê, yêu thích môn điều khiển điện giúp cho tôi tư duy tốt hơn, có thể suy nghĩ ra mạch điện để vận dụng trong cuộc sống. Theo tôi nghĩ, học đại học ra ngoài xin việc cũng khó, thành công cũng hơi xa. Đến thời điểm này, tôi cảm thấy quá trình học của mình cũng như việc mình đang làm đã thành công trong bước khởi đầu của mình. Đây là còn đường mà tôi đã lựa chọn và sẽ làm được bằng hết sức của mình”.
Cũng khẳng định bản thân nhờ học nghề nhưng thành công đến với anh Nguyễn Đình Sơn ở huyện Sóc Sơn lại ở một hoàn cảnh khác. Nguyễn Đình Sơn kể, sau khi tốt nghiệp cấp 2 trường THCS Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, anh đã phải làm đủ mọi nghề như bảo vệ, trông xe, nhân viên bán hàng... để mưu sinh nhưng cuộc sống của anh vẫn dậm chân tại chỗ, sau nhiều năm bươn trải.
Lúc này, Đình Sơn hiểu rằng, muốn cuộc sống tốt hơn và một công việc ổn định thì phải học chắc được một nghề. Năm 2012, Nguyễn Đình Sơn đăng ký vào ngành kinh doanh, trường Trung cấp Kinh tế Bắc Thăng Long. Sau hai năm, vừa học vừa làm, nhờ chịu khó học hỏi, từ một nhân viên tiếp thị của Công ty cổ phần Quốc tế Canzy Việt Nam, Đình Sơn đã chính thức được Công ty nhận vào làm việc. Sau 6 tháng, nhờ năng lực quản lý và các chiến lược kinh doanh của anh đưa ra đã khiến doanh thu của công ty tăng cao từ 120% đến 150 % doanh số trước đó. Ở tuổi 29, Đình Sơn được Ban lãnh đạo công ty đề xuất vào chức vụ quản lý khu vực vùng phía Bắc.
Với thành công bước đầu của mình, Đình Sơn nhận ra rằng, nếu có được bằng Đại học thì cũng chỉ là bước đệm khởi đầu để có cơ hội tiếp cận công việc dễ dàng hơn. Anh Nguyễn Đình Sơn nói: “Đối với tôi thực sự chỉ có 3 bí quyết là tâm huyết, chăm chỉ, khiếm tốn thì sẽ thành công. Cha mẹ nào cũng muốn con mình vào đại học nhưng đối với tôi thật sự những bạn không có điều kiện theo học đại học hoặc không thi đỗ đại học tốt nhất vẫn nên đi học tại các trường nghề. Khi mình có một nghề trong tay, cơ hội việc làm đến với các bạn rất rộng mở. Đối với tôi, học tập là sự đam mê đam mê quan trọng nhất và yêu thích nghề mình học thì sẽ tâm huyết và học được tốt hơn”.
Qua những câu chuyện trên đã cho thấy, vào đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, mà quan trọng với mỗi người phải định hướng nghề nghiệp và sự nỗ lực của bản thân với nghề mình đã chọn. Nhiều người sau khi thi trượt đại học đã nhìn nhận lại học lực của bản thân và không lãng phí thời gian tìm đến học nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp.
Anh Bùi Bá Quang, Phó Giám đốc Siêu thị Trần Anh là một trong nhiều người như vậy. Chia sẻ về lựa chọn học nghề của mình, anh Quang cho biết, lúc thi trượt vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tự thấy bản thân không có khả năng thi đỗ vào trường đại học như mong muốn nên anh đã tìm hiểu và quyết định chọn học ngành Tin học ứng dụng Trường Cao đẳng Điện tử điện lạnh Hà Nội.
Năm 2002, tốt nghiệp loại Khá, anh Bùi Bá Quang được trường giữ làm giảng viên. Năm 2008, vì lý do gia đình, anh Quang đi ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng của Siêu thị Trần Anh. Đây là vị trí thấp nhất trong công ty.
Mặc dù biết đó là quyết định mạo hiểm và đầy khó khăn, vì thời điểm ấy các công ty như Trần Anh, Nguyễn Kim tuyển dụng nhân sự đòi hỏi năng lực cao trong khi anh lại không có kinh nghiệm, nhưng với sự nỗ lực học hỏi không ngừng và tự rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc, cấp bậc của anh Quang được nâng dần lên theo tháng. Từ năm 2010 đến nay, anh Bùi Bá Quang là Phó Giám đốc siêu thị Trần Anh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Để có được thành công này, anh Bùi Bá Quang chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, tôi thấy rằng nỗ lực của bản thân là chính còn kiến thức trong trường áp dụng thực tế rất ít. Mình làm được hay không quan trọng nhất trong quá trình đi làm là có chịu khó học hỏi hay không. Với học sinh THPT nên chọn vừa sức với mình cần xác định ngành nghề yêu thích”.
Vào đại học không phải là con đường thành công ngay mà kể cả cao đẳng, trung cấp vẫn thành công khi mà các bạn có sự nỗ lực kiên trì, lắng nghe học hỏi.
Đây chỉ là ba trong số nhiều người đã thành công trên con đường sự nghiệp từ nhân viên và học nghề. Điều này cũng chứng minh một thực tế là mọi con đường đều có thể dẫn đến thành công và đại học không phải là con đường duy nhất./.
Theo Thu Hiền/VOV.VN