Cập nhật: 29/07/2016 08:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xuất huyết dạ dày là một bệnh cấp cứu, nếu không xử trí kịp thời có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Nguyên nhân

Xuất huyết dạ dày thường do  biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Viêm loét dạ dày - tá tràng chủ yếu do: dùng thuốc chống viêm corticoid (prednisolon, dexamethason, medrol…) hoặc thuốc không steroid (NSAID), ví dụ như: aspirin, meloxicam,… hoặc do uống quá nhiều rượu, nhưng nguyên nhân viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chiếm tỉ lệ cao nhất.

Có nhiều yếu tố làm gia tăng viêm loét dạ dày như: ăn uống quá nhanh (nhai không kỹ), ăn xong vận động nhiều, liên tục ngay hoặc sử dụng quá nhiều gia vị cay (ớt, bồ tạt, hạt tiêu…), chua (dấm, bún…) hoặc mất ngủ triền miên, stress liên tục, kéo dài. Vết loét dạ dày - tá tràng có thể do lây nhiễm theo đường ăn uống khi trong gia đình có người mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng bởi vi khuẩn HP.

Xuất huyết dạ dày có thể gặp ở người bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa bởi xơ gan, suy tủy xương, bệnh về máu (máu chậm đông, chảy máu kéo dài, xuất huyết do giảm tiểu cầu). Như vậy, dù là nguyên nhân gì làm viêm loét dạ dày - tá tràng đều có nguy cơ cao gây xuất huyết.

 

Nguyên nhân viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chiếm tỉ lệ cao nhất

Triệu chứng như thế nào?

Đối với xuất huyết dạ dày - tá tràng cấp tính thường có đau bụng dữ dội hoặc âm ỉ vùng trên rốn (thượng vị), người choáng váng, mệt lả, tim đập nhanh, hoa mắt, da xanh, ra mồ hôi. Có thể có nôn nao, buồn nôn, một số nôn ra máu (máu đỏ tươi, nếu vừa bị xuất huyết), máu màu đen lẫn thức ăn, dịch vị do máu chảy âm ỉ. Đa số đi ngoài phân màu đen như nhựa đường hoặc giống màu bã cà phê, đặc biệt phân có mùi khắm rất khó chịu (mùi cóc chết). Phân không thành khuôn, nhão. Nếu đo huyết áp sẽ  thấy huyết áp tụt, mạch nhanh.

Những trường hợp chảy máu dạ dày ri rỉ, phân vẫn thành khuôn và lúc nào cũng có màu đen, người bệnh luôn thấy mệt mỏi, ngồi dậy, đi lại thấy choáng váng, hồi hộp, đánh trống ngực, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Trường hợp này rất dễ nhầm với bệnh giun móc. Người bị bệnh giun móc do giun móc bám vào niêm mạc tá tràng để hút máu, khi hút máu chúng tiết ra chất chống đông máu và khi hút no máu, chúng rời khỏi vị trí đó để đi đến vị trí khác của niêm mạc tá tràng, vị trí cũ máu vẫn tiếp tục chảy (do chất chống đông máu của chúng tiết ra), do đó phân người bệnh mắc giun móc lúc nào cũng đen tương tự như phân của bệnh xuất huyết dạ dày - tá tràng.

 

Nếu lượng máu ra nhiều trong một thời gian ngắn gây

mất máu cấp tính dẫn đến sốc thể hiện hoa mắt, chóng mặt,...

Một số trường hợp đi ngoài phân đen (phân không có mùi khắm đặc biệt) do uống thuốc Sous nitrate bismuth trong điều trị dạ dày hoặc uống viên sắt, ăn tiết canh hoặc tiết lợn, gà, vịt, trâu, bò. Tuy nhiên, trong các trường hợp này không có hiện tượng mất máu (hoa mắt, chóng mặt, huyết áp tụt…). Vì vậy, trong các trường hợp này nên hỏi kỹ người bệnh.

Tiến triển và biến chứng

Nếu bệnh nhẹ, máu chảy ra ít, điều trị tích cực sẽ hết chảy máu, cơ thể dần dần hồi phục. Nếu lượng máu ra nhiều trong một thời gian ngắn sẽ xuất hiện tình trạng mất máu cấp tính dẫn đế sốc thể hiện hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, tay chân lạnh toát, huyết áp tụt, tiểu ít. Nếu không cấp cứu, xử trí kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên tắc sơ cứu

Nếu bản thân người bệnh tự nhận thấy hoặc người nhà phát hiện nghi bị xuất huyết dạ dày - tá tràng, trước hết người bệnh cần được nằm nghỉ tuyệt đối, tuyệt đối không đứng, ngồi hoặc đi lại. Nằm phải đầu thấp để giúp cho máu được lưu thông lên não, hai chân được kê cao hơn đầu để máu hồi lưu về tim dễ dàng hơn. Nếu người bệnh thấy lạnh có thể được ủ ấm bằng đắp chăn. Nên chườm nước đá vào vùng thượng vị để giúp cầm máu. Nếu có thuốc uống cầm máu loại thông thường (transamin 500mg, adrenoxyl 10mg) có thể uống một viên (nhớ nghiền nát), nên ăn nhẹ bằng cháo loãng, nguội, uống sữa lạnh hoặc có thể pha một ít muối ăn (khoảng 6 - 8g) vào 100ml nước nguội để uống  (nước muối loãng có tác dụng cầm máu), cần uống từ từ từng ngụm một, nếu thấy đỡ hơn, nên uống tiếp. Sau khi làm các động tác trên cần gọi xe cấp cứu đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất

Phòng bệnh

Sau khi hết chảy máu dạ dày cần được khám bệnh để xác định nguyên nhân gây chảy máu và tình trạng của dạ dày (vị trí viêm, loét). Thông thường, xuất huyết dạ dày rất dễ tái phát và xảy ra bất cứ lúc nào nếu viêm và loét không được chữa trị khỏi. Vì vậy, cần phải tích cực điều trị viêm loét (nếu do vi khuẩn HP cần dùng kháng sinh để tiêu diệt chúng), nếu chảy máu dạ dày do giun móc cần được dùng thuốc tẩy giun móc.

Lời khuyên của thầy thuốc

Người viêm loét dạ dày - tá tràng nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu (cơm nát, súp, bánh mì), tránh ăn các loại có nhiều chất xơ, gân, sụn, dai và nên chia đều ăn nhiều lần trong ngày (khoảng 5 hoặc sáu bữa) nhằm nương nhẹ chức năng tiêu hóa của dạ dày. Tránh ăn các loại gia vị cay, nóng, chua (ớt, hạt tiêu bồ tạt, dấm, chanh…) hoặc bún. Sau xuất huyết dạ dày ổn định, cần nghỉ ngơi, tránh lao động nặng, tránh thức khuya và tinh thần luôn được thoải mái.

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm