Viêm phổi ở trẻ em là bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng gây ra. Mầm bệnh có thể lây lan từ trẻ bệnh, từ người lớn mang mầm bệnh, từ môi trường cho trẻ. Bệnh có các thể rất nặng, diến biến nhanh có thể gây tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Nhiều nghiên cứu cho biết có 3 loại mầm bệnh chủ yếu gây viêm phổi ở trẻ em là vi khuẩn, virus và ký sinh trùng, nấm.
Các loại vi khuẩn thường gặp gây viêm phổi ở trẻ em là: S. pneumonia chiếm khoảng 30-50% trường hợp; H. influenzae type B đứng hàng thứ 2 chiếm khoảng 10-30%; tiếp theo là S.aureus và K.pneumonia.
Các vi khuẩn khác cũng là nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em ít gặp hơn như M. pneumonia thường gây viêm phổi không điển hình ở trẻ trên 5 tuổi; liên cầu B và Chlamydia spp có thể gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh; vi khuẩn K. pneumonia và một số vi khuẩn Gr âm khác cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Do ảnh hưởng của đại dịch HIV nên có thể gặp viêm phổi do Pneumocystis Jiroveci ở trẻ nhiễm HIV.
Nguyên nhân gây viêm phổi do virus cho thấy: khoảng 15-40% là do virus hợp bào đường hô hấp (RSV); kế đến là virus cúm A, B, á cúm, metapneumovirus ở người và adenovirus. Những trường hợp nhiễm virus đường hô hấp ban đầu cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do vi khuẩn thứ phát hoặc đôi khi cũng gặp những trường hợp viêm phổi phối hợp giữa virus và vi khuẩn ở trẻ nhỏ sống trong điều kiện thiếu thốn dinh dưỡng và quần áo ấm. Các virus varicella và sởi đôi khi cũng gây viêm phổi ở trẻ em.
Ký sinh trùng, nấm: tuy ít gặp nhưng các loại nấm Histoplasmosis toxoplasmosis và candida cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ em trong một số hoàn cảnh đặc biệt.
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em
Ở một trẻ bị viêm phổi thường gặp các triệu chứng như sau: thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Theo tiêu chuẩn của WHO, trẻ dưới 5 tuổi, thở nhanh như sau: nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi; nhịp thở từ 50lần/phút trở lên đối với trẻ 2 tháng - 12 tháng tuổi; nhịp thở từ 40lần/phút trở lên đối với trẻ 1-5 tuổi. Cha mẹ hoặc người thân có thể đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ và phải đếm trong 1 phút, muốn có kết quả chính xác thì đếm 2-3 lần. Bác sĩ nghe thấy ran ẩm nhỏ hạt cũng là dấu hiệu có giá trị thường được dùng trong chẩn đoán viêm phổi. Nếu trẻ bị viêm phổi nặng sẽ có dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Để phát hiện dấu hiệu này cần nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào. Chú ý rằng khi chỉ thấy phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Mặt khác ở trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa có giá trị phân loại vì lồng ngực của trẻ nhỏ còn mềm, nên khi thở bình thường cũng có thể hơi bị rút lõm. Do đó ở những trẻ này rút lõm lồng ngực mạnh (lõm sâu và dễ nhìn thấy) mới có giá trị để chẩn đoán viêm phổi.
Triệu chứng thường gặp nữa là sốt cao. Triệu chứng thở khò khè có thể ở trẻ lớn bị viêm phổi do mycoplasma. Song triệu chứng này cũng dễ nhầm với bệnh hen nếu không chụp Xquang phổi. Những triệu chứng phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém, kích thích và các bất thường khi khám phổi thay đổi phụ thuộc vào tuổi bệnh nhi và mức độ nặng của bệnh. Các triệu chứng như bỏ bú, thở rên, tím trung tâm có thể là những gợi ý của tình trạng thiếu oxy, nhưng các triệu chứng này không có độ nhạy và đặc hiệu cao, vì vậy khi có điều kiện cần phải đo độ bão hoà oxy qua da cho bệnh nhi có biểu hiện suy hô hấp hoặc có vẻ bị bệnh nặng.
Việc chẩn đoán bệnh viêm phổi trẻ em cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng nói trên và hình ảnh tổn thương trên phim chụp Xquang phổi. Căn cứ vào sự phân loại của Tổ chức Y tế thế giới đối với các mức độ viêm phổi gồm các thể: rất nặng, nặng và không nặng dựa vào các triệu chứng lâm sàng, thầy thuốc lâm sàng quyết định các biện pháp điều trị hỗ trợ như thở oxy, bù dịch và kháng sinh đặc hiệu.
Viêm phổi rất nặng với các biểu hiện: trẻ có ho hoặc khó thở cộng với ít nhất một trong các triệu chứng chính là: tím tái, co giật, lơ mơ hoặc hôn mê; không uống được hoặc bỏ bú hoặc nôn ra tất cả mọi thứ; suy hô hấp nặng với biểu hiện đầu gật gù theo nhịp thở và co kéo cơ hô hấp phụ. Ngoài ra, có thể có thêm một số triệu chứng khác gồm: thở nhanh, phập phồng cánh mũi, thở rên, co rút lồng ngực; nghe phổi có thể thấy giảm rì rào phế nang, tiếng thổi ống, ran ẩm nhỏ hạt; tiếng cọ màng phổi.
Viêm phổi nặng: trẻ ho hoặc khó thở và có ít nhất một trong các triệu chứng chính là: co rút lồng ngực, phập phồng cánh mũi; thở rên (ở trẻ dưới 2 tháng) và không có các dấu hiệu chính của viêm phổi rất nặng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có thêm một số các triệu chứng khác đã mô tả ở phần viêm phổi rất nặng.
Viêm phổi không nặng: trẻ có ho hoặc khó thở và khó thở nhanh, trẻ dưới 2 tháng: nhịp thở khoảng 60 lần/phút; trẻ từ 2-12 tháng: nhịp thở khoảng 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi: nhịp thở khoảng 40 lần/phút; nhưng không có một trong các triệu chứng chính của viêm phổi nặng hoặc rất nặng. Nghe phổi có thể thấy ran ẩm nhỏ hạt.
Phương pháp điều trị
Điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng: những trẻ này cần phải điều trị tại bệnh viện do bệnh có thể diễn biến nặng lên rất nhanh, khó tiên lượng và cần phải theo dõi chặt chẽ. Tác nhân gây bệnh là các loại vi khuẩn Gram âm, tụ cầu, liên cầu nhóm B, phế cầu, H. influenzae… Cần dùng kháng sinh benzyl penicillin hoặc ampicillin kết hợp với gentamicin. Một đợt dùng từ 5-10 ngày. Đối với các trường hợp viêm phổi rất nặng thì dùng cefotaxime.
Điều trị viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng - 5 tuổi: tác nhân gây bệnh chủ yếu là các loại vi khuẩn như phế cầu, H. influenzae và M. catarrhalis còn các vi khuẩn khác như tụ cầu hoặc vi khuẩn Gram (-) thì ít gặp hơn.
Viêm phổi rất nặng, trẻ có khó thở, co rút lồng ngực, tím tái, li bì... Điều trị tại bệnh viện. Kháng sinh nên dùng là: benzyl penicillin hoặc ampicillin phối hợp với gentamicin. Nếu bệnh không thuyên giảm dùng cefuroxime. Nếu nghi ngờ viêm phổi do tụ cầu thì dùng oxacillin kết hợp với gentamicin hoặc nếu không có oxacillin thì dùng cephalothin và gentamicin. Nếu gặp tụ cầu kháng methicillin cao thì có thể chuyển sang dùng vancomycin.
Viêm phổi nặng, trẻ có khó thở, co rút lồng ngực. Cần điều trị tại bệnh viện. Kháng sinh nên dùng là benzyl penicillin hoặc ampicillin. Theo dõi sau 2-3 ngày. Nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ từ 5-10 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm thì điều trị như viêm phổi rất nặng nói trên.
Viêm phổi không nặng, chỉ có ho và thở nhanh. Điều trị tại nhà bằng amoxycillin và theo dõi sau 2-3 ngày. Nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ từ 5-7 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm thì điều trị như viêm phổi nặng nói trên.
Điều trị viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi: nguyên nhân thường do phế cầu hoặc H. influenzae... Thuốc có thể dùng là benzyl penicillin; hoặc cephalothin; cefuroxime; ceftriaxone; có thể thay bằng amoxy/clavulanic (augmentin) hoặc ampicillin/sulbactam.
- Điều trị viêm phổi không điển hình: nguyên nhân thường do Mycoplasma, Chlamydia, Legionella hoặc Ricketsia gây bệnh. Thuốc nên dùng là: erythromycine, trong 10 ngày; azithromycine dùng trong 7-10 ngày.
Biện pháp phòng bệnh
Muốn phòng bệnh viêm phổi cho trẻ em cần thực hiện các biện pháp như sau: cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; tránh cho trẻ hít phải khói, bụi. Giữ vệ sinh răng miệng bằng việc chải răng cho trẻ ngày 2 lần, sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Khám và điều trị sớm, tích cực các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt cho trẻ dưới 5 tuổi. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mùa đông cần mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ, đầu mặt cho trẻ, nhất là khi phải đưa trẻ đi ra ngoài.
Viêm phổi ở trẻ em thường diễn tiến nhanh cần theo dõi chặt chẽ tại cở sở y tế
BS. Ninh Hồng
Theo suckhoedoisong.vn