Cập nhật: 30/07/2016 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để chẩn đoán bệnh, bệnh nhân phải được làm xét nghiệm nước tiểu nhằm loại bỏ các nguyên nhân gây viêm nhiễm như phì đại tuyến tiền liệt, khối u, sỏi đường tiết niệu...

Ảnh minh họa.

Nhiễm khuẩn tiết niệu:

Nguyên nhân chính là các loại vi khuẩn gram âm chiếm tới 90%. Biểu hiện chính của nhiễm khuẩn tiết niệu là đái buốt, đái rắt, đái đục, nặng hơn là đái mủ, đái máu. Người bệnh thường có cảm giác đau nóng rát và tăng lên cuối bãi. Khi bệnh nhân thấy sốt, đau vùng hông lưng, hay đái ra mủ, đái ra máu cần phải nghĩ nhiễm khuẩn đã ngược lên đến thận và phải tới ngay bệnh viện.

Để chẩn đoán bệnh, bệnh nhân phải được làm xét nghiệm nước tiểu nhằm loại bỏ các nguyên nhân gây viêm nhiễm như phì đại tuyến tiền liệt, khối u, sỏi đường tiết niệu... Người bệnh nên uống nhiều nước 1-2 lít mỗi ngày, giữ vệ sinh, tăng cường dinh dưỡng để nhanh lành bệnh và tránh tái phát.

Bệnh cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng tổn thương đơn vị chức năng của thận. Biểu hiện chính của viêm cầu thận là phù, tiểu máu, tiểu đạm, đái ít và tăng huyết áp. Sau khi làm các xét nghiệm mà các biểu hiện của bệnh vẫn tiến triển và vẫn tồn tại sau 3 tháng được coi là viêm cầu thận mạn tính. Có nhiều bệnh cầu thận cấp tính hoặc mạn tính do tổn thương nguyên phát hoặc thứ phát. Trong đó các bệnh cầu thận thường hay gặp là:

- Bệnh cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn: Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 5-10 tuổi, chủ yếu hay mắc là sau khi bị viêm họng, mắc các bệnh ngoài da ghẻ lở (do liên cầu), trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái.

- Bệnh cầu thận IgA: Chiếm 15 - 40% các bệnh cầu thận, đây là bệnh hay gặp ở châu Á. Với các biểu hiện đặc trưng có những đợt tiểu tiện ra máu tái phát thành nhiều đợt, tăng huyết áp nhẹ, bệnh tiến triển chậm, có 50% bệnh nhân sau thời gian khá dài (có thể 20 năm) diễn biến thành suy thận.

- Hội chứng thận hư: Nước tiểu có nhiều protein phù có thể tăng huyết áp, gây nhiều rối loạn chuyển hoá như: rối loạn chuyển hoá lipid, rối loạn quá trình đông máu. Cần đề phòng biến chứng nhiễm trùng và tắc mạch.

- Bệnh cầu thận tiến triển nhanh: Còn gọi là viêm cầu thận bán cấp, biểu hiện chính của bệnh là tiểu ra máu, huyết áp tăng cao bệnh nhân sẽ sớm phải thay thận.

- Bệnh cầu thận mạn tính: Bệnh diễn biến từ từ làm cho thận bị xơ hoá và teo nhỏ dần. Đây là một trong những triệu chứng bệnh lý hay gặp huyết áp tăng liên tục, thoát protein...

- Bệnh cầu thận thứ phát: Nguyên nhân gây tổn thương bao gồm.

+ Luput ban đỏ, hệ thống ban dạng khớp

+ Đái tháo đường. Thận là cơ quan bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất, dấu hiệu đầu tiên là đạm niệu, vì vậy bệnh nhân đái tháo đường bắt buộc phải làm xét nghiệm tìm đạm niệu để phát hiện sớm và kịp thời tránh bị nguy cơ suy thận giai đoạn cuối.

+ Xơ cứng bì.

+ Viêm mút quanh động mạch

+ Sau dùng thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch (một trong những biến chứng do dùng thuốc cản quang là suy thận và chiếm 30% trường hợp suy thận). Biểu hiện sau khi dùng thuốc bệnh nhân bị dị ứng mẩn ngứa, đỏ da.... sau từ 1-3 ngày có biểu hiện suy thận, tiểu ít, nước tiểu màu sẫm, nặng là vô liệu, đau mỏi sống lưng, đau đầu mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn,...

- Bệnh cầu thận bẩm sinh do di truyền. Do hội chứng Alport bệnh cầu thận kèm theo điếc tai có tính di truyền.

U tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến thuộc hệ thống  sinh dục nam. Sau 50 tuổi nam giới hay bị u tuyến này. Tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi. Phì đại lành tính tuyến tiền liệt hay gặp hơn ung thư. Khi khối u tăng lên chèn ép vào hệ thống tiết niệu gây bí đái, rối loạn tiểu tiện và tạo điều kiện để vi khuẩn gây bệnh phát triển. Biểu hiện chính là đái ngắt quãng, đái vội, đái không hết. Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh này nhưng cần theo dõi sát và thận trọng vì thường là ở người có tuổi, hoạt động của các cơ quan như gan, thận đã giảm dễ tăng nguy cơ ngộ độc. Khi điều trị thuốc không kết quả hoặc khối u quá to hoặc khối u ác tính cần phẫu thuật điều trị triệt để, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Viêm tinh hoàn

Người bệnh đột ngột thấy đau tinh hoàn, đau lan lên bẹn, có thể kèm theo sốt cao và nôn mửa. Nguyên nhân là do vi khuẩn tới tinh hoàn qua đường máu, qua hệ thống bạch huyết hoặc từ vùng lân cận. Thông thường hay gặp là vi khuẩn gram âm, ngoài ra còn do trực khuẩn lao, xoắn khuẩn giang mai. Trong trường hợp bệnh lây qua quan hệ tình dục, tác nhân tìm thấy thường là lậu cầu Chlamydia. Tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh sẽ có kháng sinh phù hợp để điều trị, cần tránh tình trạng kháng kháng sinh. Phải  điều trị đúng cách và kịp thời nếu không tinh hoàn sẽ bị hóa mủ thành áp xe và có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Một loại viêm tinh hoàn khác gặp ở lứa tuổi trẻ hơn là viêm tinh hoàn do virut quai bị. Virut này tấn công vào mang tai gây viêm  tuyến mang tai, sau ba đến bốn ngày virut theo đường máu tới tinh hoàn. Lúc này bệnh nhân thấy tinh hoàn bắt dầu sưng to và đau, bên ngoài có thể thấy tràn dịch. Người bệnh cũng hay sốt cao 39-40oC. Hậu quả của tổn thương này là phá hủy tổ chức tạo tinh trùng và gây vô sinh. Vì vậy khi viêm tuyến mang tai mà có đau tinh hoàn phải khám ngay tại các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Cách đề phòng tốt nhất là tiêm vaccin ngay khi còn nhỏ.

Bác sĩ Vũ Hoàng Minh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm