Tam giác An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang nằm trong khu vực ĐBSCL, là tiểu vùng có tài nguyên du lịch khá đặc sắc, điển hình so với các địa phương còn lại của khu vực.
Chợ nổi Cái Răng là địa chỉ rất quen thuộc khi nói đến du lịch Cần Thơ.
Thiếu trầm trọng nhân lực đã qua đào tạo
Cần Thơ với du lịch sông nước, miệt vườn. An Giang với lợi thế về du lịch tâm linh với Khu du lịch Bà chúa Xứ-Núi Sam. Kiên Giang từ lâu đã rất nổi tiếng với đảo ngọc Phú Quốc. Đặc sắc trong sự đa dạng, thống nhất trong sự khác biệt đó chính là lợi thế cạnh tranh về du lịch của tiểu vùng tam giác An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang, thu hút tới 63% lượng khách du lịch nội địa và 30% lượng khách du lịch quốc tế đến vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, hiện cản trở lớn nhất đến sự phát triển của tam giác du lịch này đó là nguồn nhân lực.
Nhận định về chất lượng nguồn nhân lực du lịch của ĐBSCL hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cần Thơ Đặng Tiến Hùng nhấn mạnh nơi đây đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực đã qua đào tạo.
Hiện nay, khối khách sạn tại Cần Thơ mới có khoảng 50% và lữ hành trên 20% nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, từ nay tới năm 2020, TP. Cần Thơ cần tới 9.800 người lao động trực tiếp trong ngành du lịch; lao động gián tiếp ngoài xã hội là 19.600 người - một con số không hề nhỏ trong bối cảnh du lịch vùng đang phát triển mạnh mẽ.
Trên thực tế, trên cả hai lĩnh vực lưu trú và lữ hành, vấn đề đáng quan ngại nhất là sự thiếu hụt nguồn lao động có đủ năng lực. Mặc dù tỷ lệ các đánh giá cho rằng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc chiếm đa số, vẫn có ít nhất khoảng 10-20% số nhân viên trong lĩnh vực lưu trú và có gần 50% số nhân viên trong lĩnh vực lữ hành được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
PGS. Lê Việt Dũng (Đại học Cần Thơ) cũng cho rằng, nguồn nhân lực ở vùng ĐBSCL, nhất là 3 tỉnh Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang đang thiếu và yếu nghiêm trọng. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực trong quá trình phát triển du lịch là điều cần phải làm ngay.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp (DN) và cả địa phương là khó khăn về nguồn lực đào tạo. Hiện cơ sở đào tạo nhân lực du lịch của khu vực ĐBSCL nói chung và tam giác An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang không nhiều.
Thay đổi kỹ năng và nhận thức
Nhận thấy nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực để phát triển của du lịch khu vực tam giác du lịch, từ năm 2014, Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã hỗ trợ cả về vật chất cũng như chuyên môn giúp các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua bộ Tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS).
Theo chuyên gia của Dự án, ông Hoàng Nhân Chính, xác định rõ lợi thế sản phẩm du lịch của 3 tỉnh là du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn đào tạo làm du lịch cho cả người dân và cán bộ địa phương cấp xã, huyện cũng như các Sở VHTT&DL.
Hiện tại, An Giang và Cần Thơ đã hình thành 2 mô hình du lịch cộng đồng tốt để tiếp tục nhân rộng ra trong toàn vùng là Cù Lao ông Hùm (An Giang) và Làng du lịch cộng đồng An Khánh (Cần Thơ).
Dự án cũng hỗ trợ thành lập 2 trung tâm đào tạo du lịch tại Cần Thơ và Kiên Giang từ tài liệu tập huấn, chuyên gia giảng dạy cũng như trang thiết bị máy móc (máy chiếu, máy tính).
Không chỉ trực tiếp giảng dạy hướng dẫn cho 450 người dân từ các hộ nông dân làm du lịch cộng đồng cách phục vụ du khách, các tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng dịch vụ, kỹ năng phục vụ du khách, Dự án cũng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực về chính sách và thể chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và hợp tác công tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Sau 3 năm đã có 37 lượt cán bộ của các Sở VHTT&DL, 550 người đang công tác tại các doanh nghiệp (khách sạn, lữ hành, nhà hàng) được nâng cao năng lực quản lý, 200 cán bộ cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao nhận thức về du lịch. Dự án cũng đào tạo nâng cao năng lực cho 35 lượt giáo viên của các trường đào tạo du lịch ở 3 địa phương để tạo nguồn lâu dài bền vững, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho vùng sau khi Dự án kết thúc. Đây là những nền tảng để nâng cao ý thức về sự cần thiết của việc đào tạo cũng như các “hạt nhân” cơ bản để nhân rộng các mô hình đào tạo nhân lực du lịch cho địa phương, doanh nghiệp.
Song song với nâng cao nhận thức về nghề, kỹ năng làm du lịch, Dự án cũng chú trọng bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm về làm du lịch bền vững cho cán bộ và người dân.
Tại Tọa đàm Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tổ chức vào tháng 7 vừa qua tại Cần Thơ, các doanh nghiệp địa phương, cán bộ các sở VHTT&DL, người dân đều đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả những khoá đào tạo của dự án EU tại khu vực.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), đến năm 2020, 13 tỉnh ĐBSCL sẽ cần tới 207.900 lao động du lịch, trong đó 75.400 lao động trực tiếp và 132.500 lao động gián tiếp.
Hy vọng với những hạt nhân mà Dự án EU đã gieo trong 3 năm qua, khu vực tam giác An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang sẽ nhân rộng và phát huy tốt để nâng dần chất lượng cũng như số lượng nhân lực du lịch đã qua đào tạo, góp phần phát triển bền vững du lịch khu vực tam giác du lịch nói chung và ĐBSCL nói riêng.
ST