Cập nhật: 31/07/2016 10:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lần đầu tiên, có một cuộc thi mà ở đó, lớp người trẻ mang dòng máu Lạc Hồng đang học tập, làm việc ở nước ngoài được trực tiếp đóng góp ý tưởng, sáng kiến, giải pháp thiết thực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc bằng những hành động cụ thể.

Chiến sĩ trẻ Hoàng Đình Tiến trực gác tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa.

Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ thuở cha ông lập nước, các hải đảo và quần đảo cùng đất liền đã tạo ra môi trường sinh tồn, phát triển đời đời của dân tộc. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng đối với mỗi người con nước Việt. Nhằm tạo cơ hội cho lớp người trẻ xa quê hương thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, ngày 13-7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động cuộc thi viết “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.

Việc lựa chọn đối tượng dự thi là người Việt Nam tuổi từ 16 đến 35 đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, cho thấy định hướng quan trọng của cuộc thi: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long cho biết: Ban tổ chức hướng tới đối tượng dự thi là lực lượng trí thức trẻ, đặc biệt là những thanh niên, sinh viên đang nghiên cứu về lĩnh vực lịch sử, ngoại giao, luật pháp quốc tế… Họ là lớp người tâm huyết với lịch sử nước nhà, có khả năng tiếp cận nhiều tư liệu quý giá, cơ sở vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Nội dung cuộc thi xoay quanh các vấn đề thiết thực, như sưu tầm, cung cấp thông tin tư liệu, tài liệu lịch sử và pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đề xuất, giới thiệu sáng kiến, ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học của thanh niên, sinh viên trong việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Để mở rộng phạm vi cuộc thi, ban tổ chức đã không hạn chế số lượng bài dự thi đối với các tác giả, nhóm tác giả. Bên cạnh đó, mặc dù là cuộc thi viết, nhưng các thí sinh vẫn có thể sử dụng tư liệu kèm theo dạng ảnh minh họa, bản đồ... Đặc biệt, ngoài những giải thưởng có giá trị, các tác giả đoạt giải cao sẽ được tham gia đoàn công tác ra thăm huyện đảo Trường Sa. Phần thưởng này là cơ hội để những người con đất Việt xa quê hương được tiếp xúc, chứng kiến sự dũng cảm, kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mà cha ông để lại của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa.

Lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi đưa ra thông điệp: Đất nước đang cần sự đóng góp của lớp người Việt trẻ trên khắp thế giới, thông qua những hành động cụ thể, gắn với tình hình thực tế. Những bài dự thi của các thí sinh chính là nguồn tư liệu nhằm bổ sung và hoàn thiện kho dẫn chứng lịch sử, pháp lý quan trọng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, các sáng kiến, giải pháp của lực lượng trí thức trẻ sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay.

Bài và ảnh: LINH PHAN

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm