Cập nhật: 01/08/2016 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Liên tiếp 2 lần được chọn tham dự hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc, câu chuyện của anh Bùi Ngọc Lượng vẫn luôn mới, nhận được sự thán phục của người nghe.

Anh Bùi Ngọc Lượng xem những kỷ vật mà anh lặn nhặt được ở ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: baoquangngai.vn

Câu chuyện của thương binh Bùi Ngọc Lượng (quê ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng là bản “báo cáo thành tích cá nhân” của anh tại hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016 diễn ra ngày 23/7 vừa qua tại TP. Cần Thơ:

“Tôi sinh năm 1961, trong một gia đình ngư dân có truyền thống cách mạng. Cha mẹ tôi sinh được 5 người con, tôi là con trưởng. Kinh tế gia đình rất khó khăn, nên ngay từ nhỏ, ngoài những buổi đến trường, hằng ngày, tôi phải phụ giúp, đỡ đần cha mẹ kiếm sống bằng những công việc như gỡ lưới, phân loại cá, lo toan cho các em.

Năm 1979, tôi xung phong đi nghĩa vụ quân sự, làm chiến sĩ tình nguyện tại chiến trường Campuchia thuộc đơn vị 21, Trung đoàn 20, Sư đoàn 307, Quân khu V.

Ở chiến trường được 3 năm, trong một lần tham gia đánh địch, tôi bị thương nặng, mất một chân và được đưa về nước để điều trị tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu V. Sau đó, tôi được quân đội cho về an dưỡng ở Đoàn 979, đóng tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Đến năm 1982, tôi về sinh sống ở địa phương, lập gia đình riêng và có được ba đứa con, hai trai một gái. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi, là chỗ dựa và động lực thúc đẩy tôi phấn đấu vượt qua những cơn đau nhức do thương tật hành hạ.

Về với đời thường ở quê hương, cuộc sống gia đình túng trước hụt sau, bí bách trăm bề. Nhiều lúc tôi cảm thấy bi quan, chán nản. Nhưng rồi, với những ký ức chiến trường, nghĩ về bạn bè, đồng đội hy sinh, nghĩ về lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi quyết tâm phấn đấu vượt qua nghịch cảnh. Tôi quay trở lại nghề biển. Lúc này nghề cá ở xã Bình Châu đang phát triển mạnh với những con tàu chuyên đánh bắt hải sản xa bờ tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Tôi nhiều lần dò hỏi xin các chủ tàu cho “đi bạn” để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình nhưng chỉ nhận được những lời từ chối, những cái lắc đầu, vì mọi người đều cho rằng, tôi là người tàn phế, không thể làm những công việc nhọc nhằn trong sóng gió biển khơi, đi theo tàu làm gì cho tốn công.

Sau nhiều lần kiên trì năn nỉ, ước vọng của tôi cũng được một chủ tàu chấp nhận cho đi cùng chuyến biển để thử thách. Ngay chuyến biển đầu tiên này, tôi đã cố gắng và khẳng định được sức khỏe cũng như tinh thần, sự cần cù, chăm chỉ lao động. Tôi là người đánh bắt được số hải sản cao hơn hẳn các bạn chài cùng đi trên tàu, khiến mọi người nể phục và quý mến. Từ đó về sau, nhiều chủ tàu điện gọi tôi cùng “đi bạn” cho họ.

Năm tháng trôi qua, miệt mài, tận tụy với những con tàu đi khai thác hải sản xa bờ tìm kế sinh nhai, tôi học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, dành dụm được một số vốn nhất định theo kiểu “tích tiểu thành đại”.

Năm 1990, tôi bàn với vợ và quyết định sắm một chiếc ghe máy để tự mình làm thuyền trưởng, chủ động ra khơi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa hành nghề. Từ khi có chiếc ghe riêng, sau một chuyến ra khơi đánh bắt, khấu trừ xong chi phí, tôi tích góp được khoảng 10-15 triệu đồng.

Đời sống ngày một khấm khá, có của ăn, của để, đủ điều kiện để chăm lo con cái. Năm 2004 tôi dồn sức đóng mới một con tàu công suất lớn, trị giá gần một tỷ đồng để tiếp tục vươn khơi bám biển dài ngày. Thu nhập của gia đình nhờ thế đã tăng lên rõ rệt, bình quân mỗi năm từ 100-150 triệu đồng, người lao động trên tàu cá của tôi cũng có thu nhập khá cao...

Cùng với việc ra sức phát triển kinh tế gia đình, tôi tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân.

Là hội viên Hội Cựu chiến binh, thương binh 3/4, bệnh binh 2/3, tôi luôn tâm niệm phải hết sức cố gắng trong công tác vận động hội viên và nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là trong điều kiện hiện nay. Dù thế nào cũng phải bám biển Hoàng Sa, Trường Sa để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt thiêng liêng của Việt Nam, là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của chúng ta. Mình có chính nghĩa, có lẽ phải, được thế giới ủng hộ. Vì thế tôi luôn cùng anh em hội viên Hội Cựu chiến binh địa phương hành nghề cá, quyết tâm bám biển.

Đời sống vật chất lẫn tinh thần của gia đình tôi đang ngày càng được nâng lên. Công việc làm ăn tuy có bề bộn, tất bật, song tôi vẫn không quên trách nhiệm của một hội viên cựu chiến binh. Tôi tích cực tham gia các hoạt động của hội; các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn. Tôi đã được Huyện ủy Bình Sơn công nhận là điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2013; là một trong 7 ngư dân của tỉnh tham gia hội nghị ngư dân tiêu biểu khu vực miền Trung năm 2012.

Những kết quả mà bản thân tôi đã làm được trong thời gian qua so với những đồng đội, hội viên khác trong huyện, trong tỉnh chưa phải là nhiều. Tôi luôn tự răn mình phải cố gắng phấn đấu tốt hơn để có thể làm giàu chính đáng cho gia đình và phát huy mạnh mẽ phẩm chất truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ, sống có ích cho cộng đồng, nghĩa tình chung thủy với đồng đội".

Xin kết lại câu chuyện của anh Bùi Ngọc Lượng bằng một nhận xét của ngư dân Nguyễn Việt ở xã Bình Châu: “Tuy mất đi một chân, nhưng trong lao động thì khó ai địch nổi anh ấy. Có thể trên bờ anh ấy không đi, không chạy bằng ai, nhưng dưới nước thì khó ai theo kịp. Nghị lực vượt lên số phận của anh ấy là động lực tiếp sức cho chúng tôi hăng say lao động trên những phiên biển”.

Đức Tuân

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm