Thời tiết giao mùa nên nhiệt độ thay đổi thất thường. Một ngày mà có đến mấy loại thời tiết: sáng đi lạnh thế mà đến trưa nhiệt độ tăng, nóng đến chảy mồ hôi, rồi đến tối về đêm nhiệt độ lại xuống thấp.
Khi trẻ bị ốm cần đưa trẻ đi khám bệnh để được tư vấn và dùng thuốc thích hợp. Ảnh minh họa
Thời tiết giao mùa nên nhiệt độ thay đổi thất thường. Một ngày mà có đến mấy loại thời tiết: sáng đi lạnh thế mà đến trưa nhiệt độ tăng, nóng đến chảy mồ hôi, rồi đến tối về đêm nhiệt độ lại xuống thấp. Chị Liên chép miệng: "Thời tiết thế này đến người lớn cũng chẳng chịu nổi chứ chẳng nói gì đến trẻ con". Chị than vãn vậy vì bé Mai con gái chị vừa lăn ra ốm. Cháu bị ho rồi sốt, nước mũi chảy ròng ròng. Chị đã cho con uống nước quất hấp với mật ong, chườm mát cho con mà vẫn không hết ho và sốt. Thấy tình trạng của con ngày một nặng thêm, ho nhiều, nghĩ đến chuyện đi bệnh viện phải xếp hàng, chờ đợi… mà thấy ngại nên chị Liên đã quyết định tự làm "bác sĩ" chữa bệnh cho con.
Chạy ù ra hiệu thuốc, chị mua về ba loại gồm: kháng sinh bactrim, thuốc ho toplexil và chống dị ứng chlorpheniramine và chắc mẩm: uống một lúc mấy loại thuốc thế này con sẽ nhanh khỏi bệnh.
Thế rồi, sau hai ngày dùng thuốc, chị Liên thấy con bị sốt cao hơn, người mệt lả, ăn uống lại kém đi. Đặc biệt chị thấy xuất hiện những bóng nước nổi lên khắp người. Ở môi, ở miệng thì trợt loét làm cho bé đau họng, khó nuốt và quấy khóc… Chị Liên hốt hoảng đưa con vào viện cấp cứu. Ngồi trong phòng cấp cứu, vừa giữ con để bác sĩ khám, vừa trả lời câu hỏi của bác sĩ mà nước mắt chị cứ chảy ròng ròng. Chị vẫn chưa hiểu tại sao con chị lại bị bệnh này mà lại diễn ra nhanh đến thế. Sau một hồi chẩn đoán bác sĩ cho chị Liên biết:
- Cháu bị dị ứng thuốc chị ạ. Với các biểu hiện này người ta gọi là hội chứng Stevens Johnson.
- Thế cái hội chứng này có nguy hiểm không bác sĩ?
- Đây là một dị ứng thuốc tương đối nặng và biến chứng thường khá nặng nề như có thể gây nhiễm trùng huyết, gây viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải… có thể dẫn đến tử vong nếu như không được cấp cứu, chữa trị kịp thời.
Nghe đến đây, mặt chị Liên tái đi, lo lắng. Thấy vậy, bác sĩ trấn an:
- Cho cháu vào đây rồi chị cứ yên tâm, chúng tôi sẽ điều trị tích cực cho cháu, dần dần cháu sẽ ổn.
Quả thật, sau gần hai tuần điều trị tích cực, bé Mai đã dần bình phục. Khi xuất viện bác sĩ không quên nhắc nhở:
- Khi trẻ bị ốm các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bệnh để được tư vấn, dùng thuốc thích hợp mà không nên tự ý làm bác sĩ để điều trị cho con sẽ rất nguy hiểm. Trường hợp trẻ đã từng bị dị ứng thuốc, phụ huynh cần thông báo cho bác sĩ khám bệnh biết để tránh dùng các loại thuốc đó và trong quá trình dùng thuốc nếu thấy có bất thường, nhất là khi trẻ nổi hồng ban trên da cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.
Nghe bác sĩ dặn dò, và từ bài học này, chị Liên cũng hú vía chẳng dám nghĩ tới việc tự mua thuốc về dùng nữa.
Hà Nguyên Cường
Theo suckhoedoisong.vn