Loạn nhịp nhanh gồm nhiều loại rối loạn nhịp khác nhau. Với mỗi loại đều có nguyên nhân, cơ chế gây loạn nhịp và biện pháp điều trị riêng nên việc chẩn đoán chính xác loại rối loạn nhịp nào là rất cần thiết.
Điều trị tim nhanh bằng sóng cao tần.
Loạn nhịp nhanh gồm nhiều loại rối loạn nhịp khác nhau. Với mỗi loại đều có nguyên nhân, cơ chế gây loạn nhịp và biện pháp điều trị riêng nên việc chẩn đoán chính xác loại rối loạn nhịp nào là rất cần thiết. Nếu như có bất kỳ dấu hiệu nào gợi ý tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế chuyên về tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tình trạng bệnh lý này.
Thế nào là cơn tim nhanh?
Bình thường, nhịp tim của chúng ta vào khoảng 60 - 100 chu kỳ trong 1 phút. Khi gắng sức, nhịp tim của chúng ta có thể tăng lên trên 100 chu kỳ/phút để giúp cung cấp máu đủ cho cơ thể hoạt động trong tình trạng gắng sức. Ở những người có bệnh lý cơn tim nhanh, nhịp tim đột ngột tăng nhanh lên tần số từ 140 đến trên 200 chu kỳ/phút. Lúc này, ngay cả không hoạt động thì nhịp tim bạn vẫn rất nhanh. Các triệu chứng như hồi hộp, tim đập dồn dập như trống ngực, cảm giác chẹn ngực, khó thở xuất hiện làm chúng ta phải đến gặp bác sĩ để được điều trị.
Không thể trì hoãn đến bác sĩ chuyên khoa khám bệnh
Rối loạn nhịp nhanh gồm nhiều loại với cơ chế và cách điều trị khác nhau. Triệu chứng cũng khá đa dạng với cảm giác trống ngực, hồi hộp, đau ngực, khó thở. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không đến cơ sở y tế chuyên về tim mạch để chẩn đoán và điều trị kịp thời?
Thông thường, các rối loạn nhịp nhanh nếu không được điều trị triệt để, các cơn nhịp nhanh sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng mau hơn, thời gian kéo dài, cơn sẽ ngày càng dài làm cho chúng ta khó chịu, thậm chí lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng suy tim hay bệnh lý tắc mạch: mạch não, mạch chi… do sự hình thành huyết khối ở loại bệnh lý rung nhĩ mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Và sẽ như thế nào nếu chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm như nhịp nhanh thất hay tim nhanh trên thất với tần số rất nhanh gây tụt áp, có thể ngất, thậm chí là tử vong. Vì vậy, nếu có bất kỳ biểu hiện nào của cơn tim nhanh, hãy đến gặp bác sĩ.
tim nhanh.
Điều trị triệt để bằng năng lượng sóng có tần số radio
Sau khi bác sĩ chẩn đoán loại rối loạn nhịp nào bạn mắc phải, các bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn những phương pháp điều trị tối ưu như dùng thuốc hay làm các biện pháp điều trị xâm lấn như triệt đốt cơn tim nhanh bằng năng lượng sóng có tần số radio sau khi đã thăm dò điện sinh lý cho bạn.
Điều trị triệt đốt rối loạn nhịp nhanh bằng năng lượng sóng có tần số radio là tiến bộ của y học, giúp bạn triệt bỏ hoàn toàn rối loạn nhịp gây khó chịu mà không cần phải uống thuốc hay mang thuốc theo bên mình nữa, phương pháp này có tỉ lệ thành công cao, đặc biệt là với cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (thành công 95-99%) mà nguy cơ tai biến thường là rất thấp, dưới 1-2%.
Phương pháp an toàn và hiệu quả
Các nghiên cứu cho thấy phương pháp triệt đốt cơn tim nhanh bằng năng lượng sóng có tần số radio tương đối an toàn và hiệu quả. Tỷ lệ thành công cao và biến chứng rất thấp, dưới 1-2%. Sự an toàn của phương pháp có được là do cơ chế gây tổn thương gây nóng mô bằng ma sát do dao động của các ion chứ không phải truyền nhiệt trực tiếp qua đầu ống thông cho phép khu trú tổn thương mô tim trong vòng vài milimet đường kính và độ sâu. Hơn nữa, quá trình đốt điện được kiểm soát bởi đồng thời nhiều thông số như cường độ, năng lượng đốt, nhiệt độ và điện trở mô… Hệ thống ngắt tự động sẽ được kích hoạt nếu các thông số này vượt qua ngưỡng an toàn được cài đặt. Thường thì cường độ năng lượng đốt thay đổi từ 10-50 W, nhiệt độ đầu ống thông đốt được duy trì khoảng 60-70 độ C và trở kháng mô dao động từ 80-120 Ohm. Chính vùng tổn thương nhỏ và được kiểm soát bằng nhiều yếu tố giúp gia tăng độ an toàn của phương pháp này. Vì vậy, đây là phương pháp tương đối an toàn.
Những việc cần làm sau khi điều trị bằng sóng cao tần
Sau khi tiến hành triệt đốt cơn nhịp nhanh bằng sóng năng lượng có tần số radio cho bạn xong, các dụng cụ như điện cực chẩn đoán, catheter đốt... sẽ được rút hoàn toàn ra khỏi cơ thể bạn. Vùng kim chọc được băng ép lại cho không chảy máu. Sau đó, bạn được đưa về phòng theo dõi và bất động phần đùi có vết chọc trong khoảng 6-8 giờ. Bạn được theo dõi xem có biến cố của thủ thuật không, vùng chọc có bị chảy máu không... và thường nếu không có gì đặc biệt, sau khoảng 1 ngày, bạn có thể xuất viện. Khi về nhà, bạn sẽ tự theo dõi xem có bất kỳ bất thường nào không như đau ngực, khó thở hay còn cơn nhịp nhanh tái diễn hay không. Nếu có bất kỳ bất thường nào, bạn nên gặp lại bác sĩ. Thường thì sau khi điều trị sóng cao tần thành công, bạn sẽ cần phải uống aspirin trong vòng 2 tuần lễ. Sau đó, bạn có thể không phải dùng bất cứ thuốc nào trừ khi bạn có các bệnh lý khác mà các bệnh lý này cần bạn phải uống thuốc.
TS.BS. Phạm Như Hùng
Theo suckhoedoisong.vn