Mỗi khi về mảnh đất Trà Lâm, xã Trí Quả (Thuận Thành), những người con xa quê hay khách đến thăm làng đều không quên mang theo món quà quê bình dị mà nặng nghĩa, nặng tình-Đậu gù Trà Lâm.
Tương truyền rằng, năm 1640, ven dòng sông Dâu, Thiền sư Chuyết Chuyết đi từ chùa Phật Tích sang chùa Bút Tháp đã truyền nghề làm đậu cho bà con Trà Lâm. Kế tục đời này qua đời khác, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn miệt mài sớm khuya với nghề đậu phụ và phát triển chăn nuôi.
Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thái ở Sài Đồng, Gia Lâm lặn lội về thôn Trà Lâm lấy đậu về giao cho các cửa hàng ở chợ Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Anh Thái kể: “Mỗi ngày tôi bán được 250-300 cái đậu. Hôm nào người mệt không đi, khách hàng gọi điện liên tục, bởi người dân các khu phố đã quen và thích ăn món đậu dân dã mà đậm đà hương vị quê…”. Đậu Trà Lâm thơm ngon, mát lành có mặt ở khắp các chợ đầu mối, các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Giang…
Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tám, được mục sở thị công việc làm đậu. Công đoạn tưởng giản đơn, nhưng để đậu thơm ngon chất lượng không phải chuyện dễ. Bao năm qua, sản phẩm đậu Trà Lâm nức tiếng một vùng, hẳn phải có bí quyết gia truyền, chúng tôi hỏi. Bà Tám mỉm cười bảo: “Cũng chẳng có gì nhiều, điều quan trọng là đun bột đủ lửa, tạo men hợp lý và chắt bột non sẽ tạo đậu ngon, bảo quản lâu hơn”. Trước kia, đậu Trà Lâm chỉ đơn thuần được làm theo phương pháp thủ công thô sơ, không hiệu quả. Những năm gần đây, do tiếp xúc công nghệ mới, tìm được nguồn tiêu thụ, thương hiệu đậu gù Trà Lâm được nhiều nơi biết đến như một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình hàng ngày.
Hiện nay, thôn có gần 400 hộ làm nghề đậu, chiếm hơn 80% số hộ. Mỗi gia đình nấu từ 15-40 kg đậu tương/ngày, trừ chi phí thu lãi từ 100-150 ngàn đồng/ngày. Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng thôn cho biết: “Xưa kia ao sen của làng nước trong xanh, các cụ thường lấy làm đậu, ngày nay Trà Lâm đã sử dụng nước sạch kết hợp máy móc như sử dụng nồi hơi, máy nghiền vừa nâng cao năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, giảm nhiệt lượng, tạo bước chuyển biến trong quá trình phát triển làng nghề”.
Làm đậu phụ thu lãi, phần bã còn lại là nguồn thức ăn tiện tích, kích thích tăng trưởng đối với chăn nuôi lợn thương phẩm. Theo ông Dư thì có thời điểm cả thôn nuôi đến 6.000 con lợn các loại, trung bình mỗi hộ nuôi từ 10-50 con, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Phát triển làng truyền thống kết hợp chăn nuôi gia súc đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Thế nhưng câu chuyện về bảo vệ môi trường sinh thái trong khu dân cư đang trở thành nỗi âu lo, bức xúc của chính quyền địa phương. Quanh thôn, cống thoát nước đặc quánh một mầu đen sì, hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Dư cho rằng: “Tình trạng ô nhiễm chủ yếu là người dân đổ nước thải chăn nuôi ra cống tràn lan, kéo dài. Trong thời gian tới, chúng tôi vận động người dân xây dựng bể biôga làm chất đốt, nhằm bảo vệ môi trường sống”.
ST