Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM tiếp nhận 5.000 - 6.000 trẻ sinh non, nhẹ cân. Trong đó, có nhiều trẻ sinh rất nhẹ cân (nhỏ hơn 1.500g) và trẻ cực nhẹ cân (nhỏ hơn 1.000g).
Ảnh minh họa
Hiểu biết đặc điểm trẻ sinh non cũng như các nguy cơ các bé đối mặt chính là điều đầu tiên mà các bà mẹ cần trang bị trong hành trang làm mẹ của mình.
Cứu sống trẻ sinh non chỉ nặng 600g
Tháng 7 vừa qua, BV. Từ Dũ TP.HCM vừa tiếp nhận điều trị cho trẻ sinh non chỉ nặng 600g. Đó là trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Thúy Hằng (23 tuổi, ở Bến Tre). Thai chỉ được 25,5 tuần tuổi, chị Hằng sinh được một bé gái nặng 600g; nhưng sau sinh, sức khỏe của cả hai mẹ con đều yếu nên cả 2 mẹ con được chuyển ngay đến BV. Từ Dũ để có chế độ chăm sóc đặc biệt. Sau 44 ngày điều trị tích cực nhờ hỗ trợ hô hấp và truyền dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, bé gái đã có chuyển biến tốt và tăng được 1,35kg.
Đến các BV. phụ sản và BV Nhi, rất dễ gặp những trường hợp trẻ sinh thiếu tháng. Có những em bé, sinh ra chỉ nặng hơn 1.000g, không tự ăn, tự thở được mà phải có sự hỗ trợ của máy móc. Các trẻ như vậy phải nằm trong phòng chuyên sâu sơ sinh 1 tháng mới có thể chuyển ra ngoài điều trị tiếp, nếu bé phát triển bình thường có thể sớm xuất viện.
Trẻ sinh non tháng thường có các biến chứng về hô hấp, bệnh màng trong, hạ đường huyết, hạ canxi huyết, ngưng thở, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, xuất huyết, thiếu máu thứ phát, xuất huyết não, vàng da, viêm ruột hoại tử. Chính vì thế, ngay từ khi sinh ra, trẻ sinh non cần được khám và chẩn đoán bệnh lý võng mạc, tuân thủ đúng lịch hẹn khám bệnh của bác sĩ. Việc tiếp theo là trẻ cần được theo dõi phản xạ bú, khả năng dung nạp qua đường tiêu hóa, vấn đề tăng cân, tăng chiều dài, tăng vòng đầu. Nếu trẻ trong chương trình Kangaroo tại BV. Từ Dũ phải chú ý tái khám theo dõi thể chất, tâm sinh lý và chích ngừa cho đến ít nhất 30 tháng tuổi.
Nếu việc chăm sóc và dinh dưỡng không đảm bảo, trẻ sinh non phải đối mặt với nguy cơ tử vong và dị tật rất cao. Về lâu dài, trẻ sinh non có thể phát triển chậm so với trẻ khác đến ba năm và có trí tuệ kém, gặp khó khăn về ứng xử khi đến trường. Bên cạnh đó, trẻ sinh non có tỉ lệ bị tự kỷ thiểu năng trí tuệ, bại não, các bệnh phổi mạn cao hơn trẻ sinh đủ tháng và khả năng nghe và nhìn cũng kém hơn.
Chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt
Trẻ sinh non vẫn có thể phát triển tốt như trẻ sinh đủ tháng nếu các bà mẹ thực hiện đúng các nguyên tắc chăm sóc riêng. Mục tiêu đề ra là khi xuất viện, trẻ ít nhất phải tăng cân nhiều hơn 18g/1 ngày trong ba ngày liên tiếp và không còn biểu hiện của bệnh tật.
Sữa mẹ là dinh dưỡng hoàn hảo, tuy nhiên đối với trẻ sinh non hàm lượng các chất thiết yếu như đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng trong sữa mẹ không đủ để đáp ứng nhu cầu cho tốc độ phát triển “bắt kịp” như trẻ còn nằm trong bào thai. Nếu không có sữa mẹ hoặc nếu sữa mẹ không đảm bảo về chất và lượng, nên dùng thêm sữa đặc biệt dành cho trẻ non tháng. Các sữa này phải đảm bảo giàu năng lượng, giàu đạm nhưng dễ tiêu hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh của trẻ non tháng.
Cách tốt nhất là chăm sóc trẻ sinh non theo giờ, mỗi ngày ăn 8 - 12 bữa và phải cho trẻ ăn ngay cả khi trẻ ngủ (vì trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều).Trong vòng 2 - 3 ngày đầu về nhà, lượng sữa trong mỗi bữa ăn của bé nên duy trì như khi ở bệnh viện, chưa nên tăng ngay. Đợi đến khi bé thích nghi với môi trường sống ở nhà, mới được tăng lượng sữa dần dần vì sự thay đổi môi trường sống ảnh hưởng rất lớn tới bé sơ sinh, đặc biệt là ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của dạ dày. Ngoài ra, đảm bảo vệ sinh khi chăm sóc trẻ sinh non cũng rất quan trọng. Cần rửa tay kỹ trước và sau chăm sóc trẻ, đảm bảo môi trường vệ sinh vì trẻ sinh non, nhẹ cân có sức đề kháng rất yếu, dễ bị nhiễm trùng.
PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân
Theo suckhoedoisong.vn