Cập nhật: 08/08/2016 08:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người thường mắc các triệu chứng về tiêu hóa như: đầy bụng, chậm tiêu… sau yếu tố căng thẳng thần kinh, mệt mỏi kéo dài. Căng thẳng có thể gây suy yếu hệ tiêu hóa và rối loạn hệ miễn dịch của đường ruột.


Stress là gì?

Stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Hay nói cách khác, stress là khả năng đương đầu với các biến cố trong cuộc sống.

Yếu tố thuận lợi gây stress:

- Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, và sự ô nhiễm…

- Những căng thẳng từ xã hội và gia đình: Thời hạn của công việc phải hoàn thành, các vấn đề tài chính, công việc, các bài trình bày, mâu thuẫu, yêu cầu về thời gian và sự tập trung sức lực vào công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè…

- Các vấn đề về thể chất: Thay đổi cơ thể, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng…

- Loại hình thần kinh của bạn: Đôi khi, cách chúng ta suy nghĩ hay phiên giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Thường đó là những suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ: nếu trượt đại học, tương lai của tôi thật mù mịt; Nếu tôi không làm được thì mọi người sẽ cười chê tôi…

stressStress có thể ảnh hưởng tới các bệnh đường tiêu hóa.

Các loại hình stress

Stress có thể ảnh hưởng đến bạn ở cả hai hình thức: ngay tức khắc (stress cấp tính) và theo thời gian (stress mạn tính)

Stress cấp tính (ngắn hạn) là sự phản ứng lại trong chốc lát của cơ thể đến bất kỳ trạng thái nào mà có vẻ như cực kỳ khắt khe và nguy hiểm. Mức độ stress của bạn còn phụ thuộc vào stress dữ dội như thế nào, lần cuối cùng trong bao lâu và bạn đối phó với tình trạng đó ra sao.

Hầu như qua một thời gian, cơ thể bạn nhanh chóng được hồi phục do stress cấp tính. Nhưng căng thẳng có thể gây ra nhiều vấn đề nếu nó xảy ra quá thường xuyên hoặc nếu cơ thể bạn không có khả năng để hồi phục. Với những người có vấn đề về tim, stress cấp tính có thể gây ra sự bất thường ở nhịp đập của tim (chứng loạn nhịp tim) hay thậm chí suy tim.

Stress mãn tính (dài hạn) gây ra bởi tình trạng căng thẳng hoặc các sự kiện kéo dài trong một thời gian dài. Điều này có thể bao gồm: có một công việc khó khăn hay đối phó với các dấu hiệu của bệnh mạn tính. Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe trước đó, thì stress có thể làm nó tồi tệ hơn.

Tác động của stress tới hệ tiêu hóa

Tác động của stress tới hệ tiêu hóa không chỉ dừng lại ở khó tiêu. Hệ tiêu hóa cực kỳ nhạy cảm với tâm trạng của con người. Stress  có thể khiến bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở hôi, rối loạn chức năng đại tràng. Trong đó, stress đóng vai trò lớn trong nhiều vấn đề về hội chứng rối loạn chức năng dạ dày ruột như: Hội chứng ruột kích thích (IBS), trào ngược dạ dày thực quản (GERD)…

Dạ dày và ruột thực chất có nhiều tế bào thần kinh hơn toàn bộ cột sống, do đó các bác sĩ coi hệ tiêu hóa là một “bộ não nhỏ”. Một xa lộ các dây thần kinh nối trực tiếp từ não tới hệ tiêu hóa, và thông tin được truyền đi hai chiều. Serotonin là một hormone rất quan trọng kiểm soát tâm trạng con người. Điều đáng chú ý là 95% hormone serotonin này nằm trong hệ tiêu hóa chứ không phải não.

Khi bị stress nặng, não sản sinh ra các hormone làm ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời sinh ra các steroid và andrenaline phục vụ cho việc chống chọi lại stress. Đôi khi các hormone này ảnh hưởng tới tâm trạng của bạn, làm cho bạn không muốn ăn gì khi bị stress. Một số trường hợp lại kích thích cơn đói của bạn, làm cho bạn cảm thấy thèm ăn khi bị stress. Mỗi người có mức độ và cách thức phản ứng khác nhau với stress, tuy nhiên có một số ảnh hưởng chung mà stress tác động lên hệ tiêu hóa.

Nếu bạn có các vấn đề về dạ dày, như bệnh trào ngược dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày, chứng ruột bị kích thích, stress có thể làm cho triệu chứng xấu đi.

Trên thực tế, hệ thần kinh trung ương của cơ thể kiểm soát quá trình tiêu hóa. Nếu bạn quá căng thẳng, hệ thần kinh trung ương sẽ ngừng lưu thông máu và gây co cơ, khó tiêu.

Stress có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa), ảnh hưởng tới nhu động ruột, ợ nóng, cản trở miễn dịch của đường ruột. Ngoài ra, stress còn góp phần gây ra các vấn đề về tiêu hóa sau: Khó tiêu, trào ngược dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, viêm đại tràng và bệnh Crohn…

Làm sao phòng ngừa các tác hại do stress?

Bất cứ một sang chấn tâm lý (stress) nào cũng có hai mặt. Phần tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển của con người, làm con người rắn rỏi, vững vàng trong cuộc sống. Phần tiêu cực ảnh hưởng rất lớn sức khoẻ nói chung và đặc biệt là hệ tiêu hoá nói riêng.

Để loại trừ stress bạn nên thực hiện như sau: Hạn chế những yếu tố thuận lợi có thể gây nên stress; Giữ cho thái độ và suy nghĩ đúng đắn. Điều quan trọng là thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những ý nghĩ tích cực, vì căng thẳng tâm lý là do những suy nghĩ tạo nên theo cách nhận thức hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta hành động và cảm nhận theo những gì chúng ta nghĩ; Hãy thay đổi cách nghĩ của bạn; Hiểu đúng vấn đề sẽ giúp bạn loại bỏ được những nỗi lo sợ, lo âu, oán giận, trầm cảm, buồn bã… mà hậu quả là căng thẳng tâm lý; Một chế độ ăn uống đầy đủ giàu chất dinh dưỡng như vitamin B1, B3 (niacin), B5, B6 và B12, C, E và D, axit folic (trong lá rau xanh), biotin, sắt, magiê, mangan, phôtpho, kali, selen, kẽm, protein, chất béo và tinh bột; Nghỉ ngơi hoàn toàn chủ yếu bằng cách thư giãn thực sự; Mỗi ngày tập luyện thể dục thể thao. Chạy hoặc đi bộ 30 phút mỗi ngày, bơi lội…

Nếu thực hiện những điều trên mà vẫn không hết căng thẳng, bạn nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị.

Nếu bạn bị các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng kích thích ruột, viêm loét dạ dày đồng thời thường xuyên bị stress, hãy sử dụng thuốc an thần để giúp bạn giảm bớt mức độ và ảnh hưởng của stress tới hệ tiêu hóa; Giảm tiết axit để tránh gây đau và loét đường tiêu hóa; Tăng cường miễn dịch và sức đề kháng của hệ tiêu hoá. Tuy nhiên dùng thuốc hướng thần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

ThS. BS. Đinh Hữu Uân

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm