Nhiều trường ĐH tốp đầu bất ngờ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển chỉ bằng điểm sàn.
Từ 1/8 các trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Đáng nói là, nhiều trường ĐH tốp đầu bất ngờ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển chỉ bằng điểm sàn. Phải chăng các trường chạy theo số lượng, buông chất lượng?
Lo “ảo”, trường tốp đầu vét thí sinh?
Thông tin một số trường được đánh giá cao và có điểm chuẩn hằng năm khá cao nhưng năm nay lại bất ngờ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyền (HSXT) là 15 điểm đã khiến cho nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn. Cụ thể, tất cả các trường và khoa thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (trừ một số ngành), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Cần Thơ… đều nhận HSXT ở mức 15 điểm.
Câu hỏi được đặt ra là, tại sao một cơ sở đào tạo lớn như ĐHQG TP.HCM lại có mức điểm nhận HSXT bằng các trường ở nhóm cuối. Lý giải về điều này TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng, việc nhận HSXT từ 15 điểm không phải là “vơ vét” thí sinh, vì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đã được công bố cố định trước đó.
Điểm nhận HSXT và điểm trúng tuyển là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất hiện nay với những trường tốp trên sẽ bị trúng tuyển “ảo” vì các em có thể nộp hồ sơ vào 2 trường cùng lúc.
Không những thế, ngay cả một số trường hàng đầu của Hà Nội cũng sử dụng “chiêu” này. ĐH Y Hà Nội vừa công bố thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 18 trở lên có thể nộp HSXT vào trường. Việc trường này có mức điểm nhận HSXT quá chênh so với điểm chuẩn vào trường năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, trường làm như vậy sẽ khiến cho một số thí sinh có điểm thấp bị “mắc bẫy”, gây tốn kém cho các em một cách vô ích, các em không có khả năng trúng tuyển mà vẫn nộp HSXT.
Trước băn khoăn này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội giải thích, sở dĩ năm nay trường lấy điểm xét tuyển từ 18 điểm trở lên (năm 2015, trường lấy điểm xét tuyển đối với hệ bác sĩ là trên 21 điểm, đối với hệ cử nhân trên 18 điểm) nhằm tạo cơ hội cho các em có điểm thấp được vào trường.
Nhưng nếu điểm trúng tuyển cao hơn nhiều so với điểm xét tuyển thì trường cũng không làm sai quy định của Bộ. Việc nhận HSXT đối với thí sinh có điểm từ 18 sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Trước thực tế có nhiều thí sinh chỉ đạt điểm sàn nhưng vẫn nộp HSXT vào trường tốp trên, một số chuyên gia tư vấn tuyển sinh đưa ra lời khuyên, em nào chỉ đạt điểm sàn mà vẫn liều nộp HSXT vào những trường tốp trên thì dễ để vuột mất cơ hội, chỉ nên chọn trường CĐ hoặc ĐH ở địa phương là vừa sức. Chọn trường, ngành nên căn cứ vào lịch sử điểm chuẩn trong vài năm trước của trường, của ngành đó.
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ cho rằng: “Ở các nước, họ quy định ngưỡng đầu vào cho từng tốp trường ĐH để đảm bảo chất lượng đào tạo tương xứng. Nhưng ở ta, vẫn chưa quy định được nên mới xảy ra tình trạng trên. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Các trường hoàn toàn tự chủ trong vấn đề này. Có thể một số ngành trong trường sợ khó tuyển nên chỉ lấy mức điểm sàn của Bộ làm ngưỡng nhận hồ sơ.
Chạy theo số lượng, bỏ rơi chất lượng?
Có thể nói, một trong những lý do khiến các trường hạ điểm thấp bất ngờ như vậy là do năm nay số học sinh vào ĐH giảm khá nhiều, cộng với việc các trường lo bị “ảo” nhiều sẽ khó tuyển.
Mặc dù các trường này đều khẳng định việc nhận hồ sơ từ bao nhiêu điểm không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mà cái chính là điểm trúng tuyển.
Thế nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, thay vì định hướng chất lượng là: Ấn định một ngưỡng chất lượng tối thiểu cho trường mình, chẳng hạn, lấy trong 40% số thí sinh giỏi nhất (điểm trung bình là 20) và chấp nhận tuyển không đủ chỉ tiêu, thì nay các trường tên tuổi đã chuyển sang hướng số lượng. Nghĩa là, họ nhận hồ sơ từ điểm sàn, và tuyển cho đủ chỉ tiêu tính từ trên xuống.
“Thế là rõ, một dấu ấn mới của giáo dục đại học Việt Nam 2016: Khi trường tốp nhận kinh phí Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao phó, cũng buông để chạy theo số lượng” - ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT thẳng thắn nhìn nhận.
Có ý kiến kiến nghị, việc các trường tốp trên dùng chiêu này để vớt hết thí sinh, thậm chí cố tình tuyển vượt chỉ tiêu. Để chấm dứt tình trạng này, Bộ nên cắt luôn chỉ tiêu tuyển thừa năm đó, chứ không phải nộp phạt xong vẫn cho tồn tại.
Trả lời báo giới về bất cập này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Các trường có thể sử dụng hết chỉ tiêu, hoặc không. Nhiều trường vì hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng có thể tuyển ít đi. Năm nay, nếu nơi nào cố tình tuyển vượt thì không chỉ trường mà chủ tịch hội đồng tuyển sinh cũng bị xử lý./.
Theo Hoàng Dũng/Báo VOV.VN