Cập nhật: 07/08/2016 10:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Canxi là khoáng chất có vai trò quan trọng trong cơ thể. Khi vì một nguyên nhân nào đó gây ra tình trạng hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp bất thường),các hoạt động của cơ thể trên hệ thần kinh, tim mạch, cơ... sẽ bị ảnh hưởng!

Hạ canxi máu có thể gây mệt mỏi, trầm cảm. ảnh minh họa

Hạ canxi máu

Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp bất thường: khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,8mg/dl (2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặc canxi ion hóa dưới 4,7mg/dl (1,17mmol/l).

Canxi là một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể, là một trong những thành phần chính cấu tạo nên xương và răng. Ngoài ra, canxi còn tham gia vào quá trình đông máu, sự dẫn truyền thần kinh và hoạt động của cơ và tim mạch. Canxi có nhiều trong sữa, phô-mai, cá hồi… Khi nồng độ canxi trong máu giảm, sẽ gây ra tác động ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ thể.

Nguyên nhân:

Có nhiều nguyên nhân gây hạ canxi máu:

-Thiếu hụt canxi do chế độ dinh dưỡng kém, không cung cấp đủ nhu cầu hay do rối loạn hấp thu canxi của cơ thể.

- Thiếu hụt vitamin D do nguồn thực phẩm không cung cấp đủ hay do ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu, cần thiết cho sự hấp thu canxi ở ruột).

- Suy tuyến cận giáp ảnh hưởng đến sự sản sinh hoóc-môn tuyến cận giáp giúp điều hòa nồng độ canxi trong máu.

- Thiếu hụt magiê là khoáng chất cần thiết cho hoạt động của hoóc-môn tuyến cận giáp.

- Suy thận mãn tính làm giảm hấp thu canxi từ nguồn thực phẩm.

- Thuốc: một số loại thuốc trong quá trình sử dụng, sẽ gây ra tác dụng phụ làm hạ canxi máu như:

- Nhóm thuốc biphosphonat (alendronat, etidronat, ibandronat…). dùng điều trị loãng xương.

- Nhóm thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansoprazol, esomeprazole…) dùng điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng.

- Nhóm thuốc chống động kinh (phenytoin, phenobarbital, carbamazepin…)…

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ hạ canxi máu:

- Rối loạn tiêu hóa kéo dài ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi của cơ thể.

- Viêm tụy cấp.

- Nghiện rượu…

Triệu chứng:

Khi cơ thể bị hạ canxi máu, thường xuất hiện các triệu chứng:

- Co cứng cơ (tetany): co giật và cứng các cơ ở mặt, bàn tay, bàn chân.

- Co thắt cơ bắp (chuột rút) ở vùng lưng và chân.

- Gây ngứa và tê ở môi, lưỡi, ngón tay, và bàn chân.

- Rối loạn nhịp tim.

- Mất trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm…

Thuốc điều trị hạ canxi máu

Mục đích của việc điều trị hạ canxi máu là giúp nhanh chóng đưa nồng độ canxi trong máu trở lại bình thường. Các thuốc được sử dụng tùy theo nguyên nhân và mức độ hạ canxi máu:

Bổ sung canxi (ở dạng muối carbonat hay gluconat…) qua đường uống hay qua đường tiêm tĩnh mạch trong trường hợp hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt canxi.

Bổ sung vitamin D (colecalciferol, calcitriol...) qua đường uống hay đường tiêm tĩnh mạch trong trường hợp hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt vitamin D hay do suy tuyến cận giáp.

Bổ sung magiê (ở dạng muối lactat hay chlorit...) qua đường uống hay đường tiêm tĩnh mạch trong trường hợp hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt magiê.

Bổ sung các chế phẩm tương tự hoóc-môn tuyến cận giáp (Natpara, forteo…) trong trường hợp hạ canxi máu do thiếu hụt hoóc-môn tuyến cận giáp.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần áp dụng các biện pháp phòng tránh hạ canxi máu:

- Tăng cường chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu canxi như: sữa, sữa chua, ngũ cốc, phô-mai, cá hồi, tôm…

- Hạn chế sử dụng caffeine hay cồn do làm chậm khả năng hấp thu canxi của cơ thể.

- Không hút thuốc lá vì thuốc lá làm gia tăng đào thải canxi ra khỏi cơ thể.

- Tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng mặt trời, giúp cơ thể phòng tránh thiếu hụt vitamin D…

DS. MAI XUÂN DŨNG

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm