Trong những ngày qua, dư luận quốc tế tiếp tục đánh giá cao phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) trong vụ kiện của Phi-li-pin đối với Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.

Theo TTXVN, Tiến sĩ T.Hô-xô-đa, giảng viên luật quốc tế tại Trường đại học Tổng hợp Sác-lơ (CH Séc) đánh giá, phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là bước đi mang tính lịch sử trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa thể hiện tiếng nói của cộng đồng quốc tế, các bên liên quan cần phải tôn trọng và thực thi phán quyết này. Theo Tiến sĩ Hô-xô-đa, phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa Trọng tài gây thất vọng đối với cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài là hành động vô lý và khiến Trung Quốc bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
* Liên quan vụ kiện của Phi-li-pin đối với Trung Quốc về các tranh chấp tại Biển Đông, Giáo sư luật tại Trường đại học Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn (Mỹ), đồng thời là thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) Đ.Mớt-phi nêu rõ, Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) đã tạo những tiền đề, cơ sở pháp lý để các bên liên quan trong khu vực tiếp tục thảo luận và hợp tác trong tương lai. Theo Giáo sư Mớt-phi, những quan điểm của Tòa Trọng tài, trong đó có những giải thích về quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển, không chỉ đóng góp đối với việc giải quyết hòa bình những tranh chấp tại Biển Đông, mà còn cả với tranh chấp về biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới và cũng có đóng góp cho sự phát triển của luật quốc tế. Liên quan vấn đề thẩm quyền, Giáo sư Mớt-phi đánh giá, Tòa Trọng tài tại La Hay có đủ thẩm quyền và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Theo nhandan.com.vn