Cập nhật: 10/08/2016 08:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các bậc làm cha mẹ hãy vì đôi mắt trong sáng của các con mà chú ý đến góc học tập của các cháu đã đủ ánh sáng chưa? Bàn ghế đã đúng chưa? Các cháu ngồi học như thế nào?

Nên định kỳ khám mắt cho trẻ để phát hiện và điều trị cận thị.

Thời gian các cháu xem tivi bao lâu? Có sử dụng các phương tiện điện tử trong ngày học không? Đừng bắt các cháu ngay từ lớp 1 đã phải đi học thêm để rồi tiếp tục tình trạng trên cho những năm sau thì chẳng những con mình phải mang thêm đôi kính cận nặng chịch mà còn có thể bị rối loạn tâm thần một khi các cháu quá căng thẳng trong quá trình học tập.

Cận thị thường xuất hiện và tiến triển nhanh ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tuổi đến trường học. Ở Việt Nam, trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ 3 này, cận thị học đường đang có chiều hướng ngày càng tăng lên ở lứa tuổi học sinh các cấp học.

Tỷ lệ học sinh bị cận thị tăng lên theo cấp học. Học sinh các trường chuyên bị cận thị cao hơn học sinh các trường không chuyên; Học sinh đầu cấp học (lớp 1) đã bị cận thị (tỷ lệ từ 1-5%); Các cháu ở lứa tuổi mầm non đã xuất hiện cận thị; Trước đây, tỷ lệ học sinh nam bị cận thị cao hơn học sinh nữ, nhưng bây giờ tỷ lệ này đã ngang bằng, thậm chí có trường, học sinh nữ bị cận thị còn cao hơn học sinh nam; Những năm trước, tỷ lệ học sinh bị cận thị ở các thành phố, thị xã cao hơn học sinh nông thôn rất rõ, nhưng nay, sự chênh lệch này đã không còn lớn lắm.

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Do môi trường học tập của học sinh chưa tốt được thể hiện ở các điểm sau: chiếu sáng nơi học (phòng học, góc học tập) của các em chưa đủ sáng. Bàn ghế học tập không phù hợp với tầm vóc của học sinh.

Do tư thế khi ngồi học của học sinh sai trong các giờ học, nhất là khi viết bài hay làm bài tập, các em để mắt gần sát mặt bàn mà không được nhắc nhở.

Do các em quá “say mê” đọc những cuốn sách tranh hoặc truyện có cỡ chữ quá nhỏ hay vừa đi vừa đọc, vừa nằm vừa đọc, vừa học làm cho mắt chóng bị mỏi.

Do chương trình học tập chính khóa quá tải so với lứa tuổi các em như thời gian học tại lớp trong 1 ngày, 1 tuần tại trường quá dài (từ 6 - 7 giờ trong ngày hoặc 30 - 36 giờ trong tuần). Ngoài ra, các em còn  phải học thêm từ 1 - 2 buổi trong 1 tuần, do đó mắt càng bị căng thẳng thêm.

Hiện nay, học sinh từ nhỏ tuổi cho đến lớn tuổi đang có xu hướng sử dụng các loại thiết bị vi tính ngày càng nhiều và càng tăng cho nên con mắt vốn đã bị mỏi mệt trong quá trình học tập nay lại tiếp tục mệt mỏi thêm.

Nói tóm lại, đôi mắt của học sinh ngày hôm nay phải sử dụng quá nhiều trong học tập mà rất ít được nghỉ ngơi, trong lúc nhà trường và bố mẹ lại rất ít quan tâm hoặc quan tâm không đúng. Từ đó đôi mắt trong sáng của các em đang từ tinh nhanh sẽ  chuyển dần sang mệt mỏi dẫn tới tình trạng “cận thị giả” rồi chuyển tới cận thị thật. Đến lúc đó e rằng đã muộn và đôi mắt của con cháu mình bắt đầu phải “mang theo đôi mục kỉnh”.

Cần có biện pháp hữu hiệu

Trước hết, nhà trường cần phải có cán bộ y tế trường học để sớm phát hiện những học sinh có dấu hiệu suy giảm thị lực qua sự hướng dẫn các em tự kiểm tra thị lực của bản thân trên bảng thị lực treo tại phòng học và sớm có biện pháp đề phòng.

Thực hiện việc chiếu sáng (chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo) đầy đủ tại các phòng học, đặc biệt là bảng treo tường phải đầy đủ ánh sáng. Trang bị, cải tạo hoặc sắp xếp lại bàn học và ghế ngồi tại các phòng học sao cho kích thước của bàn và ghế phù hợp với tầm vóc của học sinh các cấp học.

Nhà trường cần sắp xếp chương trình học tập cho từng cấp học sao cho phù hợp với từng độ tuổi. Sắp xếp thời khóa biểu trong ngày, trong tuần hợp lý và xen kẽ giữa những môn học cần phải sử dụng mắt trong thời gian dài, ngắn trong một buổi học và tuần học. Tuyệt đối không tổ chức học thêm hay luyện thi khi các em đang còn phải tập trung học những môn chính khóa.

Trong những giờ đứng lớp, thầy cô giáo nhắc nhở các em khi ngồi học phải ngay ngắn để tránh cận thị.

PGS.TS. Trần Văn Dần

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm