Cái tâm của người thợ
Một pho tượng Phật có hồn hay không phụ thuộc vàm tâm của người thợ. (Ảnh: Đỗ Hòa)
Nhắc đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, không chỉ người dân Thủ đô mà nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều biết tiếng. Đây là một làng nghề truyền thống đã hàng trăm năm tuổi, chuyên tạc tượng và làm đồ thờ bằng gỗ. Bằng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng Sơn Đồng đã “thổi hồn” vào những khúc gỗ mộc mạc, khô khan tạo ra những sản phẩm với nét tinh hoa, độc đáo riêng biệt. Sản phẩm chủ yếu là tượng Phật, tượng Đức Thánh, những người anh hùng, các linh vật thờ như ông Ngựa, ông Hạc, hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ... Tất cả đều được sơn son, thếp vàng, thếp bạc một cách tỉ mỉ và công phu.
Theo những người thợ ở Sơn Đồng, hầu như ở các di tích đền, chùa, phủ... trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ đều có dấu ấn bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân làng mỹ nghệ Sơn Đồng. Nét tinh hoa của nghệ nhân Sơn Đồng đã từng được khái quát: “Mắt người chưa thấy dung nhan Phật/Mà tự tay người Phật hiện ra”.
Để chế tác ra một sản phẩm không hề đơn giản, đặc biệt là trong việc chế tác đồ thờ và tượng thờ lại càng quan trọng hơn do phải tuân thủ theo các tính chất của tôn giáo. Đồng thời, để bức tượng “sống” đòi hỏi những nghệ nhân thật sự tài hoa mới tạo nên được cái thần cho các pho tượng. Theo các nghệ nhân, muốn có được những sản phẩm độc đáo tinh khôi, phải kể đến phẩm hạnh của người thợ, đặc biệt là cái "tâm", trong đó nổi bật là đạo đức, tâm hồn và tâm linh người thợ.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, một người thợ làng nghề Sơn Đồng: “Nói đến thời gian để tạc một pho tượng Phật là vô kể. Bởi khi tâm trạng không tốt, mấy ngày cũng không tạc được một pho tượng, nhưng khi tinh thần thoải mái, tập trung vào công việc thì tạc tượng sẽ nhanh, pho tượng cũng sẽ có hồn”.
Anh Tuấn cũng cho biết: Trong quá trình tạc tượng Phật, khó nhất vẫn là khuôn mặt. Bởi một pho tượng có hồn hay không và thể hiện tài hoa của người thợ là thể hiện qua khuôn mặt. Để làm được điều này, người thợ phải hiểu rõ về lịch sử, tính cách đặc trưng, những biểu hiện trên khuôn mặt của từng vị Phật, Đức Thánh…
Điều đặc biệt, những người thợ Sơn Đồng khi tạc tượng Phật không cần sử dụng đến hình ảnh mẫu. “Để tạc được tượng Phật, người thợ phải trải qua quá trình học lâu dài, từ việc nhớ chi tiết đặc điểm của từng vị Phật đến việc tạo khối, chạm khắc… Đối với những người khéo tay, chăm chỉ mất khoảng thời gian từ 5 đến 6 năm để học, còn có người mất 10 năm mới có thể tạc được tượng Phật”, anh Nguyễn Văn Quang, một người thợ lành nghề chia sẻ.
Theo những người thợ chạm khắc Sơn Đồng, tuy quy trình làm nên một pho tượng Phật không khác so với quy trình làm nên một sản phẩm nơi khác nhưng tay nghề của những người thợ làng Sơn Đồng thường có sự khác biệt so với các sản phẩm ở Thường Tín, Thanh Oai (Hà Nội)… Từ đó, tạo nên những sản phẩm và thương hiệu riêng cho làng nghề Sơn Đồng.
Người Sơn Đồng có bí quyết và kinh nghiệm điêu khắc riêng. Từ cách chọn gỗ, cách chế tác đều được thực hiện công phu tỉ mỉ, kết hợp với bàn tay khéo léo để tạo nên một sản phẩm có chất lượng. Ngoài ra, các công đoạn làm nên một tác phẩm bằng gỗ là hoàn toàn thủ công, không sử dụng bất kỳ máy móc thiết bị gì nên sản phẩm khi đưa ra thị trường đều có “hồn” và được người tiêu dùng ghi nhận.
Đặc biệt, mỗi một sản phẩm làm ra đều được người dân Sơn Đồng trân trọng và tôn kính nên thường gọi những bức tượng Phật là Ông Tượng, Ngài Tượng. Cho dù khách hàng của họ là ai, thì những bức tượng gỗ được mang đi đều quấn một tấm vải đỏ phủ kín thân tượng và được xếp đặt theo ngôi thứ rất rõ ràng. Những chi tiết nhỏ ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng đã hình thành một nếp nghề rất đáng quý.
Theo các nghệ nhân làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức – Hà Nội), muốn tạc được một pho tượng Phật tinh xảo, giàu tính tâm linh không chỉ cần tay nghề cao mà phải kể đến phẩm hạnh của người thợ, đặc biệt là cái "tâm", trong đó nổi bật là đạo đức và tâm hồn.
Tất cả công đoạn tạc tượng Phật đều được làm bằng tay. Ảnh: Đ.H
Tre già măng mọc
Khác biệt với nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, làng nghề Sơn Đồng lại đang phát triển mạnh theo cơ chế thị trường. Nhiều sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng đã được khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, thế hệ trẻ ở Sơn Đồng luôn tâm niệm phải giữ nghề.
Về thăm Sơn Đồng, từ đầu làng, đã nghe thấy tiếng đục đẽo trên gỗ lách cách cho ta cảm nhận được sự sung túc, bận rộn của một làng nghề truyền thống. Người dân trong làng kể: Thời chiến tranh, nghề điêu khắc gỗ ở đây cũng giống như các làng nghề khác bị mai một. Nhưng “hoa tay” của những người thợ nơi đây không vì thế mà mất đi. Đó là do sự truyền dạy từ thầy sang trò hay “cha chuyền con nối”. Sau khi đất nước hòa bình trở lại, nhất là thời kỳ Đổi mới, với tình yêu quê hương, yêu nghề, các cụ cao niên trong làng đã mở lớp dạy nghề đại trà cho dân làng và nghề điêu khắc gỗ ở Sơn Đồng đã dần khôi phục và phát triển.
Nghề điêu khắc đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân Sơn Đồng từ bao đời nay. Tuy nhiên, để làm nghề điêu khắc đòi hỏi người thợ phải khéo tay, có sức khỏe tốt, do đó những người đi trước luôn có tâm niệm truyền nghề lại cho con cháu mình từ khi còn rất sớm. Anh Nguyễn Văn Quang, một người thợ làng Sơn Đồng kể lại: “Ngay từ khi mới 11 tuổi tôi đã được gia đình truyền lại nghề điêu khắc, đến nay cũng đã làm nghề này được 16 năm. Làm nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe, nên chỉ có những người trẻ còn khỏe tay, nhanh mắt mới có thể làm được. Hiện các cụ cao niên trong làng chân tay cũng đã yếu không thể cầm dụng cụ để đục đẽo nên đã hướng dẫn cho chúng tôi kỹ thuật làm đồ chạm khắc”.
Ngoài ra, theo người dân làng Sơn Đồng, nghề truyền thống cũng đem lại thu nhập ổn định nên nhiều thanh niên trong làng cũng sớm xác định sẽ sống với nghề. Anh Nguyễn Văn Tuấn (25 tuổi) đang thực hiện những đường chạm khắc tỷ mỷ, chia sẻ với phóng viên: “Những làng khác không có nghề truyền thống mới phải ra bên ngoài làm, còn làng mình từ xưa đã có nghề nên nhiều thanh niên trong làng cũng sớm xác định lập nghiệp với nghề truyền thống. Nền tảng nghề đã được cha ông tạo dựng vững chắc, do đó thế hệ trẻ như mình cũng không gặp khó khăn khi lập nghiệp bằng nghề chạm khắc”.
ST