Một thành tựu y học mới vừa giúp các bệnh nhân bị liệt do chấn thương cột sống lấy lại khả năng cử động chân sau khi tập luyện với một bộ xương ngoài nối với não bộ - thậm chí còn có thể tự đi lại bằng cách chống nạng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Independent)
Theo Independent, các nhà khoa học đã phát triển Dự án Walk Again (tạm dịch: Bước đi một lần nữa) tại Sao Paulo, Brazil tin rằng những người bị liệt có thể đi lại được nhờ sử dụng một bộ xương ngoài được điều khiển bằng suy nghĩ của họ.
Nhưng họ cũng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, trong quá trình tập luyện, cả 8 bệnh nhận đều bắt đầu lấy lại xúc giác và cử động ở vùng dưới khu vực xương sống bị chấn thương.
Trước đây, các nhà nghiên cứu từng nghĩ rằng các dây thần kinh ở cột sống của 7 bệnh nhân tham gia thử nghiệm đã bị tổn thương vĩnh viễn. Nhưng giờ họ tin rằng có một số dây thần kinh không bị ảnh hưởng vì chấn thương và đang được kích hoạt lại bằng việc tập luyện, qua đó nối lại hoạt động mạch trong não.
Trong Nhật báo Scientific Reports (Báo cáo khoa học), các nhà nghiên cứu viết: “Mặc dù bệnh nhân số 1 ban đầu không thể đứng lên nổi khi được đặt ở tư thể đứng thẳng với sự hỗ trợ của bộ kẹp, sau 10 tháng tập luyện, bệnh nhân đó đã có thể bước đi bằng cách dùng khung tập đi, bộ kẹp và trợ giúp của một trị liệu viên.”
“Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể tự tạo ra những cử động chân mô phỏng động tác bước đi trên mặt đất. Một ví dụ khác là bệnh nhân số 7, người đã có thể đi bằng cách chống nạng, phần chân dưới đứng thẳng mà không cần trợ giúp của trị liệu viên.”
Tiến sỹ Miguel Nicolelis, giám đốc Trung tâm cơ khí thần kinh thuộc Đại học Duke, Hoa Kỳ cho biết trước đây 7 bệnh nhân tham gia nghiên cứu đều ở trạng thái liệt hoàn toàn, nhưng giờ chỉ còn là “liệt một phần.”
Ông cũng cho biết sự phục hồi của họ sẽ không dừng lại ở đây, và các nhà khoa học rất phấn khởi khi chứng kiến cột mốc quan trọng trong nghiên cứu hỗ trợ người bị liệt.
Hoạt động tập luyện của các bệnh nhân nói trên sử dụng thực tế ảo để điều khiển một hiện thân máy tính với giao diện não máy. Khi họ nghĩ về việc đi về phía trước, hiện thân sẽ cử động như thể đó chính là cơ thể của họ. Họ cũng dùng hệ thống này để điều khiển một robot và sau đó là bộ xương ngoài mà bệnh nhân mang.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là việc tập luyện này dường như có ảnh hưởng lên chính cơ thể bệnh nhân.
“Chúng tôi nhận thấy rằng việc tập luyện lâu dài với các giao diện não-máy trong những bối cảnh khác nhau đã khôi phục lại một phần hoạt động thàn kinh, thể hiện qua sự hồi phục một phần các chức năng cơ động và xúc giác của tất cả các bệnh nhân. Chúng tôi nghĩ, từ quan điểm giải phẫu, chấn thương đã không phá hủy toàn bộ dây thần kinh trong xương sống. Một số có thể không bị tổn hại nhưng thay vào đó lại không hoạt động trong suốt nhiều năm. Qua biểu hiện trong vỏ não, có thể thấy các bệnh nhân này có thể đã truyền được một số tín hiệu từ vỏ não qua tủy sống, dù có rất ít dây thần kinh không bị tổn thương vì tai nạn trước đó.”
“Chuyện này giống như là bật chúng lên lại, và vì thế hoạt động tại vỏ não đã kích hoạt hoạt động các dây thần kinh nay, đồng thời nhận được phản hồi từ các bộ phận ngoại biên (cẳng chân) bởi các bệnh nhân đang luyện tập đi lại.”
Các bệnh nhân cũng lấy lại được một phần khả năng kiểm soát đại tiểu tiện, và chức năng tim mạch cũng cải thiện hơn. Các nhà khoa học cũng không biết chắc kỹ thuật mới này sẽ mang lại những kết quả gì khác khi các bệnh nhân đang liên tiếp hồi phục.
“Chúng tôi tin rằng kết quả nghiên cứu của mình sẽ không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong việc kích hoạt hồi phục với các bệnh nhân, mà còn có thể là động lực quan trọng cho các bệnh nhân bị liệt trên toàn thế giới. Các nhà khoa học của Dự án Walk Again đang thu được những kết quả khả quan từ việc giúp người tàn tật đi lại được. Nhìn thấy gương mặt của những người trẻ tuổi lần đầu bước đi sau nhiều năm đã trở thành hình ảnh thay đổi cuộc đời của tất cả chúng tôi”./.
Theo MAI NGUYỄN (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thanh-tuu-y-hoc-dang-kinh-ngac-giup-benh-nhan-bi-liet-duoc-di-lai/400639.vnp