Cập nhật: 15/08/2016 08:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang hoàn thiện những công việc kéo dây cuối cùng để đóng điện xã đảo Lại Sơn vào cuối tháng 8 này. Bên cạnh đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đóng điện cho xã đảo Hòn Nghệ vào cuối tháng 9 tới.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển đảo Việt Nam đến 2020, với mục tiêu tiêu phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc, ngày 15/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 6262/VPCP-KTN chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu lập Dự án đầu tư kéo đường dây trung thế nối lưới điện quốc gia tới các đảo gần bờ của tỉnh Kiên Giang.

Đưa điện lưới quốc gia ra xã Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo EVNSPC, do đặc thù đất đai trên các đảo nên các trạm phát điện phần lớn đều có vị trí không thuận tiện cho quản lý vận hành và an toàn điện. Trạm nằm sát khu dân cư trong khi tiếng ồn rất lớn, đường vào trạm chật hẹp, không thể mở rộng. Các trạm cũng không có kho chứa nhiên liệu riêng nên việc tiếp dầu cho máy phát điện đều thực hiện thủ công. Thậm chí một số trạm còn không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa.

Trong khi đó, các tổ máy phát cũ đã được thay thế dần bằng ngân sách tỉnh. Các đảo có thời gian phát điện còn ít, từ 8 giờ đến 14 giờ một ngày nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện liên tục của nhân dân trên đảo.

Do vậy, việc đầu tư lưới điện cung cấp cho các xã đảo thuộc tỉnh Kiên Giang là rất cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo và vùng ven biển, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia vùng biển đảo phía Nam của Tổ quốc .

Thực hiện nhiệm vụ này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện và trình các cấp thẩm quyền phê duyệt Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang, nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020 điều chỉnh. Dự án bao gồm: xã Sơn Hải (Hòn Heo) và xã Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương; xã Tiên Hải (Hòn Đốc) thuộc thị xã Hà Tiên; xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (quần đảo Nam Du) thuộc Kiên Hải và xã Hòn Thơm thuộc huyện Phú Quốc với tổng mức đầu tư khoảng 1.506 tỷ đồng.

Dự án bao gồm 43,7km đường dây 110kV An Biên-Lại Sơn; Trạm biến áp Lại Sơn với 2 máy biến áp, tổng công suất 50 MVA; 53,2km đường dây trung thế trên không (trên các đảo); 37,8km đường dây cáp ngầm trung thế trên biển; 36km đường dây trung thế trên biển ; 45,5 km đường dây hạ thế và 159 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 21,375 MVA để cấp điện cho 6.800 hộ dân.

Dự án thực hiện theo 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 cấp điện cho xã Lại Sơn bằng lưới điện 110kV, thực hiện trong hai năm 2015-2016. Giai đoạn 2, cấp điện cho 4 xã đảo Hòn Nghệ, Sơn Hải, Tiên Hải và Hòn Thơm bằng lưới điện 22kV , thực hiện trong các năm 2016-2018. Giai đoạn 3, cấp điện cho 2 xã đảo An Sơn và Nam Du bằng cấp ngầm 22kV, thực hiện trong các năm 2018-2020.

EVNSPC cho biết, do tính chất an ninh-quốc phòng biển đảo, đồng thời tạo tiền đề thực hiện cấp điện cho các xã đảo còn lại, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã yêu cầu thực hiện sớm Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Đảo Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang hay còn gọi là Hòn Rái nằm trong vịnh Hà Tiên thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, cách Rạch Giá khoảng 60km về hướng Tây Nam, có diện tích tự nhiên trên 1.095ha với khoảng 2.000 hộ dân. Nhân dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản, trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ.

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm huyện Kiên Hải, xã đảo Lại Sơn là nơi tập trung dân cư đông đúc nhất trong toàn bộ huyện Kiên Hải. Hiện nay 90% số hộ dân trên đảo sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ với thời gian phát điện 12 giờ vào các ngày bình thường và 24/24h vào các ngày Lễ, Tết nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên đảo cũng có những khó khăn, hạn chế. Riêng năm 2014, giá thành sản xuất điện trên các đảo thuộc huyện Kiên Hải là 8.775 đồng/kWh. Trong khi giá bán lẻ điện bình quân theo Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 quy định về thực hiện giá điện và Quyết định số 4887/QĐ-BCT ngày 30/5/2014 quy định về giá bán điện của Bộ Công Thương hồi đó ở mức 1.508,85 đồng/kWh.

Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn có khối lượng đầu tư đường dây 110kV An Biên-Lại Sơn dài 43,9km; trong đó phần trên đất liền là 19,4km; phần trên biển là 24,5km; xây dựng trạm biến áp 110kV Lại Sơn với quy mô 2 máy biến áp, trước mắt lắp đặt 1 máy công suất 25MVA.

Dự án cũng xây dựng mới và cải tạo 13,5 km đường dây trung thế trên đảo; xây dựng mới và cải tạo 11 km đường dây hạ thế ; x ây dựng mới 13 trạm biến áp phân phối trên đảo với tổng công suất 2.080kVA và lắp đặt công tơ cho 1.956 hộ dân trên đảo. Tổng mức đầu tư dự án là 46 8 tỷ đồng bằng nguồn vốn do Tổng công ty Điện lực miền Nam thu xếp thực hiện.

Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang, ông Trương Tấn Lực cho biết, sau 11 tháng khởi công, gói thầu xây dựng đường dây 110kV An Biên-Xẻo Nhàu đã hoàn thành 97% khối lượng, gói thầu xây dựng lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn cũng đã hoàn thành, các gói thầu khác đang hoàn thiện các hạng mục phụ trợ. Nhà thầu Công ty cổ phần Xây lắp điện Cần Thơ đang tích cực phối hợp với Công ty Điện lực Kiên Giang triển khai khối lượng còn lại, đảm bảo tiến độ đóng điện vào cuối tháng 8 này.

Theo ông Trương Tấn Lực, khi đảo Lại Sơn có điện sẽ đáp ứng 24/24h, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện đối với các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, sản xuất, sửa chữa ghe thuyền quy mô nhỏ trên các đảo. Bên cạnh đó là nhu cầu điện cho tưới tiêu chủ yếu là bơm tưới cho cây ăn trái, rau màu quy mô nhỏ và phục vụ nuôi trồng thủy hải sản trên các đảo.

Đảo Hòn Nghệ là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Kiên Lương có diện tích 3,8km2. Trên đảo có 526 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, đánh bắt - nuôi trồng hải sản và dịch vụ. Hơn 90% số hộ dân trên đảo sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ với thời gian phát điện 12h/ngày tập trung vào buổi sáng và buổi tối, do đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên đảo cũng có những hạn chế nhất định.

Sau khi triển khai công trình cấp điện ra xã đảo Lại Sơn, Tổng Công điện lực miền Nam tiếp tục thực hiện D ự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Hòn Nghệ, tỉnh Kiên Giang. Dự án bao gồm đường dây 22kV trên biển được thiết kế 1 mạch xuất phát từ trụ đấu nối tiếp bờ tại Hòn Chông, đi qua các Hòn Rễ Nhỏ, Hòn Rễ Lớn, Hòn Nhum Giếng, rẽ trái qua Hòn Nhum Ông, Nhum Tròn, Nhum Bà và đến điểm đấu nối tiếp bờ tại Hòn Nghệ. Trong đó có gần 16,4km đường dây trung thế vượt biển; gần 20km đường dây trung thế xây dựng mới trên đất liền và trên đảo; xây dựng mới 8 trạm biến áp với tổng công suất 975kVA và cung cấp điện cho 2.229 nhân khẩu đang sinh sống trên đảo. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 140 tỷ đồng bằng nguồn vốn do Tổng công ty Điện lực miền Nam thu xếp .

Theo Công ty Điện lực Kiên Giang, đến cuối tháng 7, gói thầu xây dựng 26 vị trí móng cột đường dây trên biển mới đạt 35% khối lượng, gói thầu xây dựng móng cột trên đảo và lắp dựng cột, kéo dây trên biển cũng đạt 32% khối lượng, gói thầu xây dựng lưới điện phân phối trên đảo và phần nối tuyến trên đất liền đạt 34% khối lượng.

Đánh giá của ông Trương Tấn Lực cho thấy nguyên nhân các gói thầu trước đó thi công chậm là do thời tiết ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và áp thấp nhiệt đới, biển động liên tục nên công tác vận chuyển vật tư, thiết bị từ đất liền ra công trình gặp khó khăn. Nền móng có nhiều đá tảng nên đa số móng không thể thi công theo độ sâu thiết kế.

Hiện nay, điều kiện thời tiết đã thuận lợi để thi công nên Công ty Điện lực Kiên Giang đã yêu cầu các nhà thầu phải tận dụng thời điểm thời tiết thuận lợi và sử dụng phương tiện thi công có tải trọng lớn hoạt động được đến gió cấp 5 để đẩy nhanh tiến độ, có như vậy, dự án mới có thể đóng điện cuối tháng 9 tới được.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc EVNSPC nhận xét, khi các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ cung cấp điện ổn định, liên tục cho nhân dân và các thành phần kinh tế trên đảo, góp phần phát triển các ngành nghề hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy hải sản, sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ và dịch vụ du lịch.

“Khi các xã đảo có điện lưới quốc gia cũng sẽ giúp tiết kiệ m đáng kể gánh nặng chi phí ngân sách cho địa phương hàng năm do không còn phải phát điện bằng diesel đồng thời việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lại Sơn và Hòn Nghệ chính là tiền đề để cấp điện đến các đảo còn lại của tỉnh Kiên Giang trong tương lai,” Tổng Giám đốc EVNSPC nhấn mạnh./.

MAI PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/hai-xa-dao-lai-son-va-hon-nghe-chuan-bi-don-dien-luoi-quoc-gia/401055.vnp

Tệp đính kèm