Cập nhật: 19/08/2016 08:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phù là hiện tượng dịch kẽ thâm nhập vào các mô, đặc biệt là mô liên kết dưới da của các phần thấp. Phù toàn thân thường có cổ trướng, tràn dịch màng phổi và đôi khi cả tràn dịch màng ngoài tim.


Nguyên nhân

Phù thường là triệu chứng của một số bệnh như:

- Phù thận: Viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư.

- Phù tim: Suy tim.

- Phù gan: Xơ gan.

- Các nguyên nhân khác: Nội tiết (hội chứng tiền mãn kinh, có thai), do thuốc (các thuốc như Estrogen), suy kiệt, kém dinh dưỡng lâu ngày.

Sinh lý bệnh

Dịch ngoại bào gồm hai phần (dịch và các ion): Huyết tương (1/4) và dịch kẽ tế bào (3/4), được ngăn cách bởi một màng bán thấm.

Có hai lực đối nhau ở hai bên màng: Áp suất thuỷ tĩnh ở trong lòng mạch và áp suất keo của dịch kẽ có xu hướng làm nước đi từ trong mạch ra khoảng kẽ tế bào.

Ngược lại, áp suất thuỷ tĩnh của các mô và áp suất keo bên trong lòng mạch có xu hướng làm nước từ khoảng kẽ đi vào trong lòng mạch.

Ngoài ra, dịch kẽ có thể vào lại lòng mạch qua hệ bạch huyết.

Tất cả các yếu tố trên luôn luôn ở trạng thái cân bằng động. Chỉ cần một trong các yếu tố này bị rối loạn cũng đủ để gây phù.

- Giảm áp suất keo của huyết tương: Áp suất thẩm thấu do các chất keo (áp suất keo) được tạo ra chủ yếu bởi các Albumin (là các phân tử Protein nhỏ hơn các phân tử Globulin). Về phương diện thẩm thấu, 1g Albumin tương đương với 4g Globulin. Ngoài ra, nồng độ các Albumin trong huyết tương cao hơn nồng độ Globulin 2-3 lần. Giảm Protein trong huyết tương, nhất là Albumin, sẽ làm mất cân bằng thẩm thấu và làm cho nước từ mạch đi vào các mô. Dưới đây là các nguyên nhân gây giảm Protein huyết:

+ Mất quá nhiều: Protein niệu cao trong hội chứng thận hư, bệnh lý đường ruột có tiết dịch rỉ viêm.

+ Tổng hợp giảm: Bệnh lý gan, nhất là xơ gan.

+ Cung cấp thiếu: Thiếu dinh dưỡng, rối loạn hấp thu.

- Tăng áp suất keo tĩnh mạch: Làm tăng áp suất trong mao mạch và nước đi vào mô.

+ Tăng toàn bộ áp suất tĩnh mạch: Suy tim, viêm màng ngoài tim co thắt, ứ nước và Natri.

+ Tăng áp suất tĩnh mạch cục bộ: Viêm tắc tĩnh mạch, chèn ép tĩnh mạch.

- Ứ nước và Natri: Tăng dịch ngoại bào gây ra hậu quả làm tăng áp suất tĩnh mạch và làm nước đi từ mao mạch ra mô. Gặp trong suy thận cấp và mãn tính, khả năng đào thải Natri của thận bị giảm.

- Rối loạn tuần hoàn bạch huyết: Nếu tuần hoàn bạch huyết bị cản trở, nồng độ Protein trong dịch kẽ tăng và hậu quả làm tăng áp suất keo của dịch kẽ, nước bị kéo từ mao mạch ra.

- Tăng tính thấm mao mạch: Yếu tố này khó xác định nhưng có vai trò trong phù dị ứng và phù do viêm.

- Giảm áp suất thủy tĩnh ở mô: Có vai trò phân bố phù, phù thường xảy ra ở các mô lỏng lẻo nhất (mi mắt). Yếu tố này có thể có vai trò gây phù ở bệnh nhân suy kiệt hoặc tuổi cao.

Triệu chứng

Dấu hiệu đầu tiên của phù được phát hiện bằng cách dùng ngón tay cái ấn vào da mặt trong xương chày trong 10 - 20 giây: Nếu xuất hiện vết lõm tồn tại lâu là có phù. Phù rõ hoặc phù toàn thân cho thấy có ứ khoảng > 3 lít nước. Những trường hợp này cần phải kiểm tra xem có tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim hay có cổ trướng không.

Phù khu trú:

- Phù ở 1 chi là hậu quả của viêm tắc tĩnh mạch, chèn ép tĩnh mạch hoặc phù bạch huyết. Phù này thường có tổn thương da đi kèm (loét, viêm da…).

- Phù do viêm thường có nóng đỏ.

- Phù thoáng qua ở mặt đôi khi lan xuống lưỡi và niêm mạc mũi họng là những dấu hiệu điển hình của phù dị ứng (phù Quinke).

- Phù “áo choàng” gặp trong chèn ép tĩnh mạch chủ trên, còn chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù chi dưới.

Phù toàn thân:

- Phù tim: Phù nặng lên vào buổi chiều tối ở các phần thấp và có xu hướng giảm vào ban đêm. Kèm theo có khó thở, khó thở khi nằm là do huyết ứ ở phổi và tĩnh mạch.

- Phù thận: Thường gặp trong hội chứng thận hư có Albumin niệu cao hay do Protein huyết thấp thường rõ vào buổi sáng ở mặt và mi mắt.

- Phù mặt trong viêm màng ngoài tim co thắt, thấy trong lúc ngủ vì bệnh nhân có thể nằm được (không khó thở khi nằm như trong suy tim).

- Phù trong xơ gan thường có cổ trướng, phù chi dưới và tràn dịch màng tinh hoàn.

Đặc điểm phù: Phù mới thường là phù mềm, ấn lõm, còn phù mãn tính lâu ngày trở nên rắn và khó ấn lõm.

- Phù do tắc mạch bạch huyết không lõm và có thể rất rắn.

- Phù có xanh tím tại chỗ thường là do tắc tĩnh mạch.

- Phù tim thường có xanh tím toàn thân.

- Phù trong hội chứng thận hư hay do Protein huyết thấp là phù trắng, mềm.

- Phù niêm (gặp trong thiểu năng tuyến giáp) không phải là phù thực sự mà là toàn bộ da bị dày lên, da lạnh, thô ráp và khô.

Nếu không điều trị phù, hoặc điều trị sai phương pháp có thể gây ra các biến chứng sau:

- Sưng đau tăng lên.

- Hạn chế vận động, đi lại.

- Chỗ phù cứng lên.

- Căng da, ngứa và khó chịu.

- Bội nhiễm, viêm loét da.

- Xơ mô, sẹo giữa các lớp của mô.

- Giảm tính đàn hồi của động mạch, tĩnh mạch, dây chằng, cân mạc.

- Làm trầm trọng hơn những bệnh lý nguyên nhân (tim, thận, gan…).

Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm