Nằm giữa Vườn quốc gia Cát Bà, trên tuyến đường bộ xuyên rừng từ trung tâm Vườn quốc gia đến xã Việt Hải (huyện Cát Hải), Ao Ếch là điểm đến thú vị đối với nhiều du khách. Sau quãng đường dài leo đèo vượt dốc, chợt thấy trước mặt mở ra một vùng mặt nước mênh mông, từng làn gió mang theo hơi nước mát lạnh phả vào mặt, bao mệt nhọc dường như tan biến…
Ở Vườn quốc gia Cát Bà, có 2 nơi được gọi là Ao Ếch. Một Ao Ếch ở khu vực Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng nằm chơ vơ giữa biển. Gọi là Ao Ếch, thế nhưng, nơi đây chẳng hề có con ếch nào sinh sống. Có lẽ, do hình dáng phần nào giống chú ếch đang rình vồ mồi, người ta đặt tên cho vụng nước nhỏ này như vậy. Còn Ao Ếch giữa rừng, trên tuyến đường bộ đi xã Việt Hải, thì có vô vàn ếch cùng ễnh ương, chão chuộc sinh sống. Ban ngày, thường xuyên vang lên tiếng ếch râm ran. Đêm xuống, chúng càng kêu tợn, đua nhau khoe chất giọng ồm vang để khẳng định “chủ quyền lãnh thổ” và quyến rũ bạn tình. Mùa khô, ếch cũng kêu, mùa mưa, càng kêu to, nhiều khi nghe đến nao lòng. Cách xa vài trăm mét, có thể nghe tiếng ếch kêu. Hàng nghìn, hàng vạn con ếch “hợp tấu”, cùng với tiếng quạ, tiếng bìm bịp, tiếng chim thánh thót thành bản nhạc giao hưởng không lời của rừng xanh, có lẽ chỉ có ở Vườn quốc gia Cát Bà.
Cán bộ tổ Kiểm lâm cơ động ( Hạt Kiểm lâm - vườn Quốc gia Cát Bà) giới thiệu với du khách về ao Ếch
Từ trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà, đi xe mô-tô vượt qua quãng đường khoảng 2 km được trải nhựa dưới tán lá rừng đan kín, đến chân dốc Ánh Rạng là bắt đầu hành trình chinh phục tuyến đường rừng nhiều đèo dốc dài hơn 9 km để đến xã Việt Hải- xã xa nhất của huyện đảo Cát Hải. Vượt dốc Ánh Rạng, Mây Bầu là đến thung lũng Mé Gợ. Từ đây, men theo tuyến đường mòn, vừa đi, vừa vạch cỏ cao hơn đầu người, mà tiến. Nếu may mắn, có thể tận mắt thấy những con bạc má tha thẩn kiếm ăn, thoáng bóng người, là chúng nhanh chân lủi mất. Hay những chú sóc nghịch ngợm chuyền qua chuyền lại trên cành những cây sấu cổ thụ thân to vài người ôm. Và thích thú nhất là bắt gặp khung cảnh chẳng khác gì “thiên đường giữa trần gian” ở Ao Ếch.
Ao Ếch nằm lưng chừng núi, ở độ cao 80 mét so với mực nước biển, nước ao trong nhìn thấy đáy. Ao có diện tích 3,2 héc-ta và thay đổi theo mùa. Mùa khô, lòng ao thu hẹp lại, nhưng chẳng bao giờ cạn nước. Còn mùa mưa, nước từ những khe đá chảy xuống làm ao rộng hơn, nhìn chỉ thấy mênh mông một màu trời, màu rừng và màu nước. Ao không sâu lắm, chỉ chừng 50-60 cm, đáy ao là lớp bùn dày do cành, lá cây khô rụng xuống phân hủy mà thành. Từ đáy ao, vươn lên hàng nghìn cây Và Nước- loài cây chỉ có ở Ao Ếch mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Cây cao 5-10 mét, thân to chừng bắp đùi người lớn, vỏ xù xì, mọc thành cụm, có khi đứng một mình. Mùa đông, nước ao tương đối ấm, còn mùa hè, lại mát lạnh. Vì thế, sau chặng đường dài mệt nhọc, vốc nước lên rửa mặt, tay, chân, không có gì thú bằng.
Ngoài ếch, ở Ao Ếch còn có loài cá dầm đất sinh sống. Cá to hơn ngón tay một chút, thân lẳn, bụng trắng, lưng ánh xanh và dài chừng 7-8 cm. Đặc biệt, Ao Ếch có rất nhiều cua đồng. Cua bò lổm ngổm nơi đáy ao, cua lấp ló trong những khe đá, hốc cây. Thậm chí, có con còn “nổi hứng” trèo lên cả cành cây để phơi nắng. Khác so với cua sinh sống tại đồng ruộng, cua ở đây có màu sẫm hơn. Thi thoảng, người dân trong vùng vào đây câu cua. Một cành cây nhỏ, một đoạn dây có buộc miếng da lợn hoặc giẻ, câu chơi một buổi cũng được 5-7 kg. Cua đem về nấu canh, nấu riêu, thơm ngon chẳng kém gì canh cua đồng.
Nằm giữa rừng, đường đi hiểm trở, được bảo vệ bởi các cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà, lực lượng kiểm lâm, cùng với ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, Ao Ếch giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Nếu đủ sức khỏe, dũng cảm và quyết tâm vượt tuyến đường rừng để tham quan xã Việt Hải, du khách sẽ nhận được món quà tuyệt vời từ thiên nhiên. Đó là được tận mắt thấy Ao Ếch, tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, nghe tiếng ếch kêu râm ran, ngắm cá dầm đất bơi lội và dõi theo bước chân ngang dọc của hàng nghìn, hàng vạn con cua.
ST