Cập nhật: 21/08/2016 12:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hành trình đến với tri thức của con em ngư dân các xã vùng biển trên địa bàn Quảng Bình sau sự cố cá chết còn lắm gian nan.

Các em nhỏ Quảng Bình trong một lần nhận quà từ thiện (Ảnh: VTV)

Ngày khai giảng năm học mới đang đến  gần. Đằng sau niềm vui, háo hức tựu trường của con trẻ là  nỗi lo của các bậc phụ huynh. Các khoản phí, sách vở, quần áo mới… trước thềm năm học mới không phải gia đình nào cũng có thể chuẩn bị đầy đủ cho con cái của mình.

Đặc biệt là những gia đình ở các xã ven biển của Quảng Bình, khi mà mới đây, nguồn thu nhập chính của họ từ nghề đi biển và dịch vụ liên quan đến nghề biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra.

Trong căn nhà nhỏ xập xệ ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình,  chị Nguyễn Thị Thảo cho biết, đã gần 4 tháng nay, từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, gia đình chị không biết làm gì để kiếm sống. Ngày trước, chồng chị là anh Hoàng Dũng thường đi biển với các tàu đánh cá trong vùng cũng kiếm được hơn 50 triệu đồng mỗi năm.

Chị Thảo cũng có đồng ra đồng vào nhờ vào nghề buôn cá ở chợ. Thế nhưng, bây giờ, chợ cá ít người mua, cuộc sống vốn đã nhiều vất vả, thiếu thốn, nay lại càng chật vật hơn. Chị Thảo nói, năm học mới đã gần kề, những khoản đóng góp cho 3 con nhỏ trong ngày tựu trường thực sự là nỗi lo canh cánh của cả gia đình. Giờ con đi học cũng đi vay mượn, mua nợ để mua sắm cho con.

Xã Nhân Trạch có gần 1.500 hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển vừa qua. Từ đầu năm 2016, toàn xã đã có gần 130 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm hơn 5% dân số. Mục tiêu năm 2016 giảm được 8 hộ nghèo của xã đã trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, con em của nhiều gia đình phải đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì điều kiện, hoàn cảnh quá khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết: “Sự cố môi trường biển ảnh hưởng kinh tế gia đình người dân, có những hộ gia đình 2 – 3 em đi học sẽ ảnh hưởng trực tiếp rất lớn, có thể các em không được đi học. Địa phương sẽ vận động hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền bà con, người dân đưa con em đến trường”.

Sống dựa vào biển, nhiều gia đình ở xã Quang Phú, TP. Đồng Hới cũng đang lâm vào tình cảnh lao đao. Gần 4 tháng nay, nhiều tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là thuyền công suất nhỏ nằm bờ. Thuyền lớn đánh bắt về thì giá bán hải sản xuống thấp. Thu nhập chính từ biển bị ảnh hưởng, nhiều phụ huynh cũng đứng trước nỗi lo không biết lấy tiền đâu để cho con đến trường.

Ông Nguyễn Văn Thuân, thôn Bắc Phú, xã Quang Phú, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, đặc biệt người dân đang thiếu việc làm. Về học phí của con em đang học các trường, bây giờ chuẩn bị để bước vào năm học mới, tất cả con em vào đi học số tiền rất nhiều tất cả các khoản học, khi khó khăn có một số con em chưa hết phổ cập phải bỏ học thì là vấn đề nan giải”.

Năm học 2016 – 2017, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao giáo dục thì vấn đề  duy trì số lượng, chất lượng giáo dục cho học sinh ở các xã biển được quan tâm đặc biệt.

Ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tham mưu đề xuất cho các cơ sở giáo dục hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn về sách vở trước khi vào năm học mới, tham mưu chính quyền các địa phương và nhà trường vận động kêu gọi học sinh đến trường, đặc biệt là những em có hoàn cảnh quá khó khăn”./.

Theo CTV Hà Nhi/VOV.VN

Tệp đính kèm