Trẻ em với mặt nạ giấy bồi truyền thống.
NDĐT - Trẻ em ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội tìm về Tết Trung thu mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống với chương trình Lễ hội mặt nạ Trung thu. Chương trình được thực hiện bởi họa sĩ Trang Thanh Hiền cùng các thành viên nhóm Cùng bé sáng tạo.
Trung thu của trẻ em Việt Nam xưa thường gắn với đèn ông sao, đèn lồng, mâm cỗ... và một đồ chơi không thể thiếu là mặt nạ giấy bồi. Nhưng đồ chơi truyền thống đang có xu hướng biến mất dần trong dòng chảy văn hóa Việt. Xuất phát từ những băn khoăn này, họa sĩ Trang Thanh Hiền - giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã cùng bạn bè, sinh viên, tình nguyện viên... trong nhóm Cùng bé sáng tạo tổ chức chương trình "Cùng vẽ mặt nạ, vui Tết Trung thu" vào năm 2015. Từ thành công của chương trình này, với sự tham gia của đông đảo các em thiếu nhi và cha mẹ các em, năm 2016, chương trình được nối tiếp với chủ đề "Lễ hội mặt nạ Trung thu".
Lễ hội mặt nạ Trung thu năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, tại hai địa điểm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 4-9 và ngày 10-9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ Trang Thanh Hiền, từ kinh nghiệm của chương trình sáng tạo mặt nạ năm ngoái và chương trình “Bé vẽ màu dân tộc” đầu năm nay (bé sáng tạo, tìm hiểu tranh dân gian), Ban Tổ chức sẽ nhấn mạnh quá trình trải nghiệm để các bé có thể học hỏi, tự tay làm ra những chiếc mặt nạ của mình. Các bé sẽ được nghe nói chuyện về đồ chơi dân gian, về mặt nạ, tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, hướng dẫn cách vẽ mặt nạ.
Ở chương trình năm nay, "thằng Bờm", một nhân vật quen thuộc với văn hóa Việt sẽ cùng các em nhỏ hai miền tham gia rước hội đêm Rằm. Đây cũng là biểu tượng cho sự viên mãn và ước vọng về mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp làm lúa nước. Bên cạnh việc vẽ mặt nạ, các bé sẽ cùng nhau sáng tạo bột màu trên quạt giấy – một biến tấu dân gian thú vị từ hình ảnh chiếc mo cau xưa. Mục đích giúp các em nhỏ phát triển tư duy khác về sáng tạo nghệ thuật từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài thông điệp về văn hóa truyền thống thông qua hình ảnh chiếc mặt nạ, lần đầu tiên, những chiếc mặt nạ châu Phi sẽ được giới thiệu trong chương trình nhằm tạo nên một sự giao lưu văn hóa thú vị.
Kết thúc chương trình, Ban tổ chức sẽ mang những chiếc mặt nạ do các bé, các bạn sinh viên và họa sĩ vẽ tặng các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vui Trung thu. Vào giữa tháng chín, chương trình Lễ hội mặt nạ với quy mô nhỏ hơn cũng sẽ mang đến với các bạn nhỏ Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi trong cuộc sống cũng được đón một cái Tết Trung thu bình đẳng như các bạn nhỏ khác.
Đây là chương trình phi lợi nhuận, được thực hiện với nguồn vốn xã hội hóa hoàn toàn, từ sự đóng góp của các cá nhân, tập thể, phụ huynh học sinh.
Theo nhandan.com.vn