Nơi này được gọi là Đỉnh Bàn Cờ. Đường đi lên hiểm trở nhưng cảnh quan rất đẹp. Từ nơi này có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Đà Nẵng.
Trên đỉnh là một bộ bàn cờ tướng bằng đá và bức tượng ông tiên đang ngồi.
Nghĩ trên đỉnh Bàn Cờ
Tôi biết truyền thuyết về đỉnh Bàn Cờ qua kiến thức từ sách vở và những câu chuyện lan truyền với ý tứ không khác nhau là mấy trên mạng Internet. Vậy nên, trong tôi, ý niệm về nó vẫn là cái gì đó rất mông lung và nhuốm màu huyền ảo.
Đà thành trong tôi đã gần 10 năm. Chừng ấy thời gian mà tôi chưa một lần nghĩ có ngày sẽ lên đỉnh Bàn Cờ truyền thuyết ấy một mình hay cùng ai. Và có lẽ tôi sẽ không có dịp lên đó trước khi hết cái thuở xuân xanh của mình nếu không có phút ngẫu hứng rủ rê của mấy cô cậu học trò nhỏ.
Hòn Sơn Trà mang tên Tiên Sa vì từ ngày xưa truyền lại nơi đây vốn là xứ sở quyến rũ thần tiên sa xuống chơi cờ, thưởng ngoạn, tắm suối và đùa giỡn với sóng biển. Du khách gần xa bây giờ cũng bị cuốn hút bởi bối cảnh “tiên sa” của chốn trần gian ấy. Tôi biết người ta hết sức thích thú khi lượn xe trên đường núi lắm quanh co, trắc trở, kích thích óc phiêu lưu; biết người ta cảm thấy đê mê trong làn sương dày đặc phả vào người khi xe leo lên đỉnh; biết người ta đã phóng tầm mắt về phía thành phố đã thu nhỏ từ đỉnh và ví nó như “miếng vải rẻo” và cũng biết người ta mong ước được ngồi đối diện đánh ván cờ với tiên ông trong một tấm ảnh… Nhiều người còn không ngần ngại khắc tên mình trên vách núi mong lưu danh thiên cổ cùng danh thắng.
Lên đỉnh Bàn Cờ từ lúc thành phố còn ngái ngủ sau lưng, thế mà đoàn xe của cô trò tôi đã không nhanh chân hơn mặt trời mọc. Đường sá cũng không thách thức bằng cái ánh đỏ rực ở góc núi phía đông báo hiệu sự bắt đầu của một ngày hè oi ả. Nắng sớm đã biến cơ hội được đi trong làn mây là là bồng bềnh huyền ảo của chúng tôi thành hư không.
Trên đường lên đỉnh, chúng tôi bắt gặp một bàn tay âm thầm với nghĩa cử đẹp đẽ: mỗi sáng sớm tinh mơ với chiếc xe máy thoăn thắt vượt các ngọn núi, đoạn đèo, thắp nén nhang cho ấm lòng những linh hồn được thờ phụng trong các am, khám nhỏ trên núi. Chưa kịp hỏi, nhưng không cần phải hỏi vì tấm lòng ấy chẳng cần ai hỏi han, quan tâm mình. Có lẽ chẳng ai biết đến cái ơn của người đàn ông ấy đã cứ lặng lẽ cầu mong bình an cho bước chân của du khách đến đây.
Nhìn từ đỉnh Bàn Cờ, tôi biết rằng “Cảng Con hến” hiện ra có lẽ là đúng với ý nghĩa của nó nhất chứ chẳng cần phải từ ngoài biển khơi xa xôi kia. “Cảng Con hến” dịch từ Hiện Cảng (1) vốn là danh xưng mà người Trung Hoa gọi vùng đất Đà Nẵng theo hình thể của núi Sơn Trà và vũng nước theo hướng nhìn thấy từ ngoài khơi vào. Thiên nhiên thật khéo tạo hình thể đẹp đẽ ấy cho con người! Chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn thể của thành phố từ đỉnh Bàn Cờ thì chẳng thể dùng đến một lời lẽ nào vì sợ ngôn từ của mình không đủ để diễn đạt. Vậy nên, cứ để cho ai muốn ngắm thì hãy một lần lên đỉnh...
Trên mạng Internet, tôi thấy bàn cờ trong ảnh của các du khách còn rất nhiều quân, những quân cờ xi-măng to chỉ chực rời khỏi bàn vì du khách tay cầm xem, tay mang về, tay để lại quân sấp quân ngửa. Nhiều du khách cả trong nước, ngoài nước mong lưu niệm phút trầm tư giữa tiên cảnh mà không ngần ngại ngồi đối diện chống cằm, đặt tay lên quân cờ, đứng cạnh tiên ông... Nhưng chính mắt tôi đang đứng nhìn cái bàn cờ ấy: tiên ông ngồi đó ngón tay phải trỏ lên đầu, tay trái cầm bầu rượu, bàn cờ không còn nhiều quân cờ như trước (mỗi bên còn 3 quân: bên xanh còn tướng với cặp pháo; bên đen còn tướng với cặp chốt), các quân cờ xi-măng bây giờ nhỏ hơn, đã được đính cứng vào bàn xi-măng. Thế cờ trên bàn cờ đã được cao nhân đặt thành thế cờ tàn cuộc.
Cái biết cờ tướng lõm bõm khiến trong đầu tôi xuất hiện dấu chấm hỏi to tướng vì câu hỏi của cậu học trò: “Thế tiên ông ngồi đây đang thắng hay thua cô hè?”. Tôi biết truyền thuyết kể lại rằng trong cuộc cờ bất phân thắng bại nhiều ngày, một vị tiên ông vì một lúc lơ là nhìn các tiên nữ vui đùa mà lạc nước cờ nên bị đánh bại. Vị tiên ông đã đá văng bàn cờ xuống biển và bay về trời. Theo truyền thuyết đó, “người dân đặt một bức tượng Đế Thích (2) ngồi một mình bên tảng đá có hình bàn cờ và đỉnh Bàn Cờ có tên từ đó”(3).
Sơ khởi trong ý nghĩ của tôi, nếu đặt bàn cờ này theo đúng truyền thuyết, vị tiên ông ngồi đây không phải là Đế Thích - “vua cờ” thì lời giải thích đã trở nên rõ ràng. Vị tiên ông bay đi trước chính vì biết bạn cờ lạc nước, còn vị tiên ông ngồi lại đây đang vắt óc suy nghĩ còn nước nào để cứu cuộc cờ trong nụ cười không mấy tươi tắn trước khi đá văng bàn cờ xuống biển rồi ngậm ngùi bay đi. Còn “vua cờ” Đế Thích được đặt ở đây, một mình suy nghĩ để giải thế thắng thua cho nước cờ tàn này. Đó chắc không phải là ngụ ý người dân bản xứ trong việc dựng tượng...
Tôi mang theo trên đường về dòng suy nghĩ miên man, mãi suy nghĩ để cứu vãn một thế cờ tàn khi cuộc cờ đã định như vị tiên ông kia hay bận tâm về được mất, thắng thua trong cuộc cờ như vị Đế Thích này chẳng phải là mục đích sống tối thượng trong cuộc đời này. Vậy nên, câu hỏi ai thắng thua của cậu học trò nhỏ của tôi không cần phải giải đáp nữa... Rốt cuộc, phải rời đỉnh Bàn Cờ truyền thuyết, rời khỏi chốn tiên cảnh để về với phố phường.
Một số hình ảnh về Đỉnh Bàn Cờ trên núi Sơn Trà
Tiên ông (hay Đế Thích) với thế cờ tàn trên đỉnh Bàn Cờ.
Cảnh quan trên Đỉnh Bàn Cờ
Sự tích về Đỉnh Bàn Cờ
Du khách trên Đỉnh Bàn Cờ
ST