Lễ hội Pôôn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy, hay mùa gặt gọi là lễ hội mùa mừng cơm mới.
Lễ hội Pôồn Pôông theo quan niệm của người Mường là lễ cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Ờm - Bồng Hương và cũng là dịp về Mường vui vầy cùng các nam thanh, nữ tú. Hình thức nghệ thuật diễn xướng tinh tế này đã tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người Mường, cuốn hút người xem hòa mình vào các trò chơi, trò diễn dân gian.
Chủ của lễ hội là Ậu Máy và các nhân vật như: Enh chàng - Bông danh, nàng Choóng long - Đồng thiếp, Nàng Quắc - cô nàng lắm lý lẽ, vẽ công, vẽ việc cùng tham gia diễn trò.
Pôồn Pôông (tiếng Mường là cuộc chơi hoa) xuất phát từ sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường. Lễ hội và các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng toàn bộ những phong tục, tập quán, phương thức lao động sáng tạo, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của đồng bào Mường. Lễ hội gồm có 48 trò đặc sắc, như: trò chia đất, chia nước, dựng nhà, săn đuổi thú dữ, trồng tỉa lương thực, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông - bói bông, làm cơm mời Mường, mời bạn ăn cơm dam, uống rượu cần…
Cây bông - vật trung tâm trong lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người từ thủa hồng hoang. Trên cây bông bằng tre, cao khoảng 3m, treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm muôn sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng rất bắt mắt; và các mô hình muông thú (chim, cá), nông cụ sản xuất (cày, cuốc), những thành quả chế tác của con người như: bánh chưng, vò rượu, cồng chiêng, quả còn, hòm vàng, hòm bạc tượng trưng cho ấm no, thịnh vượng. Cây bông này chỉ có bà Máy mới làm được và truyền nghề lại cho một vài người khéo tay trong làng, xã.
Dưới gốc cây bông, Enh chàng và nàng Chóng long ngồi đối xứng qua cây bông, trùm khăn đỏ khăn xanh, lúc múa hát, lúc lại soi gương chải đầu, lúc thổi sáo ôi! Nhạc cồng chiêng, tam pu nổi lên rộn rã, bà Máy vừa đi vừa nhảy múa vừa hát Đang:
“Em gái xinh xinh chóng long đồng thiếp ơi!
Em ở đất mường trời cao cao
Đêm nay, em xuống cùng anh.
Chơi bông, chơi hoa em hỡi...”.
Ấn tượng nhất là những điệu múa cùng tiếng cười “hớ hớ hơ!... hớ hớ hơ! của bà Máy cứ vang lên lảnh lót như tiếng chim ca, giục giã, mời gọi, thổi bùng không khí lễ hội rộn rã. Bà Máy như thầy cúng, là người dẫn chuyện kể lại giai thoại sinh ra trời đất, lập bản Mường...; thông báo với thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi, làng mở hội mừng cơm mới, thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, bông lúa nhiều hạt, bắp ngô vừa to vừa mẩy. Bà kể bằng ngôn ngữ văn vần như trong lễ diễn xướng dân gian, vừa kể vừa nhảy múa. Mỗi khi kể đến giai thoại nào là các nam thanh nữ tú biểu diễn các trò mô phỏng hoạt động đó, như: cảnh dân làng đuổi hổ dữ, bắt cá, chọi gà, chọi trâu, trai gái vào hội bói hoa...
Ở Thanh Hoá, vùng nào có người Mường ở là có lễ hội Pôồn Pôông. Lễ hội diễn ra có thể từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm. Đã từng có thời, lễ hội đặc sắc này bị mai một. Từ khi tỉnh Thanh Hóa liên tục 2 năm tổ chức một lần Liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi Thanh Hóa (năm 1987), đã làm sống lại lễ hội dễ làm say đắm lòng người này.
Ai đã từng đến với Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường ở Thanh Hóa cũng đều mê đắm những lời ca, điệu múa hòa trong tiếng cồng, chiêng giục giã, mời gọi, thôi thúc...
ST