Cập nhật: 24/08/2016 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Về làng Đa Sĩ hôm nay du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi của một làng nghề thủ công năm nào. Thay vì những con đường đất, gạch cũ đã xuống cấp là hệ thống đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa. Những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát nhau thay thế cho những nếp nhà xưa. Tuy nhiên có một điều không thay đổi, đó là những âm thanh của tiếng búa, tiếng xè xè của máy mài vẫn đều đặn vang lên từ các xưởng rèn…

Nép mình bên dòng sông Nhuệ nên thơ, làng cổ Đa Sĩ xinh đẹp ngày nay được du khách biết đến là vùng đất của nhiều danh y, danh tướng, tiến sĩ, trạng nguyên lẫy lừng thiên hạ một thời. Theo sử sách, trước đây làng có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sĩ, và cuối cùng là Đa Sĩ (từ giữa thế kỷ 18). Cái tên Đa Sĩ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ. Quả thật, làng Đa Sĩ chưa đầy 3.000 dân là nơi sản sinh ra 11 Tiến sĩ, 1 Lưỡng quốc trạng nguyên được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám. Nổi bật trong số đó là Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh làm quan qua bốn triều vua, là người có công lập nên "Vườn học" duy nhất ở nước ta dưới thời nhà Lê, là Lưỡng quốc trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú được người đời truyền tụng với Sớ 7 điều dâng vua. Hay như danh y Hoàng Đôn Hòa được tôn vinh là "Lương y dược đại vương" dưới thời Lê, được hậu duệ đời đời ghi ơn với 208 phương thuốc trị bệnh cứu người, được coi là ông tổ ngành quân y Việt Nam, và được tôn thờ là Thành Hoàng làng.

Có 38 đạo sắc phong vua ban cho các vị tiến sĩ làng Đa Sĩ được lưu giữ tới ngày nay. Không chỉ là vùng đất có truyền thống hiếu học, Đa Sĩ còn tự hào là một làng nghề có sức sống mạnh mẽ được duy trì từ hàng trăm năm nay: nghề rèn cổ truyền.

Theo lời các bậc cao niên trong làng và những tài liệu của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, nghề rèn ở Đa Sĩ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, những người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác, gậy gộc cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và rèn các nông cụ phục vụ cho sản xuất lao động như cuốc, xẻng…

Nhưng phải đến thời Trần thì Đa Sĩ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hóa truyền dạy bí quyết nghề rèn để tạo ra những sản phẩm tinh xảo cho dân làng. Thời kỳ kháng chiến, Đa Sĩ là nơi chuyên sản xuất và cung cấp giáo mác, dao kéo, quân dụng phục vụ chiến đấu.

 

 Hiện nay, Đa Sĩ có khoảng 900 hộ dân làm nghề rèn, sản phẩm tập trung vào hai mặt hàng chính là dao, kéo các loại.

Các sản phẩm rèn của làng Đa Sĩ hiện diện ở mọi nơi, từ Bắc vào Nam, có mặt trong mọi gia đình, góp phần tham gia vào rất nhiều khâu sản xuất, ngành nghề. Sản phẩm rèn Đa Sĩ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước, từ chiếc cày, bừa, cuốc, xẻng, liềm gặt… phục vụ nông nghiệp đến các chi tiết máy phục vụ công nghiệp, các sản phẩm tràng, đục dành cho nghề mộc, dao quắm, búa kiểm lâm dùng trong lâm nghiệp, hay đơn giản là những con dao, cái kéo dành cho các bà nội trợ. Ngoài những sản phẩm truyền thống, thợ rèn Đa Sĩ còn sản xuất những công cụ chuyên dụng như cuốc dùng trong khảo cổ, dao xén dành riêng cho ngành công nghiệp giấy. Có thời kỳ, sản phẩm rèn của Đa Sĩ được quân đội đặt với số lượng lớn bao gồm các công cụ phục vụ tăng gia sản xuất như cuốc bàn, búa chim… Để có được những sản phẩm tưởng chừng đơn giản ấy, những người thợ rèn Đa Sĩ đã phải trải qua rất nhiều công đoạn gia công. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm nhưng nguyên liệu làm rèn phổ biến vẫn chỉ là gỗ (để làm cán) và thép (sản phẩm). Theo anh Hoàng Văn Toàn - một thợ rèn trong làng thì trước đây nguyên liệu được người dân tận dụng từ những chiếc nhíp xe bỏ đi, sau này là tôn, thiếc, lẹp (phần uốn quanh cổ dao) phần lớn được nhập từ Nam Định.

 

 Khoảng 10 năm về trước, sản phẩm của làng rèn Đa Sĩ hầu hết được làm thủ công. Đầu tiên là xẻ sắt (cắt phôi). Những người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ gần 1.000 độ. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung có màu đỏ trắng sẽ được những người thợ bỏ ra quai búa. Dao kéo của làng rèn Đa Sĩ thường rất bền bởi kỹ thuật nung thép của người Đa Sĩ là không được để "phát hoa" (nung quá lửa) vì như thế dao sẽ dễ bị mẻ, hay khi vừa rèn xong sẽ tôi qua nước đủ thời gian, nếu không dao sẽ bị giòn, dễ vỡ như gang. Do yêu cầu thao tác quai búa phải nhanh, mạnh, dứt khoát, đòi hỏi rất nhiều sức lực của người thợ, vì thế người đứng lò hầu hết là các thanh niên trai tráng trong làng.

Khi những sản phẩm thô đã qua giai đoạn làm phôi, nung, rèn, thì đến giai đoạn "dẻo" (gọt bỏ những phần sắt thừa) để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, sau đó được cho vào lò nung lại cho đỏ trắng rồi "tôi" qua nước trắng khoảng 10 - 15 độ hoặc dầu để lấy màu rồi đến công đoạn gọt cánh. Người thợ gọt cánh phải gọt thẳng xuôi theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ, tay gọt phải khéo, đều để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, như thế sản phẩm mới có độ sắc. Các công đoạn tiếp theo mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán thường được người phụ nữ và thiếu niên đảm nhiệm bởi khâu này chỉ đòi hỏi kỹ thuật chứ không cần đến sức lực.

Theo ông Hoàng Văn Hưng, một chủ lò rèn chuyên nghiệp trong làng thì mỗi hộ rèn ở Đa Sĩ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao sắc bén.

Trước đây, người dân Đa Sĩ mất rất nhiều công sức để làm ra được một sản phẩm. Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện nay rất nhiều hộ gia đình ở Đa Sĩ đã đầu tư nhập máy móc nhằm giảm bớt sức người và tăng năng suất làm việc. Giờ đây, máy móc đã thay cho bàn tay con người ở hầu hết các gia đình. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế như rèn bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy... Nhờ vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Cũng nhờ có máy móc, rất nhiều gia đình ở Đa Sĩ đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn như xưởng Hương Tưởng chuyên làm dao chặt, xưởng Chiến Đoán làm dao thái hay xưởng nhà ông Đạo làm dao nhỏ, dao nhọn.

Hiện nay, mỗi ngày thợ rèn Đa Sĩ có thể mài hàng trăm con dao chất lượng cao cùng với rất nhiều các sản phẩm khác để bán rộng rãi trên khắp cả nước, và xuất khẩu đi các nước Lào, Campuchia. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, vì thế đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.

Cùng với tiến bộ về kỹ thuật và lòng yêu nghề, người dân Đa Sĩ đã gìn giữ được những nét truyền thống của làng nghề xưa và từng bước đưa nghề rèn phát triển mạnh mẽ cùng thời gian trong xu thế hội nhập và phát triển của cả nước. Và cứ vào ngày 27 tháng 3 và 25 tháng tám âm lịch hàng năm, người dân làng Đa Sĩ lại tổ chức cúng lễ hai cụ tổ nghề là Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần rất linh đình nhằm tưởng nhớ những người khai nghiệp cho dân làng có được cuộc sống ấm no như ngày nay./.

ST

 

Tệp đính kèm