Cập nhật: 26/08/2016 16:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội Trám có lẽ là lễ hội duy nhất mang đậm màu sắc phồn thực, đề cao tính dục của người dân đồng bằng Bắc bộ, nơi vốn mang đậm tín ngưỡng của nền văn hóa lúa nước, với những lễ đầu xuân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…Hội Trám được người dân xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ bảo tồn từ bao đời nay với đặc trưng riêng của mình. Trước kia, hội Trám hay trò Trám đã có lúc bị gián đoạn vì chiến tranh nhưng năm 1993 hội Trám đã được phục dựng.

Mở đầu lễ hội là lễ mật, còn gọi là lễ “linh tinh tình phộc”. Sau lễ tế (thường bắt đầu vào lúc 23 giờ kém ngày 11 tháng giêng) do 13  bô lão trong làng thực hiện, đúng giờ Tý (0h) cụ từ miếu Trò thắp hương và rước nõ, nường – hai vật biểu thị cho hai giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ mít, sơn son đỏ) thờ trên ban Thượng miếu Trò xuống và trao cho một đôi nam nữ đã được chọn từ trước.

 

Nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm nõ; nữ mặc yếm, váy ngắn thâm, đầu vấn khăn, cầm nường. Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ từ xin âm dương rồi hô khẩu lệnh: Linh tinh tình phộc! (hô ba lần). Lúc này, tất cả đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt hết. Sau mỗi câu khẩu lệnh: “Linh tinh tình phộc”, đôi nam nữ cầm “nõ, nường” làm các thao tác hoạt động tính giao. Mỗi lần hai vật âm dương chạm nhau, chiêng trống lại nổi lên, dân làng đứng xung quanh miếu lại reo hò vui vẻ - không khí tĩnh mịch giữa đêm khuya được sống dậy tưng bừng.

Sau lễ “Linh tinh tình phộc”, còn có trò “Rước lúa thần” được tổ chức  hết sức long trọng vào sáng 12 tháng giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Trò “Rước lúa”, ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là sự ngợi ca lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa nước.

 

Phần sau cùng của Trò Trám là hội trình nghề “tứ dân chi nghiệp” (sĩ, nông, công, thương) hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài”. Nói là “tứ dân” nhưng thực ra có rất nhiều nghề. Họ diễn trò tại sân miếu rồi kéo ra các đường làng. Ở Trò Trám không có những trò đề cao tài trí, đề cao tinh thần thượng võ... mà chỉ có những trò (và những lời ca) vui nhộn, thậm chí rất tục, mang tính hài hước, mua vui, rất gần với sinh hoạt đời thường (bởi vậy những trò này còn được gọi là trò “nhây nhả”). Truyền thuyết cho rằng “tứ dân chi nghiệp” xuất hiện từ lâu nhằm tiến cúng tổ Hùng Vương và thần Tản Viên đã có công lao dạy cho dân Lạc Việt các nghề nông và thủ công từ thuở dựng nước. Để tỏ lòng biết ơn, hằng năm, dân mở hội trình với thần linh các nghề nghiệp của làng, cầu mong được phù hộ. Dần dần, có sự phân biệt giữa các giới, các ngành; trò trình bốn nghề nghiệp chính: Sĩ, nông, công, thương. Trong ngày hội “bách nghệ khôi hài”, các nhân vật công diễn các vai thợ cày, thợ cấy, thợ mạ, thợ gặt, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá,… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho dân làng. “Bách nghệ khôi hài” là ngày hội tự do, chỉ tuân thủ các nghi thức cần thiết khi hành lễ, các trò chơi đều do quần chúng tham gia tự phát. Do đó, nó có những màn hoạt cảnh, mang nhiều yếu tố của sân khấu dân gian. Bổ sung cho các động tác là những lời ca, những lời ca ngoa dụ, phong phú, đầy ẩn ý, vừa được nâng cao về mặt nghệ thuật, vừa giữ tính chất hài hước; luôn gợi mở sự liên tưởng, tục nhưng thanh…

Trước kia do định kiến cho rằng màn “linh tinh tình phộc” tục tĩu nên suốt một thời gian dài mấy chục năm sau cách mạng tháng Tám nó bị cấm cửa, không được diễn mặc cho mỗi độ tiết mưa phùn đầu xuân, dân Tứ Xã lại tha thiết nhớ về hội vui thủa nào. Đến năm 2001, khi miếu Trò được dựng lại, thì người xóm Trám thật vô cùng hãnh diện. Miếu Trò, nơi diễn ra trò Trò, từ đó hằng năm đã trở thành trung tâm lễ hội của người Tứ Xã, Lâm Thao; thành nét đẹp riêng có của lễ hội vùng đất Tổ.

 

ST

Tệp đính kèm