Đây là lần đầu tiên, một nữ nhà báo thực hiện triển lãm ảnh về Trường Sa với những cảm xúc nồng nàn, sâu lắng.
Vinh dự đến với Trường Sa, đi công tác, đi làm nhiệm vụ tại Trường Sa thì riêng ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã có hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, diễn viên. Và lẽ đương nhiên những bài báo, bài thơ, bản nhạc, lời ca, tiếng hát, bức ảnh… của các nhà báo, diễn viên, nhạc sĩ, nhà thơ… đã đem đến cho thính giả, khán giả, độc giả ở trong nước cũng như nước ngoài những “nhịp đập hơi thở cuộc sống” của người lính biển Việt Nam trong sự nghiệp gìn giữ biển đảo Tổ quốc.
Nhưng chỉ mới một lần đến với Trường Sa, lại là lần đầu tiên, rồi sau chưa đầy 3 tháng ra mắt một cuộc triển lãm ảnh bề thế tại nhà triển lãm trung tâm 45 Tràng Tiền, Hà Nội cho thấy phần nào khả năng lao động sáng tạo của nữ phóng viên Mỹ Trà.
Phóng viên Mỹ Trà tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thế Hưng
Đến với Trường Sa, vào cuối mùa biển lặng Mỹ Trà được trải nghiệm đủ các cung bậc cảm xúc: Náo nức khi tàu sắp đến các điểm đảo chìm nổi, lại nôn nao đến mức xây xẩm mặt mày khi sóng lừng, biển động do áp thấp nhiệt đới; Bịn rịn chia tay các chàng lính đảo tươi trẻ rắn rỏi, những ánh mắt trẻ thơ trong veo… và cả những cái đuôi vẫy tít của bầy cún con; Những buổi hoàng hôn, những bình minh của tác giả được định danh bằng những cái tên riêng rất đỗi thân thương Tiên Nữ, Cô Lin, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa lớn, Trường Sa Đông… mang hình hài Tổ Quốc. Tất cả đã được Mỹ Trà ghi lại trong khuôn hình để hôm nay công chúng có dịp thưởng ngoạn.
Đảo Đá Lát (Ảnh: Mỹ Trà)
Có lẽ, do niềm mong ước từ lâu, nên trong suốt hải trình 10 ngày, được đặt chân tới gần 20 điểm đảo của Trường Sa, Mỹ Trà đã không bỏ phí thời gian tác nghiệp để biến ước mong thành hiện thực. Nghề làm báo mạng quen thức khuya, nhưng Mỹ Trà cũng lại tiếc không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc bình minh lên ở những nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất nước. Tác nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi có thể: vẹo sườn trên mạn tàu, cheo leo trên bậc thang nhà giàn DK, chót vót trên ngọn hải đăng, chon von trên vách đá… để thu vào ống kính nhhững khuôn hình “nặng trĩu tâm tư, tràn đầy cảm xúc”.
Nghệ thuật nhiếp ảnh là nắm bắt khoảnh khắc cảnh vật, thời gian ngưng đọng. Tác phẩm: “Diệu kỳ Trường Sa” dường như chạm đến được niềm tâm cảm “ở hai đầu nỗi nhớ”, khi mà chiếc cầu vồng bảy sắc như vô tình nối ngọn hải đăng Đá Tây với dáng hình của người chiến sĩ Hải quân đang quay lưng, mà người xem vẫn như thấy ánh mắt “trông vời Biển đảo”.
Chỉ có đi và đến mới có được góc máy một cách tự nhiên “vô tình mà hữu ý này”. Bức hình ngẫu nhiên khó có thể lặp lại, như lời nhận xét của giới chuyên môn: “Tác phẩm thành công ngoài ý muốn tác giả”.
Diệu kỳ Trường Sa (Ảnh: Mỹ Trà)
70 tác phẩm tại triển lãm trưng bầy theo 3 nhóm chủ đề: sắc mầu Trường Sa, vẻ đẹp lính biển Việt Nam, đời sống tinh thần trên đảo… dường như chỉ là khái niệm phân định tương đối khi mà chủ đề này đan xen trong chủ đề khác trong bố cục mỗi tấm hình. Điều này cũng khó cho tác giả khi đặt tên cho những đứa con tinh thần của mình… để làm sao truyền tải đến cho công chúng thưởng ngoạn những vẻ đẹp cao quý mà bình dị của mỗi người dân, mỗi người lính biển Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió.
Mắt biển. (Ảnh: Mỹ Trà)
Nụ cười lính biển. (Ảnh: Mỹ Trà)
Bạn của lính đảo. (Ảnh: Mỹ Trà)
Có một Trường Sa - nơi ta đến, cảnh sắc đẹp đến nao lòng.
Có một Trường Sa - nơi ta đến, cuộc sống bình dị, chan hòa tình quân dân.
Có một Trường Sa - nơi ta đến, hội đủ sắc thái đời sống tinh thần của người dân nước Việt.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ lan tỏa cảm xúc “bâng khuâng Trường Sa”, khi đến với triển lãm “ Trường Sa - nơi ta đến” của nữ nhà báo VOV Mỹ Trà./.
Theo Lê Quốc Hưng/VOV5.VOV.VN