Cập nhật: 01/09/2016 09:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

 

Một tiết mục đặc sắc của trò Xuân Phả. Ảnh: Internet

 Hội Xuân Phả diễn ra vào 10/2 âm lịch hàng năm, tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nhằm suy tôn Đông Hải đại vương, âm phủ và Vua Đinh, Lê.

Xưa kia, lễ hội Xuân Phả huy động sự tham gia của dân chúng trong 5 thôn, mỗi thôn đảm trách một trò. Dân mỗi thôn tự chuẩn bị cờ hiệu, cờ lệnh, trống chiêng, kiệu rước, lễ vật,... và tập luyện vũ điệu riêng của mình. Đến ngày tổ chức lễ hội, các thôn rước lễ vật ra nghè. Đoàn rước có các vũ công trong trang phục “ngoại quốc”, cờ, kiệu, người hộ giá, trống chiêng vang động khắp làng. Vào sân nghè, các đoàn dâng lễ lên bàn thờ thành hoàng và trình diễn “hầu thánh” vũ điệu của thôn mình. Qua đó tỏ lòng tạ ơn vị thần bảo mệnh (Đại Hải Long Vương) vì đã có công phù trợ cho dân an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Trò Xuân Phả có năm bộ trò tiêu biểu gồm: trò Hòa Lan, trò Ai Lao, trò Chiêm Thành, trò Tú Huần và trò Ngô Quốc, mô phỏng các hoạt động của quốc gia, tộc người láng giềng đến yết kiến, tiến cống nhà vua nước Việt.

Hầu hết đạo cụ diễn trò Xuân Phả đều chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si.

Các loại nhạc cụ gồm trống, nhị, hồ, thanh la, não bát. Trống có đường kính mặt 60- 65 cm nhưng phải có tiếng và âm phù hợp với loại hình trò diễn. Mõ có hình dáng cong lưỡi liềm, dài khoảng 20cm được chế từ gốc tre già, mặt ngoài được làm nhẵn, bên trong đục rỗng để có độ cộng hưởng âm thanh.

Theo một số tài liệu của địa phương, trò Xuân Phả ra đời vào thế kỷ XV (thời Hậu Lê). Nhưng có ý kiến cho rằng trò diễn này ra đời từ thời nhà Đinh.

Trò Xuân Phả là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn ở Thanh Hóa sau hàng trăm năm qua cho đến ngày nay./.

ST

Tệp đính kèm