Hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng, ba thôn: Đào Nguyên, Ngự Câu và An Hạ thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại tổ chức lễ hội truyền thống đình để tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị thành hoàng. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Theo thần phả thì đình làng An Hạ xưa kia thờ gia đình cụ Đỗ Thiện. Ông là một cựu thần thuộc triều vua Thục Phán An Dương Vương. Năm Đinh Hợi, 214 trước Công nguyên, khi giặc Tần xâm lược nước ta, ông Đỗ Thiện cùng hai người vợ và chín người con đã tham gia đánh giặc. Sau khi giành chiến thắng tại vùng Lĩnh Nam, nhà vua đã mở lễ mừng công và phong chức “vương” cho gia đình ông. Sau này, gia đình ông được nhân dân suy tôn làm Thành hoàng đình Đụn.
Theo thần phả ghi lại, Thành hoàng thôn An Hạ nay là bà Đỗ Thị Bảo, con gái Thái công Đại vương Đỗ Thiện. Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm, bà được vua phong tước “Huyền Vũ phong tư đệ lục vị công chúa”, nay còn có bài vị tại đình.
Phần lễ của lễ hội diễn ra trang nghiêm gồm lễ rước kiệu thánh và lễ dâng hương. Điều đặc biệt của lễ hội đình An Hạ là lễ rước từ đình làng ra quán. Do điều kiên giao thông thành phố, nên thường thì 5 năm 1 lần hội làng mới tổ chức lễ rước.
Lễ rước gồm năm kiệu, mỗi kiệu do hơn 20 thanh niên trong làng được tuyển chọn khiêng. Năm chiếc kiệu gồm: kiệu thánh để bài vị, kiệu văn, kiệu hoa, kiệu oản và kiệu hương. Sau khi đến đạo quán, các chiếc kiệu được đặt tại đó. Đại diện những người cao tuổi trong thôn do một người làm chủ tế tổ chức tế lễ thánh, dâng hương. Đến chiều, năm chiếc kiệu lại được rước về đặt tại sân đình. Trong khi lễ rước diễn ra, nhân dân hai bên đường đã lập các ban thờ để lễ thánh phía ngoài cửa nhà mình.
Phần hội còn có rất nhiều những trò chơi dân gian như mở chiếu chèo, cờ người… thu hút đông đảo bà con tham gia.
Có thể nói, đây là một trong số những lễ hội đình làng đặc sắc của khu vực đồng bằng Bắc bộ. Nó mang đậm giá trị văn hóa làng xóm của người dân Việt Nam cần được bảo tồn và phát huy.
ST