Nằm cách Trung tâm Hà Nội chừng 30 km về phía Đông Bắc, làng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) lặng lẽ lưu giữ một nghề truyền thống: nặn Tò He. Đã có một thời gian dài nghề nặn Tò He tưởng như đã bị mai một.
Nhưng trong những tháng năm thăng trầm, khó khăn đó người dân Xuân La vẫn bình lặng "thổi hồn" vào những con giống Tò He, để lưu giữ và phục hồi một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Chúng tôi đến nhà ông Học- một trong số rất ít nghệ nhân ở Xuân La vẫn còn giữ nghề. Trước sân nhà, cả hai ông bà và các cháu nội ngoại đang say sưa với những màu sắc nhuộm tươi rói của phẩm được hoà quyện cùng thứ bột gạo nếp rẻo quánh. Đôi tay ông già nua, gân guốc nhưng uyển chuyển khéo léo đến lạ kỳ. Chỉ trong một lúc các con giống 12 con giáp, rồi các loài hoa... lần lượt hiện ra với đủ màu sắc sinh động, cắm gọn gàng trên chiếc kệ nhỏ. Đám cháu của ông túm tụm quây xung quanh chăm chú theo dõi từng động tác, từng cử chỉ từ đôi bàn tay của người ông.
Ông Học năm nay đã xấp xỉ vào cái tuổi xưa nay hiếm. Ở cái tuổi của ông, vui thú với con cháu là một niềm hạnh phúc. Nhưng với ông, có một niềm vui nữa là được nặn Tò He. Chẳng phải để bán mà chỉ để cho đỡ nhớ nghề và dạy bảo cho con cháu. Ông kể về nghề nặn con giống của làng: "Tò He có từ bao giờ ư…? Cả ông tôi và cha tôi cũng không biết. Chỉ biết từ khi còn bé, ông tôi, cha tôi và tôi đều theo chân những người đi trước lang thang “tứ chiếng giang hồ” mưu sinh cùng với nghề nặn Tò He này…" Tò he được làm từ bột gạo nếp. Bột phải được nghiền từ thứ gạo nếp dẻo mà trắng, tròn mà thơm. Gạo được nhặt sạch sạn, thóc… sau đó đem nghiền mịn đến độ vê trên tay mà tay không có cảm giác dính. Thứ bột ấy sau đó được cho vào nồi luộc chín. Luộc bột cũng đòi hỏi kĩ thuật và kinh nghiệm. Phải "canh" thời gian, sức lửa cho bột vừa chín tới. Nếu bột chín quá thì thành ra ướt, nhão. Sống quá thì khô, nặn sẽ nứt. Bột sau khi luộc chín sẽ được trộn đều với phẩm màu. Mầu được chế từ thực vật nhằm tránh độc hại cho trẻ những khi chúng ăn tò he. Trộn màu vào bột nặn "Cái việc nặn Tò He này có tác dụng giáo dục trẻ em sâu sắc, hướng con người tới cái thiện..."- ông Học bảo vậy. Nghệ nhân của làng quả không ít.
Ông Học giới thiệu chúng tôi tìm đến nhà ông Thuận, ông Tố, ông Hợp, ông Nghệ, ông Thanh… họ đều thuộc tầng lớp gạo cội của làng, đã từng vào Nam ra Bắc mưu sinh cùng nghề nặn con giống. "Một thời, nhiều người hờ hững với con giống Tò He lắm, vì trẻ nhỏ đã có bao nhiêu thứ đồ chơi hấp dẫn, hiện đại. Rất mừng là đến nay, Tò He đã tìm được chỗ đứng trong “làng đồ chơi” cho trẻ nhỏ”. Ông Nguyễn Văn Tố, một nghệ nhân của làng tâm sự.
Anh Đào Duy Mến trưởng thôn Xuân La hồ hởi khoe với chúng tôi: “Một sự kiện được coi là trọng đại và vui nhất của người dân làng xuân La là tháng 7/2005, nhân dịp kỉ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận đã chính thức đại diện cho làng, nước đưa Tò He “xuất ngoại” - đi Mỹ để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Đó là niềm vui và vinh dự lớn cho người dân Xuân La". Ngày nay Tò He cũng đã có những hợp làm đồng ăn lớn từ các nơi đến đặt hàng. Những người thợ của làng chuyên cần chăm chỉ như những con ong, ngày ngày toả đi khắp nơi để nặn bán, giới thiệu Tò He đến với mọi người.
Những con Tò He sẽ lại tiếp tục ra đời, không chỉ là thứ đồ chơi với con trẻ mà còn là một nét văn hóa truyền thống đang được các thế hệ nối tiếp ở Xuân La gìn giữ mãi./.
ST