Chùa Đại Giác tọa lạc tại ấp Nhị Hoà, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), thành phố Biên Hòa. Đây là vùng đất thanh tịnh giữa cù lao Phố, địa cảnh phong quang. Chùa được khởi dựng năm nào chưa rõ.
Tương truyền, chùa do nhà sư Thành Đẳng lập dựng. Nguyên thủy, chùa Đại Giác là một ngôi chùa nhỏ, thấp, vách ván, cột cây, mái lợp ngói âm dương.
Đến nay, chùa Đại Giác truyền trên 10 đời trụ trì, trong số có 3 vị sư tổ có nhiều công đức được nhiều đời truyền tụng: Hòa thượng Thành Đẳng, hiệu Minh Lượng (1686-1769), Thiền sư Linh Nhạc, hiệu Phật Ý, đặc biệt là nhà sư Tổ Ấn, tức Mật Hoằng (1735-1835) được nhà Nguyễn phong Tăng Cang, rước ra trụ trì tại nhiều ngôi chùa danh tiếng ở kinh đô. Ông là một danh tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Chùa Đại Giác trải qua nhiều lần trùng tu. Kiến trúc thờ tự hiện tồn của chùa theo lối chữ nhị, kiểu thức mặt tiền theo lối lầu chuông, lầu trống. Phần chánh điện với không gian thoáng rộng nhô lên. Chánh điện là căn nhà ba gian rộng lớn: gian ở giữa là điện thờ trang nghiêm, ở trên cao là tượng Phật Di Đà bằng gỗm cao 2,25 Châu Mạ của vua Gia Long cúng dường, phía dưới là bộ Di Đà Tam tôn, tượng Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan Đà, Hộ Pháp... lại có thêm cả tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu.
Phía trước (gần cửa ra vào) là giàn đèn Phật Dược Sư gồm 49 cây đèn dầu nhỏ với 49 tượng Phật bằng gỗ nhỏ, chân giàn đèn chạm trổ rất mỹ thuật. Gian bên trái là khánh thờ Tổ Sư Bồ đề Đạt Ma. Gian bên phải là khánh thờ Quan Thánh Đế Quân. Hai bên tường (tả, hữu) có bệ thờ 5 vị Diêm Vương và hai vị Phán Quan.
Nhìn chung tượng thờ ở chùa Đại Giác khá cổ, chủ yếu là tượng gỗ, tượng đất rất hiếm tượng tạc bằng chất liệu xi măng.
Nội thất chánh điện có nhiều bức hoành phi ghi những câu như: “Chánh pháp xương minh”, “Pháp vũ triêm ân”, “Từ vân phổ phú”, “Ngũ diệp lưu phương”...Phía sau chánh điện là bàn thờ Tổ Sư hoằng hóa ở chùa Đại Giác, gồm nhiều long vị của các thiền sư phái Lâm Tế, trong đó có long vị của chư Tổ xưa nhất là Thiền sư Thành Đẳng (phái Lâm Tế đời 34), Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc và Giác Liễu Thiệt Truyền (đời 35), Tổ Ấn – Mật Hoằng (đời 36).
Tiếp sau chánh điện là nhà khách. Nhà khách có không gian thoáng rộng, hoành tráng. Nơi đây, thờ Phật Chuẩn Đề và khánh thờ Linh Sơn Thánh Mẫu...Phía cuối là phòng ở của chư tăng, bên hông là Trai đường, phía sau là Nhà trù (bếp).
Trong lịch sử, chùa Đại Giác gắn liền với những sự kiện được sử sách ghi chép như: Vào năm 1779, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, người con gái thứ ba của Nguyễn Ánh đến náu chốn cửa thiền Đại Gíac và bình yên vô sự. Sau này, khi Nguễn Ánh lập nên thanh thế, xưng vương đã nhớ đến mà ban chỉ trùng tu chùa.
Vua Gia Long chỉ dụ cho quan quân địa phương (trấn Biên Hòa) cho binh thợ đến xây cất và cho tượng binh đem voi đến dặm nền chùa. Vì vậy, sau này gọi chùa Đại Giác là “Chùa Tượng” (Chùa Voi). Dịp này, Gia Long còn cúng cho chùa Đại Giác một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít rất lớn, cao 2,25 mét, nên nhân dân địa phương còn gọi chùa Đại Giác là “Chùa Phật lớn”. Hiện nay, pho tượng này vẫn còn thờ tại chánh điện của chùa.
Năm 1820, vua Minh Mạng tiếp tục cho tu sửa mở rộng nhà chùa. Dịp này, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng cho chùa tấm biển “Đại Giác Tự” sơn son thếp vàng, bên phải có khắc: “Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh”, bên trái khắc: “Minh Mạng nguyên niên, mạnh Đông, cốc đán”. Tiếc thay, bức hoành phi thếp vàng thật không còn nữa bởi những kẻ coi trong sự tham lam hơn lòng thành chốn cửa thiền lấy mất. Ngày nay, một tấm hoành phi với nội dung như trên treo trước chùa chỉ là “ bản sao ” như gợi nhớ về một người thuộc dòng hoàng gia công đức cho chùa.
Đặc biệt ở mặt tiền chùa có hàng hiên rộng rãi. Các cột phía trước đều có câu đối. Các cặp câu đối đều được bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác ở mỗi vế:
Đại điện huy hoàng ưu bát hoa khai ngưỡng thụy nhựt
Giác lâm tịch tĩnh bồ đề thụ trưởng tống xuân phong
(Đại điện huy hoàng hoa ưu bát nở đón ngày lành chào bóng dương.
Rừng thiền yên lặng, cây bồ đề lớn tiễn gió xuân).
Đại hiệu Di Đà pháp giới tàng thân tùy xứ hiện
Giác danh cực lạc tịch quang chân cảnh cá trung huyền
(Hiện Đại, pháp giới Di Đà ẩn hình, tùy nơi xuất hiện.
Tên Giác, cỡi cực lạc tịch quang chiếu bóng, đỏ lối u huyền).
Đại thể Di Đà, kim tướng quang minh chu cực lạc.
Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh hóa Sa Bà.
(Đại thể Di đà, tượng Phật sáng rực miền cực lạc,
Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh cõi Ta Bà)
Dấu tích kiến trúc chùa xưa Đại Giác không còn được bảo lưu qua các lần trùng tu. Kiến trúc hiện tồn được xem như nét chấm phá làm đa dạng cho kiến trúc chùa chiền ở vùng đất Biên Hòa. Với lịch sử khai sơn khá sớm, cùng với các chùa cổ khác, chùa Đại Giác là một di tích có giá trị lịch sử cho sự phát triển của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
ST