Cập nhật: 11/09/2016 11:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù, hiện mũ bảo hiểm là vật dụng gắn liền với người tham gia giao thông, nhưng nón vẫn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt. Hình ảnh áo dài cùng chiếc nón lá đã trở thành biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam. Đây cũng chính là cội nguồn sức sống mãnh liệt của làng nghề nón Chuông ở Hà Nội.

Nón làng Chuông nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm nón hàng trăm năm qua. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái; nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón.

Theo người dân ở đây, vật dụng làm nón gồm lá, chỉ và khung nón. Lá là chất liệu quan trọng làm nên chiếc nón được lấy từ hai loại cây giống như cây cọ, mọc ở những vùng đồi núi. Với loại lá non còn búp, chưa xòe ra hẳn, người ta cắt về phơi khô 2 - 3 nắng, rồi đem ủi phẳng. Phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa cho nóng trước khi chà nhẹ lên lá cho thẳng. Các vòng tròn nhỏ dần đến chóp nón tạo ra khung nón.

Thường mỗi mối buộc được dùng guột hoặc mây bện lại rất chắc chắn và đẹp mắt. Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn và sự bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông trông đơn giản, nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ khi làm. Khung nón làm bằng tre ngâm kỹ vừa dẻo dai lại rắn chắc, gồm 16 vành. Ðây được coi là công thức bắt buộc đã chọn lọc phù hợp với thực tế thông qua bao đời người thợ làm nón Chuông.

Nón làng Chuông giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến việc làm nón. Thế nhưng, điều lạ là không biết rõ ai là ông tổ của nghề nón, chỉ nghe tổ tiên kể lại chiếc nón ra đời và gắn bó với mảnh đất Chuông giàu văn hóa từ thuở nào. Những chiếc nón trắng đặc trưng của làng từ thời phong kiến đã từng được tiến cung dâng hoàng hậu, công chúa trong cung cấm.

“Nón làng Chuông đã có thời gian dài liêu xiêu, người dân bỏ nghề ra trung tâm Thủ đô kiếm sống. Nhưng, với cách làm mới, mở rộng thị trường, giữ gìn nét đẹp áó dài gắn liền với nón lá của người phụ nữ Việt Nam, người làng Chuông đã vượt qua khó khăn và phát triển” - đại diện một doanh nghiệp nón làng Chuông cho biết.

Theo lịch sử ghi lại, ông Hai Cát là người có công mang nón Xuân Kiều (còn gọi là nón Ba Đồn) về làng sản xuất thay cho các loại nón cổ. Năm 1930, ở hội chợ Đấu Xảo - Hà Đông, nón của ông Hai Cát đã được đánh giá rất cao và chính quyền sở tại đã cấp giấy hành nghề, được Hiệp hội Hàng nón chứng nhận chất lượng cao hơn nón Huế, ông đã trở về bản quán với nghề làm nón mới cùng với 6 cái giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Chợ nón làng Chuông họp theo phiên, vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hằng tháng. Có 6 phiên một tháng và 72 phiên chợ trong một năm. Thời hoàng kim, cả làng lúc nào cũng sáng đèn, như một công trường thu nhỏ. Nhưng, nón làng Chuông cũng có những giai đoạn vô cùng khó khăn, bởi mũ thời trang phát triển rầm rộ, rồi thì mọi người đi xe gắn máy đều buộc phải đội mũ bảo hiểm, nên sức tiêu thụ nón lá giảm mạnh. Dù vậy, nhưng người làng Chuông vẫn quyết tâm vượt qua cơn “khủng hoảng” đó để giữ nghề mà cha ông đã lưu truyền hàng trăm năm nay.

Nón làng Chuông ngoài việc tham gia vào nhiều sự kiện như SEA Game 22, APEC 2006 và nhiều hội chợ quốc tế, người dân đã nhanh chóng chuyển đổi thói quen sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang hướng liên kết, chuyên môn hóa, hình thành bộ phận chuyên cung cấp nguyên vật liệu và bộ phận gom hàng giải quyết đầu ra. Nón làng Chuông đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore. Việc quảng bá du lịch đã lan tỏa đi nhiều nước, nên xã đã thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan.

Hiện xã Phương Trung có khoảng 3.000 hộ (chiếm 95%) làm nón, mỗi ngày sản xuất trên 2.000 chiếc. Các cụ từ 80 đến 90 tuổi ở Phương Trung vẫn tham gia làm nón, có cụ khâu được 2 chiếc/ngày, tiền lãi được khoảng 50.000 đồng. Làng cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp trẻ sản xuất và kinh doanh nón mạnh dạn, tiên phong và làm giàu từ nón.

ST

Tệp đính kèm