Cập nhật: 10/09/2016 10:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

An sinh xã hội, chính sách bảo hiểm cho lao động di cư… là những nội dung sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AMFL) lần thứ 9 diễn ra vào 9-10/10 tại Lào.

Ngày 9/9, Bộ LĐTB&XH tổ chức cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho AMFL lần thứ 9.

Diễn đàn năm 2016 sẽ có chủ đề “Chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người lao động di cư trong ASEAN thông qua tăng cường an sinh xã hội”. Các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về tình trạng an sinh xã hội cho người lao động di cư trong ASEAN và những hoạt động hướng tới tính linh hoạt của an sinh xã hội.

Theo thống kê mới nhất, hiện tại khu vực ASEAN có hơn 350 triệu lao động, trong đó có 15 triệu người lao động di cư; người lao động trong khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động và bảo trợ xã hội chiếm khoảng 60%.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư trong ASEAN, bà Celine Peyron Bista, Văn phòng ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, rào cản lớn nhất là vấn đề pháp lý. Thực tế, người lao động di cư không được hưởng các quyền lợi về thuế, vẫn còn thiếu hiệp định song phương trong khuôn khổ ASEAN về vấn đề an sinh xã hội. Mặt khác, lao động di cư cũng có xu hướng tham gia vào khu vực phi chính thức là chủ yếu và người di cư bất hợp pháp sẽ không được hưởng các quyền lợi về an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia sẽ có những loại hình chính sách khác nhau về BHXH, quỹ tiết kiệm, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Trình độ năng lực quản lý và vận hành hệ thống an sinh xã hội cũng không đồng đều giữa các quốc gia.

Các ý kiến tại cuộc họp đã thảo luận về việc thực hiện các bước đi tiếp theo để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động di cư.

Cụ thể, đối với các quốc gia tiếp nhận cần mở rộng phạm vi pháp lý của luật pháp, cần có các cơ chế đặc biệt để bảo đảm khả năng tiếp cận (yêu cầu về đăng ký, chi trả cho các quyền lợi tại nước phái cử), thông tin cụ thể về các cơ chế hiện tại (quyền và nghĩa vụ, cơ chế thu hút).

Đối với quốc gia phái cử cần cung cấp thông tin cụ thể cho lao động trước khi lên đường và có trao đổi thường xuyên với các cơ quan tuyển dụng, bảo vệ lãnh sự.

Đặc biệt, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bên phái cử và nước tiếp nhận thông tin về các chính sách hiện hành, điều kiện hưởng; đưa an sinh xã hội thành một yêu cầu trong các thỏa thuận lao động, đàm phán các hiệp sinh an sinh xã hội song phương và đa phương; chia sẻ kinh nghiệm giữa ASEAN và các khu vực khác.

Sau khi kết thúc cuộc họp quốc gia, các khuyến nghị cho AMFL của Việt Nam sẽ được soạn thảo và thông qua. Trong đó, sẽ chú trọng đến việc hướng tới thực hiện các hành động quốc gia về mặt luật pháp và thực hiện để mở rộng an sinh xã hội cho người lao động di cư; chỉ rõ các thách thức trong các lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thương tật; khuyến nghị ASEAN đưa ra các chiến lược để hướng tới một hệ thống BHXH cho tính di động cho người lao động di cư.

Thu Cúc

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm