Năm học 2016-2017, bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng đang diễn ra tại tỉnh Kiên Giang.
Nhiều trường học được xây dựng mới nhưng thiếu giáo viên, ở Phú Quốc. Ảnh Lam Hiếu .
Thực trạng này xảy ra liên tục gần 10 năm nay, mặc dù ngành giáo dục tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp thu hút giáo viên nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Tại Trường THCS Dương Đông I, ở huyện đảo Phú Quốc, năm học này tiếp nhận gần 2.300 học sinh, tăng gần 300 học sinh so với năm học trước. Mặc dù số lượng học sinh đến trường tăng vọt nhưng số lớp học và biên chế giáo viên không đổi khiến cho ngôi trường này luôn trong tình trạng quá tải.
Cô Lê Thị Thu, Phó hiệu trưởng trường THCS Dương Đông I cho rằng: “Biên chế 52 lớp thì hiện nay trường còn thiếu khoảng 19 giáo viên. Từ đó việc phân công nhiệm vụ cho giáo viên cũng như sắp xếp chỗ ngồi cho các em, sắp xếp lớp học gặp rất nhiều khó khăn”.
Năm học 2016-2017 huyện Phú Quốc đón trên 18.000 học sinh đến trường ở ba cấp học gồm giáo dục mầm non, tiểu học và THCS, tăng 816 học sinh với 12 lớp. Trong đó, khối THCS tăng 471 học sinh. Toàn ngành hiện có 1081 cán bộ, giáo viên, so với định biên cho phép thì Phú Quốc vẫn còn thiếu 136 cán bộ giáo viên ở ba cấp học. Riêng Ban giáo hiệu hiện vẫn còn thiếu 16 cán bộ, trong đó ở các xã Bãi Thơm, Cửa Dương và Dương Tơ có 3 trường Mầm non được xây dựng mới nhưng vẫn chưa có Ban giám hiệu.
Thầy Đống Thành Đạt - Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Quốc cho rằng: Vài năm trở lại đây, tình hình nhập cư từ đất liền ra đảo Phú Quốc gia tăng mạnh. Nhiều gia đình đã chuyển con em ra Phú Quốc học, nên các trường phải thu tuyển thêm học sinh thuộc nhóm đối tượng này. Nhiều trường ở hai trung tâm thị trấn Dương Đông và An Thới đã trở nên quá tải dẫn đến tình trạng thiếu phòng học và thiếu giáo viên.
Trước tình hình này Phòng GD-ĐT huyện Phú Quốc đã kiến nghị cấp trên tăng cường biên chế giáo viên cho Phú Quốc. Phòng cũng chỉ đạo cho các trường có số lượng học sinh tăng cao, khắc phục khó khăn bằng biện pháp ghép lớp, bố trí số học sinh mỗi lớp đông hơn so với quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Theo Sở GD-ĐT Kiên Giang, tình trạng thiếu giáo viên không chỉ ở Phú Quốc mà là thực trạng chung của ngành giáo dục ở Kiên Giang diễn ra từ cách đây hơn 10 năm. Mỗi năm học, toàn ngành thiếu khoảng 1.000 giáo viên. Những năm trước giáo viên thiếu chủ yếu là các môn năng khiếu và tin học ở bậc trung học cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: Tình trạng giáo viên thừa- thiếu cục bộ và không đồng bộ ở một số ngành học, cấp học và địa phương là do Kiên Giang có điểm xuất phát thấp. Đội ngũ nhà giáo của tỉnh huy động từ nhiều nguồn và chắp vá vì vậy để có một đội ngũ giáo viên vừa mạnh vừa đáp ứng cơ cấu của các ngành học thì cần phải thực hiện lâu dài. Trong thực tế do có một bộ phận giáo viên đầu vào thấp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay nên đến khi giải quyết cho nghỉ hưu hoặc nghỉ chính sách thì mới khắc phục được.
Thứ hai là qui định thẩm quyền về giao biên chế cho sự nghiệp giáo dục có sự thay đổi. Trước đây do HĐND tỉnh quyết định. Từ khi thực hiện Nghị định 41 về vị trí việc làm thì thẩm quyền này phải do Chính phủ và Bộ Nội vụ phê duyệt nên thường chậm hơn. Do vậy, nếu được giao biên chế kịp thời thì mới có thể khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.
Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang đề nghị: “Nếu chưa có biên chế hoặc chưa tổ chức ngay kỳ thi tuyển thì UBND tỉnh và các cơ quan chức năng nên cho cơ chế hợp đồng với các giáo sinh ra trường thực hiện như hợp đồng 3 tháng trở lên thi có bảo hiểm rồi để giữ chân các cháu cho đến kỳ thi tuyển thì lúc bấy giờ mới giữ được lực lượng này”.
Theo Lam Hiếu/VOV.VN