Cập nhật: 13/09/2016 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng 6 đầu tháng 7 âm lịch là làng nghề làm đèn Trung thu Mật Sơn, phường Đông vệ, TP Thanh Hóa lại nhộn nhịp vào vụ sản xuất mới.

Những chiếc đèn ông sao với đủ các kích cỡ, đa dạng màu sắc, hình ảnh đã được sản xuất trong mỗi dịp Tết Trung thu

Từ ngôi làng truyền thống này, những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao truyền thống tỏa đi mang Tết Trung thu đến với trẻ em mọi miền của Tổ quốc.

Nghề đèn cũng lắm công phu

Mật Sơn là một làng thuộc Phường Đông vệ - TP Thanh hóa, đây là một làng nghề làm hoa giấy, hàng mã, được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề truyền thống. Có mặt tại làng ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã nghe thấy tiếng chẻ thanh nan, tiếng cắt giấy bóng kính nhộn nhip hối hả.

Bà Châu Thị Thanh - chủ cơ sở sản xuất Minh Thanh thuộc khu phố Mật Sơn II, cho biết, làng đèn ông sao này đã xuất hiện rất lâu, khoảng từ thế kỷ trước. Khi đó, các sản phẩm của làng như hoa giấy, hoa ni lông và đèn ông sao đã có mặt trên tất cả các phiên chợ trong tỉnh Thanh Hóa.

Cứ đến khoảng cuối tháng Bảy, tháng Tám âm lịch là cả làng bắt tay vào làm các loại đèn trung thu cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Làm đèn ông sao cũng rất kỳ công, ngoài việc phải lựa chọn kỹ về nguyên liệu thì thời gian để các tay nghề làm nên những chiếc đèn ông sao có kích thước lớn mất cả tuần liền

Nhìn những chiếc đèn lồng mộc mạc và bình dị được làm từ hai nguyên liệu chính là tre và giấy bóng kính nhưng không phải ai cũng hiểu hết được sự kỳ công, cầu kỳ trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu và sản xuất đèn lồng.

Một số người làm nghề lâu đời ở Mật Sơn cho biết, tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi, để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt, người thợ phải nấu tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối, tiếp đến phơi khô, vót thành từng thanh nan mỏng tùy theo mỗi loại đèn.

Hơn nữa, đèn ông sao có nhiều loại với kích cỡ khác nhau. Những chiếc đèn nhỏ thì đường kính từ khoảng 15cm, còn loại lớn từ hai đến ba chục mét đều được làm thủ công. Từ việc chọn sườn khung bằng tre nứa, cột kẽm, sau đó dán giấy bóng kính lên cho đến công đoạn vẽ đều do đôi bàn tay khéo léo của người thợ mà nên.

Về Mật Sơn trong những ngày này mới cảm nhận được không khí nhộn nhịp của làng nghề

Nhiều gia đình làm đèn lâu năm có kinh nghiệm chia sẻ bí quyết, yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc đèn trung thu còn ở cách tạo hình, kỹ thuật dán giấy và vẽ họa tiết trang trí cho lồng đèn. Tất cả những công đoạn này đòi hỏi người thợ phải sáng tạo trong từng nét vẽ, khéo léo trong cách bôi hồ, dán giấy thì mới có được những chiếc lồng đèn bắt mắt.

“Để hoàn thành một chiếc lồng đèn cỡ nhỏ cũng phải mất gần cả tiếng đồng hồ, chưa kể đến những loại to thì mất cả tuần mới hoàn thành nên trước rằm Trung thu gần 2 tháng, cả gia đình đã nhận đơn hàng từ các mối quen trong huyện, tỉnh hoặc các vùng lân cận và bắt tay vào làm từ sáng sớm cho tới tận khuya”, bà Thanh, một gia đình trong làng nghề cho biết.

Đặc biệt với loại đèn kéo quân, đòi hỏi người thợ cần có những tinh tế, sáng tạo hơn. Người thợ tha hồ thả hồn mình vào những bức tranh cắt gián sinh động. Đèn kéo quân thường được những người thợ trong làng Mật Sơn trang trí bằng những bức tranh về lịch sử, truyền thống dân tộc. Không chỉ là một cách để thể hiện nét văn hóa Việt ngay trên từng chiếc đèn mà còn là một sự khéo lẽo để trẻ em hiểu thêm về truyền thuyết, lịch sử và văn hóa của cha ông, đất nước.

Sức sống của một làng nghề

Có truyền thống lâu đời là vậy, nhưng nghề làm đèn lồng ở Mật Sơn cũng đã có lúc tưởng như bị mai một, không thể duy trì. Gần chục năm trở lại đây, khi các loại đèn lồng Trung Quốc tràn làn trên thị trường với giá thành rất rẻ thì rất nhiều hộ dân trong làng Mật Sơn đã bỏ nghề sang kinh doanh mặt hàng khác.

Theo một số cơ sở làm đèn lồng lâu năm thì sản xuất một chiếc lồng đèn thủ công chi phí cao hơn chiếc lồng đèn xếp công nghiệp rất nhiều. Do đó, trong cuộc cạnh tranh về giá thì chiếc lồng đèn thủ công luôn tỏ ra yếu thế. Sau nhiều năm sản xuất không có lời, chán nản nên chẳng ai thiết tha sáng tạo càng khiến cho mẫu mã nghèo nàn, số lượng hạn chế.

Làm đèn lồng thủ công thì chi phí cao hơn chiếc lồng đèn xếp công nghiệp rất nhiều

Ngày nay, bên cạnh những người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng lồng đèn giấy xếp, đèn nhựa có nhạc thì số lượng khách hàng sử dụng đèn thủ công vẫn còn rất nhiều. Theo chị Lê Thị Hiền (TP Thanh Hóa) thì, đèn thủ công tuy đắt hơn đèn lồng công nghiệp nhưng độ an toàn trong sử dụng cao hơn. Không độc hại cho trẻ.

'Hơn nữa, trên chiếc đèn lồng thủ công luôn chứa đựng những nét văn hóa truyền thống. Vì vậy, nó vừa mang tính giải trí vừa giúp các cháu hiểu và ghi nhớ về văn hóa dân tộc”, chị Lê Thị Hiền chia sẻ thêm.

Mấy năm trở lại đây, đèn lồng không chỉ được sử dụng trong mỗi dịp trung thu, mà còn được nhiều gia đình sử dụng trong những ngày lễ, tết, nên đèn lồng ngày càng trở nên gần gũi thân quen hơn với mỗi gia đình bởi nó giống như những đồ vật được sử dụng để trang trí trong cuộc sống hằng ngày, nó không chỉ rẻ, đẹp, và đặc biệt là vẫn giữ được nét đẹp sang trọng, rực rỡ vốn có trong các gia đình Việt.

Chỉ cần đặt chân lên đất làng Mật Sơn, ai cũng có thể nhìn thấy khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập của cả làng, nhất là mỗi dịp Tết Trung thu đang đến gần.

Trong số những làng nghề làm truyền thống ở Thanh Hóa thì làng nghề Mật Sơn được đánh giá rất cao. Bởi đèn lồng ở đây không chỉ mang dáng dấp truyền thống với nhiều hình thức đa dạng như hình tròn, hình trụ, hình ông sao mà nó còn có những chiếc đèn lồng kéo quân, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc hấp dẫn.

Trong ngày Tết Trung thu, bên cạnh mâm hoa quả, cùng với các điệu múa lân, múa rồng thì chiếc đèn ông sao, chiếc đèn kéo quân lung linh sắc màu luôn là những vật phẩm gần gũi của người Việt.

Cho dù phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nhưng sắc đỏ của đèn lồng Mật Sơn đã và đang khẳng định vị thế của làng, minh chứng cho sức sống trường tồn của một làng nghề truyền thống.

 

ST

 

 

Tệp đính kèm