Vùng núi Tam Đảo hình thành cách đây (2009) khoảng 145 triệu năm; dài tới 80km. Phần thuộc địa phận Vĩnh Phúc bắt đầu từ xã Đạo Trù (Lập Thạch) đến xã Ngọc Thanh (Mê Linh), theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, có nhiều đỉnh cao trên 1000m. (1542m). Cả 3 đỉnh Phù Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị đều cao trên dưới 1.400m, nổi lên như 3 hòn đảo.
Cùng sơn hệ với Tam Đảo có núi Sáng (Lập Thạch) cao 633m, núi Kim Tôn, núi Bầu, núi Ngang (Lập Thạch Tam Dương), núi Đinh, núi Trống, núi Nia (Vĩnh Yên - Bình Xuyên), núi Thanh Tước (Phúc Yên), núi Phù Mây, Thằn Lằn (Mê Linh) và các núi dạng đồi chạy dài từ Mê Linh tới Lập Thạch.
Bởi vậy địa hình núi đồi ở Vĩnh Phúc rất hiểm trở, lại thêm rừng cây nhiều tầng bao phủ, sông suối dầy đặc với hai hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Cà Lồ. Thêm vào đó là sông Lô, sông Phó Đáy và hệ thống nông giang Liễn Sơn, các đầm hồ với những chi nhánh luồn lách sâu vào nhiều làng xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân hoạt động và gây khó khăn phức tạp cho bất kỳ toán lính viễn chinh nào của triều đình hoặc ngoại bang, từ nhiều thế kỷ trước.
Nguyễn Danh Phương xây dựng đại đồn ở Thanh Lãnh - Ngọc Bội thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, dựa vào Tam Đảo, lập chiến luỹ kiên cố, lấy Thanh Tước làm tiền đồn. Từ những căn cứ đó, quận Hẻo toả quân hoạt động khắp trấn Sơn Tây, lan sang trấn Thái Nguyên, Tuyên Quang, trong hơn 10 năm (1740-1751) làm triều đình Lê Trịnh nhiều phen nao núng.
Nguyễn Văn Giáp, Bố Chánh Sơn Tây, nên nhân dân gọi là Bố Giáp, hiệp lực với Nguyễn Quang Bích, được vua Hàm Nghi thăng chức Tuần phủ Sơn Tây kiêm sung tham tán Hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ. Quân Bố Giáp lấy Tam Đảo làm căn cứ kháng Pháp, dựa vào nhân dân miền đồng bằng Vĩnh Yên, mở rộng phạm vi hoạt động lan mãi tận Hà Nội.
Ngày 23/6/1985, binh đoàn Muốc lang gồm 1.000 quân kéo qua đánh khu Vĩnh Yên, nhất là vùng Liễn Sơn. Càn quét hàng tháng nhưng không tiêu diệt nổi nghĩa quân, địch đóng lại một đồn chơi vơi ở Liễn Sơn. Nghĩa quân tạm lui về Tam Đảo, đợi khi Muốc lăng rút về Sơn Tây, lại trở ra hoạt động.
Trong các tướng chỉ huy nghĩa quân vùng Tam Đảo, Pháp sợ nhất Bố Giáp vì tài xuất quỷ nhập thần của ông. Tháng 10 năm 1887, quân Pháp bất thần kéo ập vào căn cứ nghĩa quân đóng, Bố Giáp chạy lánh vào nhà đồng bào Sán Dìu, rồi bệnh mất.
Năm 1893, dưới sự lãnh đạo của Đốc Giang, Đốc Khoát, vùng Tam Đảo trở thành căn cứ kháng Pháp rất mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh này được phối hợp với Yên Thế và sông Đà, khiến địch tấn công nhiều lần mà không làm gì nổi. Nghĩa quân hoạt động suốt một dải Vĩnh Yên, Phúc Yên và Tuyên Quang. Rất nhiều trận đánh xẩy ra giữa Đốc Giang, Đốc Khoát và địch trong suốt năm 1890-1891. Trong số nghĩa quân của Đốc Giang, Đốc Khoát, ta thấy có mặt người Kinh, người Hoa Kiều, người Sán Dìu vùng Tam Đảo.
Ngày 11 tháng 9 năm 1891, đại uý Pháp Ganơven chỉ huy đồn Liễn Sơn, được tin nghĩa quân đóng ở phía đông nam, vội đem non một trăm người đi càn quét. Một trận ác chiến nổ ra ở Đạo Trù, địch đại bại, trung uý Brai tử trận. Đêm 12 rạng 13 tháng 9, thuyền Pháp chở lính bị thương lên Việt Trì, lại bị nghĩa quân phục kích. Sau đó, chúng đem quân đi càn quét Đạo Trù, nhưng không kết quả. Trong cuốn Histoire Militaire de I’Jndochine (Lịch sử binh đoàn Đông Dương) địch phải thú nhận:
“Dân trong vùng Tam Đảo hoàn toàn trung thành với kẻ cướp (!), nên không cho chúng ta một tin tức gì”.
Ngày 17/10/1909, Đề Thám đã vượt sông Đáy, qua lũng Vĩnh Ninh, vào rặng Tam Đảo.
Ngày 18/10/1909, Bôniphaxi cho quân đóng dọc chân núi phía tây Tam Đảo, từ Đạo Trù qua Vĩnh Ninh, Hoàng La đến Ninh Lai, loay hoay tìm kiếm nghĩa quân. Lúc thì Đề Thám xuất hiện ở sườn phía Bắc Tam Đảo thuộc Đại Từ, lúc thì Đề Thám xuất hiện ở phía nam Cát Nê, Mũ Trang, Mũ Khê, Đèo Nhe. Khi quân thuộc đơn vị Abơla đến Phục Linh, Đề Thám lại quay sang Đồng Bỏng.
Cuộc hành quân bí mật, nhanh chóng, khi ẩn khi hiện, nhờ núi rừng Tam Đảo che chở, quân ta làm cho địch loay hoay lúng túng suốt 13 tiếng đồng hồ, nơm nớp lo sợ, lặn lội trong rừng, dưới suối, mà không đem lại kết quả nào.
Ngày 13 tháng 9 năm 1917, khi được tin đại bộ phận nghĩa quân do Đội Cấn chỉ huy đã từ Tam Đảo tràn sang Vĩnh Yên, thống sứ Bắc Kỳ quyết định cử thiếu tá Đơvilê, phối hợp với Tổng đốc Vĩnh Yên Mai Trung Cát, hành quân càn quét.
Từ 13 đến 18/9/1917 nghĩa quân xuất hiện ở dọc phía Tây Bắc chân núi Tam Đảo từ Xá Hưng, Lục Liễu đến Đạo Trù
3 giờ 30 chiều ngày 18/9/1917, quân địch gồm 7 đại đội chính quy và khố xanh do giám binh Hô Lê chỉ huy, tiến vào làng Hoàng Xá. Nghĩa quân từ chiến hào bắn ra kịch liệt. Giặc chết 1 đội và 2 lính, bị thương 6 tên Pháp và Lê Dương, mà vẫn không tiến được vào làng. Sau các trận Trung Hà, Thường Lệ, Thanh Tước, Cổ Bái, Nội Đồng, đại bộ phận nghĩa quân rút khỏi Phúc Yên, vượt Tam Đảo bằng con đường qua làng Lầy, nơi đã xẩy ra trận kịch chiến giữa tướng quân Hoàng Hoa Thám và giặc Pháp năm 1909.
Những cuộc khởi nghĩa do nông dân, binh lính và giai cấp phong kiến lãnh đạo thời kỳ cận đại, dần dần chấm dứt vai trò lịch sử, nhường chỗ cho một giai cấp mới, xu hướng mới ở vào giai đoạn cách mạng mới. Đó là thời kỳ Đảng cộng sản lãnh đạo. Tam Đảo vẫn là một vùng trọng yếu để trở thành căn cứ cách mạng.
Với công cuộc khai thác lần thứ nhất dưới chủ trương chính sách của thực dân Pháp, Tam Đảo từ vùng rừng núi âm u biến thành một trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự có chủ ý của kẻ địch.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những điều kiện chính trị và xã hội mới xuất hiện, một số người đứng ra bao thầu các bộ phận kinh doanh của Pháp, như thầu làm đường, cầu, trại lính, đường xe hoả, cung cấp lương thực, thực phẩm, đại lý phân phối hàng hoá và trở nên giàu có. Bên cạnh tầng lớp này, một bộ phận khác đứng ra kinh doanh riêng biệt, nhằm phát triển công thương nghiệp của mình theo hướng độc lập, làm chủ một số ngành sản xuất, phần lớn xuất thân từ tầng lớp sĩ phu tiến bộ, chịu ảnh hưởng của trào lưu tư sản phương Tây, kết hợp những đòi hỏi của công thương dân tộc, được tác động khách quan bởi chính sách thuộc địa của thực dân.
Bắt đầu từ năm 1907, trên tầm cao 1000m của Tam Đảo nhiều biệt thự sang trọng được mọc lên, nhà thờ Thiên chúa giáo, Khách sạn Mê-trô-pôn, bể bơi, vườn hoa, cầu sắt, đường nhựa, nhà đèn dần dần định vị. Bên cạnh chủ sở hữu người Pháp là các quan chức, còn có người Việt Nam vào làng tây, các hoa kiều, cũng đua nhau xây dựng biệt thự trên Tam Đảo làm chỗ nghỉ mát như Đồng Lợi Tế, Hồng Tân Hưng, Quảng Hưng Long, Đông Thành Hưng, Hoà Tường, Đồng ích, Hồ Đắc Điềm.
Người Pháp bố trí ở thị trấn mới này một đồn cảnh sát, một đồn lính khố xanh và một trung đội lính Lê dương. Hình thành hai khu vực rõ rệt. Khu I lịch sự, mát mẻ, sang trọng, đầy đủ tiện nghi, phục vụ quan lại Pháp - Nam và các nhà buôn giàu có. Khu II ở tầng thấp hơn, nơi tập trung các công nhân, phu phen, cu li được tuyển mộ từ Hà Nam, Phủ Lý và miền xuôi lên để khai thác Tam Đảo. Hết thời hạn hợp đồng, họ ở lại Tam Đảo tiếp tục sinh sống bằng nghề sơn tràng, kiếm lâm thổ sản, nuôi ong, trồng hoa, trồng rau, làm bồi bếp, lao công... phục vụ nhà giàu.
Năm 1941, Nhật đảo chính Pháp. Bọn lính Khố xanh và lính Lê dương của Pháp bỏ chạy. Bọn Nhật đưa một trung đội Bảo an lên Tam Đảo thay thế. Hơn 100 người cả Pháp lẫn Nam bị bắt giam. Cả khu I vắng ngắt, mỗi toà biệt thự chỉ còn một người lao công hoặc bồi bếp được quân Nhật cho phép ở lại trông nom, họ thường xuyên bị điểm danh, kiểm diện.
Trừ một nhóm sĩ quan chỉ huy Nhật, còn lính Bảo an là người Việt cả. Ta tuyên truyền giác ngộ, đưa họ vào hội binh sĩ cứu quốc. Cơ sở Việt Minh hình thành ở khu II, nơi bà con lao động cư trú, rồi lan vào các toà biệt thự, bắt mối với anh em lao công, bồi bếp.
Tại hai huyện Tam Dương và Lập Thạch, đội công tác Trung ương mở đường lên khu giải phóng, thành lập một đội vũ trang tuyên truyền. Đến tháng 6/1945, phát triển lên một đại đội, đo đồng chí Bắc Dũng làm chỉ huy trưởng, đồng chí Kim Ngọc làm chính trị viên.
Tam Đảo thành đầu mối giao thông, cán bộ mặt trận Việt Minh từ Bỉnh Di, Cầu Bâm, xuống Bì La, Bàn Giản; từ núi Sáng đến Thọ Linh, Cầu Giát, chuyển sang Tam Dương, Tĩnh Luyện, Đại Điền, Quan Đình, Làng Tranh, Làng Mấu, làng Mạ, làng Núc hoặc từ Đa Phúc, Đông Anh, lên Bắc Giang, Thái Nguyên... đều lấy Tam Đảo làm ATK.
Thực tế các huyện Tam Dương, Lập Thạch, Đa Phúc và một số huyện thuộc tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, từ tháng 6/1945 đã nằm trong khu giải phóng, do uỷ ban lâm thời khu Giải phóng chỉ đạo.
Đơn vị giải phóng quân Phạm Hồng Thái do đồng chí Nguyễn Huy Minh tức Thạch Sơn, làm trung đội trưởng, đồng chí Vũ Tuân làm chính trị viên. Hoạt động của đội ở vùng Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Thái Nguyên và thị trấn Tam Đảo. Trong trung đội có nhiều người quê gốc ở Tam Đảo như đồng chí Thạch Sơn, Tam Sơn, Ngân Sơn, Kim Sơn, Mai Sơn...
Đơn vị được giao nhiệm vụ đánh Nhật, giải phóng đồn Tam Đảo. Trung đội Phạm Hồng Thái đang khẩn trương chuẩn bị đánh, thì cơ sở Việt Minh trong lính Bảo An đóng ở Tam Đảo làm lộ kế hoạch. Bọn Nhật sinh nghi, lập tức chuyển đơn vị Bảo An binh là cơ sở của ta về Liễn Sơn và Vĩnh Yên, đổi đơn vị Bảo an binh ở Liễn Sơn, Vĩnh Yên lên Tam Đảo. Được trinh sát của ta báo tin, không để giặc Nhật thay đổi tình thế, đêm 16/7/1945, anh em Bảo an binh yêu nước của ta kịp thời nổ súng đánh Nhật, cử người liên lạc với đơn vị giải phóng quân Phạm Hồng Thái xin gấp rút tiếp viện. Quân ta đã sẵn sàng từ trước nhanh chóng hành quân thần tốc đến ngay, phối hợp với lực lượng bảo an binh, chiếm các vị trí then chốt. Mười một tên lính Nhật bị diệt gọn, ba tên đầu hàng được quân ta thu nhận.
Các đường lên Tam Đảo, qua Hồ Sơn, bắt đầu đến dốc thì trở thành độc đạo. Du kích Vĩnh Yên phối hợp tác chiến, chặt cây cản đường. Xe nhà binh của Nhật lên cứu viện, không bắt được dân công, đành chịu bất lực, quay xe trở về tỉnh lỵ, bực tức và ngậm ngùi.
Thị trấn Tam Đảo được giải phóng. Ta thu được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có súng máy, đạn dược, ống nhòm và hai máy điện thoại. Hơn 100 tù nhân được giải thoát. Một số tù người Pháp được Mặt trận Việt Minh đưa ra chiến khu. Số binh lính bảo an yêu nước tình nguyện gia nhập quân giải phóng.
Sau trận thắng Nhật ở đồn Tam Đảo, Báo Nước Nam mới - cơ quan thông tin tuyên truyền của khu Giải phóng, số 4, ra ngày 4/8/1945 có bài tường thuật trận đánh, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ quân Giải phóng và binh sĩ yêu nước đồn Tam Đảo. Bài báo kết luận:
“Uỷ ban lâm thời khu Giải phóng hoan nghênh cuộc chiến thắng của bộ đội Tam Đảo và đặc biệt ca ngợi tinh thần chiến đấu cứu nước của anh em binh lính”.
Chiến thắng Nhật ở Tam Đảo đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống Nhật, cứu nước trong các tầng lớp nhân dân ta, thôi thúc thanh niên tham gia du kích đánh Nhật, đồng thời nó đã thức tỉnh cho một số người nhẹ dạ còn ảo tưởng về sức mạnh Nhật, còn chưa tin Việt Minh.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Tam Đảo hoàn toàn do người lao động làm chủ, chấm dứt những mùa hè của bọn Tây đầm, quan chức và nhà buôn giàu có Tam Đảo trở về thuở hoang sơ, vắng vẻ. Những bông hoa đĩa, hoa glay ơn mọc tự do trên cả lối đi, trong các kẽ ngách đá và bậc lên xuống. ở đây chỉ còn lại người lao động và đồng bào Sán Dìu.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp bền bỉ và kiên cường, ngày 6/2/1947, thực hiện lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến, chấp nhận sự hy sinh gian khổ, Tam Đảo được lấy làm đất căn cứ, xây dựng thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến của Vĩnh Yên và Phúc Yên, nơi liên lạc với Tuyên Quang, Thái Nguyên, thuận lợi cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và phòng gian bảo mật, nơi tập kết những đơn vị chủ lực lớn, là hậu phương an toàn của nhiều cơ quan trung ương. Muốn vậy, không thể để Tam Đảo trở thành miếng mồi ngon của quân đội thực dân Pháp, không thể để Tam Đảo thành cứ điểm cho địch lập đồn bốt, khống chế toàn bộ cửa ngõ liên lạc với Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên, miền rừng núi và đồng bằng ven sông Hồng. Ta chủ trương phá sập toàn bộ lâu đài, biệt thự, nhà hầm gồm 180 chiếc ở những địa hình mà kẻ địch với ưu thế cơ giới, khí tài quân sự, dễ dàng kiểm soát, gây tổn thất cho lực lượng bộ đội, dân quân, du kích còn non trẻ của ta.
Những nhà hầm xây đá hộc và xi măng rất kiên cố, búa, choòng, xà beng... Khó có thể phá vỡ. Thuốc nổ rất quý hiếm, còn dùng vào việc chế tạo bom, mìn, đạn và lựu đạn, không thể lấy để làm bộc phá, giậy đổ những mảng tường dày tới 60cm được.
Dân quân ta đã dùng cỏ khô, cành củi, lốp xe cơ giới cũ nát, chất áp sát vào tường, vào cột bên tông rồi đốt lên. Ngọn lửa yêu nước và căm thù đã biến thành sức mạnh trí tuệ. Xi măng cốt sắt, đá hộc, cuội suối bị lửa nung đốt, nứt vỡ tan hoang rồi đổ sập. 35 căn nhà hầm kiên cố mà bọn xâm lăng có thể cải tạo thành boong ke, kho vũ khí, nhà tù, trở nên mất tác dụng, gạch đá ngổn ngang. Cỏ dại, dây leo gặp thời phát triển.
145 ngôi biệt thự của Tây đầm và nhà giàu trước, có thể đặt trọng pháo, biến thành đài quan sát, để chặt đứt, băm vụn mọi luồng lách liên lạc của du kích trong núi rừng Tam Đảo. Ta rất tiếc về vẻ hoành tráng, nguy nga đồ sộ của chúng, nhưng không thể để chúng biến thành mối nguy hại. Đến ngày thắng lợi, ta sẽ xây dựng lại Tam Đảo to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Dân quân du kích hai tỉnh Phúc Yên và Vĩnh Yên lại phát huy sáng kiến. Họ chôn những thanh ray dựng đứng lên, buộc dây tơi, treo thành một ray khác nằm ngang, đánh đu lên thanh ray dựng đứng.
Hò dô ta nào!
Họ kéo thành ray nằm ngang lùi lại phía sau.
Hò dô ta nào!
Họ đẩy thanh ray nằm ngang phóng lên phía trước, đâm thẳng vào bức tường phía dưới toà nhà, mạnh như một mũi khoan khổng lồ. Bức tường thủng một lỗ bằng cái nia. Chỉ cần vài lần phóng thanh ray, cả toà nhà hai ba tầng phút chốc bị đổ sập theo đường rơi thẳng đứng, không hề gây nguy hiểm, tại nạn, cho những người phải phá huỷ chúng.
Tam Đảo đã tiêu thổ kháng chiến, cắt đứt mưu đồ thống trị của kẻ thù, trở thành căn cứ địa đầy hiểm trở, huyền bí, thích hợp với chiến thuật du kích của ta, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ. Bộ đội, dân quân, du kích, dân công, lại phát huy sức mạnh thần kỳ chân đồng, vai sắt, chuẩn bị chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947.
Để đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, đồng thời tạo thêm nguồn cán bộ, tết kiệm ngân quỹ, làm cho Vĩnh Phúc có được địa bàn kháng chiến rộng lớn, có hậu phương vững chắc, làm chỗ dựa cho cuộc đấu tranh vùng địch hậu thắng lợi, Thường vụ liên khu uỷ Việt Bắc chỉ đạo hai Tỉnh uỷ Vĩnh Yên và Phúc Yên nhanh chóng triển khai các công việc chuẩn bị cho hợp nhất tỉnh vào tháng 1 năm 1950 tại núi Tam Đảo.
Làm nhiệm vụ tiền trạm, Huyện uỷ Bình Xuyên cử các đồng chí: Phạm Khắc Huân (Tam Hợp), Nguyễn Duy Kiệt (Thanh Lãng), Trần Cộng (Sơn Lôi), Đặng Nghĩa (Gia Khánh), Đường Tiến Châu (Tam Cạnh), Vinh Nhật (Tân Phong), Khánh Khơi (Thiện Kế) đi trước chuẩn bị cơ sở vật chất.
Riêng đồng chí Trần Cộng, huyện đội phó Bình Xuyên cùng tiểu đội dân quân địa phương, đóng chốt cảnh giới ở Cát xăng (400m), từ chỗ đó, lên Tam Đảo chỉ có đường độc đạo. Mọi người yên trí, nếu giặc Pháp tấn công Tam Đảo, bắt buộc phải qua Cát xăng, sẽ không thoát được con mắt cảnh giới của đồng chí Cộng, hiệu lệnh báo động sẽ nhanh chóng thông tin cho mọi người biết.
Ai ngờ giặc Pháp rất gian manh, chúng nguỵ trang làm dân thường, giấu súng trong áo tơi lá, đi bộ luồn rừng lên Tam Đảo. Tiểu đội cảnh giới không hay biết.
Vào khoảng 8-9 giờ sáng, hai đồng chí Đặng Nghĩa (Gia Khánh), Phạm Khắc Huân (Tam Hợp), từ khu làng Tây trên Tam Đảo, xuống khu làng An Nam dưới chân núi, thì bất ngờ gặp giặc. Đồng chí Huân nhảy đại xuống vực, bị gốc sặt chọc thủng gan bàn chân, nằm ngất đi. Vực sâu, giặc ngại tìm, vả lại chúng đang vướng phải giải đi đồng chí Nghĩa. Giặc nhét giẻ vào mồm cho đồng chí Nghĩa khỏi kêu khiến không thể nào báo động với quân ta được. Khi đồng chí Nghĩa định bất ngờ nhảy xuống vực giặc đoán biết, liền nổ súng bắn chết ngay. Tiếng súng âm vang vào vách núi. Bên ta biết luôn tức khắc giặc tấn công, kịp thời sơ tán vào rừng núi... Chúng đến nơi chỉ thấy lều lán hoang tàn.
Giặc vất vả phục kích, thăm dò khu vực Tam Đảo, nhưng không khai thác được tin tức. Công cuộc chuẩn bị hợp nhất Vĩnh Yên và Phúc Yên của ta vẫn bí mật tiếp tục tiến hành. Bên ta, một mình đồng chí Nghĩa hy sinh, báo động kịp thời cho tiền trạm. Còn đồng chí Huân nằm ngất đến sáng hôm sau thì tỉnh dậy, xuống đến Mỏ Quạ, lần về Chín Suối, tìm được căn cứ khác của Đảng bộ, chữa trị lành vết thương, lại tiếp tục hoạt động.
Sau trận này, ta rút được kinh nghiệm xương máu. Giặc có thể không dùng xe cơ giới, vẫn hành quân bộ được, cho nên phải cảnh giới tất cả đường lõng, đường tắt, lên Tam Đảo, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Hội nghị chuẩn bị hợp nhất Vĩnh Yên và Phúc Yên vào cuối tháng giêng 1950.
Ngày 12/2/1950, chính phủ ra Nghị định số 03-TTg do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc.
Việc hợp nhất tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. Đồng thời, đó là sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và tiến trình phát triển của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tam Đảo ngày nay (2009) vừa là di tích lịch sử hào hùng, nơi du lịch nổi tiếng với danh lam thắng cảnh, nơi nghỉ mát lý tưởng với các công trình kiến trúc đặc sắc; vừa là biểu tượng (logo) của Vĩnh Phúc, kết hợp giữa thiên nhiên và sức mạnh con người.
Thị trấn Tam Đảo nằm trên độ cao 1.000m so với mặt nước biển. Nhiệt độ trung bình mùa hè từ 20 đến 220c, có 904 loài thực vật, 840 loài động vật và côn trùng.
Tam Đảo có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, có thế mạnh trong phát triển du lịch và xây dựng các khu nghỉ mát. Nhiều thắng cảnh như ngọn Phù Nghĩa với ý chữ “Giúp việc nhân nghĩa”, ngọn Thiên Thị có thể hiểu là “Chợ trời” hoặc thành phố trên trời, ngọn Thạch Bàn với nghĩa “Bàn đá phẳng”, làm nên một Tam Đảo gắn bó giữa con người với thiên nhiên, giữa thiên nhiên với con người và hiển nhiên thu gọn lại thành địa danh Tam Đảo. Lại có Thác Bạc với nghĩa dòng nước từ trên cao đổ xuống, sáng lấp loáng màu kim loại trắng, hang Rùng rình với những dây leo đan giằng ngang dọc trên miệng núi lửa, làm thành tấm lưới đầy kiên cố từ lâu đời, bước lên thấy rùng rình mà không sợ tụt xuống hang vô đáy. Nhiều công trình nhân tạo kỳ tú như nhà thờ thiên chúa giáo có chữ thập trên vòm cao, biểu trưng sự hy sinh lớn lao cho nguyện vọng cứu thế, hoà hợp với đền bà Chúa ngàn, Thánh mẫu của núi rừng có tấm lòng từ bi hỉ xả. Bên cái linh thiêng huyền bí, hiển hiện cái khoa học hiện đại, cũng thiên biến vạn hoá không kém là cây tháp truyền hình Tam Đảo, cao nhất nước Việt Nam trên đất Vĩnh Phúc. Và khoảng cách không xa là khu di tích Tây Thiên với đền Thõng, đền Trung, đền Thượng cùng một loạt đền miếu nữa chênh vênh bên sườn núi, với Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên đồ sộ nguy nga, như lơ lửng giữa mây trời, lập thành một quần thể văn hoá đa dạng, đánh thức núi rừng phát huy tiềm năng du lịch. Tới năm 2010, Vĩnh Phúc ước tính có thể đạt con số 1.643 triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới thăm Tam Đảo.
Các điểm du lịch bổ sung như thác Thập Thình, thác Ngược, thác Cổng, hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương, hồ Vĩnh Thành, hang Gió, nhà bảo tàng Yên Dương - Đạo Trù, đồi Quần Ngựa, vực Tắm Voi, núi Trâu Xô - Bò Lăn, khe Đúc Tiền, đấu Đong Quân, cầu Đài Nguyệt, chùa Địa Ngục, am Vân Tiêu... với những con đường rải nhựa phẳng lỳ, quanh co, ẩn hiện dưới tán cây, có gương phản chiếu các góc cua, dựng bên đường để mở rộng tầm nhìn lái xe, nhiều lõng cứu hộ đề phòng xe xuống dốc mất phanh Rồi phương tiện ăn, ngủ, nghỉ, chơi, bơi, du ngoạn khá đầy đủ, cùng hệ thống điện nước thuận lợi dần dần hoàn thiện, chắc chắn Tam Đảo không còn là nơi thâm u, quanh năm mây mờ bao phủ, mà Tam Đảo là một thị trấn chỉ cách thành phố Vĩnh Yên 15km, cách Hà Nội 75km. Phía Nam có quốc lộ 2B và tỉnh lộ 314. Đoạn đèo từ km13 lên thị trấn Tam Đảo dài có 11km. Tổng chiều dài đường nội thị 7km, tản bộ vừa sức cho mọi lứa tuổi. Hiện nay trên thị trấn Tam Đảo đã có tới 13 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Cảnh lâm tuyền hoang dại đã lùi sâu vào quá khứ. Tam Đảo trở thành một cảnh quan thật hấp dẫn trong tam giác châu thổ, một đột khởi giữa đồng bằng, nối liền 7 huyện trung du có rừng, có suối, có hoa tươi, bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm, với áo chàm thấp thoáng của dân tộc Sán Dìu.
Đến Tam Đảo với không khí thanh bình, thân ái, với những âm thanh kỳ diệu và nụ cười hiền hậu.
ST